Nhiều năm trước, một cậu bé ủ rũ trên triền đê, tay nắm chặt sợi dây thừng với đầu kia là con trâu đang chậm rãi ăn cỏ. Bình thường những người chăn trâu có thể mặc trâu tự do gặm cỏ. Còn cậu, không khi nào dám rời sợi dây. Cậu sợ nó đi mất. Và lúc ấy, sẽ không cách nào tìm lại được.
Rồi cậu ngồi đó, suy nghĩ về những ngày tiếp theo. Cậu vừa nghỉ học. Và sau đó sẽ là gì? Cậu không biết. Tương lai mờ ảo như những gì trước mắt cậu, theo đúng nghĩa đen.
Căn bệnh thoái hóa sắc tố võng mạc quái ác khiến cậu không thể nhìn. Không thấy được các sự vật như người bình thường, cậu cũng không bị màn đêm bủa vây như người mù bẩm sinh. Thay vào đó là những mảng đen trắng, các bóng hình mờ đục nhạt nhòa…
Nguyễn Văn Hanh, VĐV bơi lội người khuyết tật với căn bệnh thoái hóa sắc tố võng mạc. |
…Nguyễn Văn Hanh sinh năm 1994 ở Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Cậu luôn nghĩ mình hoàn toàn bình thường, kể cả khi nhận thấy thị lực kém dần đi. Đến lúc mắt nhìn ngày một kém, cậu và gia đình vẫn nghĩ là bị cận. Chiếc kính có thể giải quyết vấn đề dễ dàng.
Đáng buồn là không. Và các bác sỹ, thoạt đầu cũng không đưa ra lời giải đáp chính xác. Mãi tới năm lớp 5, rồi lớp 6, thị lực của Hanh trở nên nghiêm trọng. Sau khi bố mẹ đưa tới những bệnh viện hàng đầu, Hanh trở về với kết luận, cậu bị thoái hóa sắc tố võng mạc. Nó sẽ khiến cậu mất đi thị lực. Y học cũng chỉ giúp điều trị triệu chứng với hy vọng làm chậm tiến triển.
Hanh đã rất đau khổ. Nhưng là một đứa trẻ, điều tồi tệ nhất là đối diện với đám bạn ác ý. Chúng trêu chọc, mang cậu ra làm trò đùa bất cứ khi nào nhìn thấy. Ngoài những lời cay nghiệt, chúng thường vây xung quanh, luân phiên đánh bắt cậu đoán xem ai. Hanh tức giận cũng chẳng thể làm gì. Cậu không nhìn thấy ai, và cũng chẳng đánh được ai.
Vào trong lớp, cô giáo đôi khi cũng không biết tình trạng của Hanh, gọi cậu đọc bài hoặc kêu lên bảng. Sự lúng túng, những cú vấp của cậu lại kích động những tràng cười. Dần dần đi học không còn là niềm vui. Cậu sợ hãi và chán nản. Cuối cùng vào năm lớp 7, đã xin bố mẹ được ở nhà, phụ bố mẹ làm ruộng, chăn trâu. Dù sao thì ở nhà giúp Hanh không phải đối mặt với những tiếng cười, trò đùa đáng sợ của chúng bạn. Có điều cứ mãi thế cũng không ổn.
Tuổi thơ của Hanh là những ngày đau khổ vì sự kỳ thị và những trò đùa ác ý. |
Cần phải nói thêm, không chỉ Hanh, 3 anh chị em của cậu đều chung căn bệnh. Người anh hơn Hanh 4 tuổi sớm Hội người mù tỉnh Vĩnh Phúc. Và khi Hanh nghỉ học, anh đã đưa cậu tới. Đó là năm 2008. Tại đây cậu được học chữ và học nghề xoa bóp bấm huyệt. Trong môi trường toàn những người khiếm thị, tất cả đồng cảm, tương trợ nhau, Hanh cảm thấy được an ủi, sau đó trở thành một phần của thế giới những người không may mất đi thị lực. Rồi cơ duyên này mở ra cơ duyên khác, thúc đẩy Hanh dấn bước vào cuộc sống cậu từng sợ hãi.
Lần đầu tiên được anh trai dẫn đi làm, Hanh vừa run vừa sung sướng. Ngày ấy thù lao tẩm quất rất thấp. Mỗi khách làm mất một tiếng mà số tiền nhận lại chỉ mười mấy ngàn, chưa kể phải trích phần trăm cho trung tâm. Thế nhưng món tiền nhỏ nhoi ấy đủ khiến Hanh hạnh phúc cả ngày. Những ngày ngồi trên triền đê, Hanh không biết sau này làm gì để sống. Bây giờ, cậu có thể đi làm, kiếm được tiền để gửi về cho cha mẹ.
“Bố mẹ em làm nông, nhà chẳng dư dả gì”, Hanh nói với báo Tiền Phong, “Vốn đã nghèo, cả 4 anh chị em đều khiếm thị phải chạy chữa khắp nơi. Sau cùng bệnh không khỏi mà nhà lại nợ nần, khoản nọ chồng khoản kia. Ra đi làm, có tiền, em vui lắm, bởi cảm thấy từ giờ mình có thể giúp đỡ bố mẹ trang trải nợ nần, cải thiện cuộc sống”.
Có thời điểm đối mặt tương lại vô định, giờ Nguyễn Văn Hanh đã tìm thấy mục đích và niềm vui sống. |
Cuối năm 2008, sau khi đã lành nghề, Hanh rời quê xuống Hà Nội, xin vào các cơ sở xoa bóp bấm huyệt với hy vọng thu nhập cao hơn. Được 3 năm, Hanh quen một anh vận động viên khuyết tật môn điền kinh. Anh này gợi ý Hanh nên tập thể thao, hàng ngày chạy cùng anh cho vui. Nhưng Hanh nói thích bơi. Khi còn nhỏ, thời điểm thị lực chưa mất hẳn, Hành vẫn thường bơi ở sông Cà Lồ, con sông chạy qua Phúc Yên.
Vậy là Hanh bắt đầu bơi. Có điều trước đây Hanh chỉ bơi theo bản năng. Khi được dẫn tới bể bơi của trung tâm, anh lại nghĩ nó quá bé so với dòng Cà Lô quê nhà, và mọi thứ có vẻ hơi dễ dàng. “Ai ngờ chỉ bơi được một lúc thì mệt đứt hơi”, Hanh cười, vẫn còn vẻ ngượng nghịu khi nhớ lại.
Sau này, dần dần nắm được kỹ thuật và thực hiện đúng giáo án tập luyện của HLV nên Hanh mới bơi đúng cách, không thấy mệt và sức bền cũng tăng lên.
Ban đầu Hanh cũng chỉ nghĩ đi bơi để cải thiện sức khỏe, thêm niềm vui trong cuộc sống. Rồi HLV nói với anh rằng chỉ cần cố gắng sau này có thể thi giải. Điều này khiến Hanh suy nghĩ. Anh cũng hy vọng sẽ đạt được điều gì đó, nhưng nhìn xung quanh, rõ ràng không bằng các bạn. Các đồng đội của Hanh đều tập luyện lâu năm, lại thi đấu, cọ xát nhiều. Hanh thì mới tập, mọi thứ đều không thể so sánh.
Bất chấp những khó khăn gặp phải, Hanh chưa bao giờ đánh mất sự lạc quan. |
Cứ tập thế này không biết đến bao giờ mới bằng chúng bạn, nói gì đến giành giải. Vả lại, đi bơi đồng nghĩa với việc mất buổi làm, nhiều các cơ sở tẩm quất không đồng ý. Thu nhập giảm sút mà tập bơi lại không chế độ gì, Hanh dần ngãng ra.
Cũng thời điểm này, Hanh nảy ra sở thích chăn nuôi. Nghĩ là làm, với số tiền dành dụm được, Hanh về quê mua con giống và bắt đầu gây dựng một cơ sở chăn nuôi chó ta. Thật không may, vì thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật, chỉ vài tháng các con giống dần đổ bệnh rồi chết cả.
Rơi vào cảnh trắng tay, những suy nghĩ trong Hanh cũng thay đổi. Anh quay ra Hà Nội để tiếp tục làm tẩm quất, xoa bóp bấm huyệt, nghề mà anh làm tốt nhất. Đồng thời, chàng trai người Vĩnh Phúc cũng trở lại với bể bơi. Vừa hay, cuối năm đó (2012) có giải trẻ Thể thao Người khuyết tật toàn quốc. HLV cổ vũ Hanh, khuyến khích anh tập luyện để dự thi.
Lúc này Hanh cũng đã chín chắn hơn. Anh tập luyện nhiều hơn, nỗ lực đêm ngày để nâng cao năng lực, cải thiện sức bền. Không chỉ ở bể bơi, trở về trung tâm xoa bóp bấm huyệt, Hanh tranh thủ mọi thời gian để tập. Anh chạy quanh phòng, hết đứng lên ngồi xuống lại chống đẩy theo giáo án của HLV.
Nguyễn Văn Hanh tại Para Games 2015 (ảnh trên) và Para Games 2023 (ảnh dưới). |
Sự chăm chỉ đã mang lại kết quả. Giải năm đó Hanh đoạt liền 3 huy chương Vàng, nhận được sự hoan hô cổ vũ của mọi người cùng lời khen ngợi của HLV. “Vừa lên bờ đã nghe các HLV thông báo kết quả, tuy mệt nhưng em rất vui”, Hanh kể, “Từ việc bơi chỉ là một cách rèn luyện, vậy mà ngay lần đầu thi em đã đạt thành tích cao. Chưa hết, còn được tiếp xúc với nhiều người, kết thêm nhiều bạn mới cùng cảnh ngộ. Tất cả như thể mở ra một cuộc đời mới”.
Kể từ đó, phía trước Hanh phủ màu vàng của những tấm huy chương. Sau khi đạt thành tích cao ở Giải toàn quốc năm 2013, anh được gọi vào đội tuyển Người khuyết tật quốc gia chuẩn bị cho Para Games 2014. “Nghe HLV báo tin, em sung sướng lắm”, Hanh nói, “em cũng hứa với HLV sẽ làm mọi thứ, nỗ lực hết sức để giành huy chương”.
Nghe lời hứa và tấm lòng chân thành ấy, HLV Dương Thị Thêm (mà trong đội thường gọi một cách thân thương là chị Hoa) đã chỉ bảo tận tình, động viên Hanh tiến bước. Cho đến nay, Hanh vẫn luôn biết ơn, coi HLV Dương Thị Thêm là người có ảnh hưởng lớn nhất, mà không có cô cũng không có anh hiện tại.
Nguyễn Văn Hanh trên bục xuất phát và những tấm huy chương giành được ở các giải Thể thao Người khuyết tật toàn quốc. |
Dĩ nhiên, Hanh cũng đền đáp người thầy của mình bằng những tấm huy chương vàng lấp lánh. Ngoài rất nhiều huy chương trong nước, anh còn giành 3 huy chương Vàng Para Games (2 năm 2014 và 1 năm 2023 nội dung 100m bơi ếch), 1 huy chương Bạc và 1 huy chương Đồng.
Hanh nói mỗi khi xuống nước, anh như trở về với thế giới của riêng mình, của sự tự do, nơi anh thoải mái thể hiện và quên đi những mặc cảm. Trên đường đua của mình, thế giới của mình, Hanh chứng minh cho tất cả thấy dù không có đôi mắt sáng anh vẫn “đi đúng hướng”, thậm chí còn nhanh hơn người khác. Và đó cũng là lúc quan niệm thay đổi, rằng khuyết tật không phải những người bị khiếm khuyết nào đó. Khuyết tật thực sự phải là những người không tìm thấy niềm vui cũng như mục tiêu trong cuộc sống.
Còn Hanh, anh chưa bao giờ đánh mất sự lạc quan và luôn có mục tiêu rõ ràng. Vì khiếm thị, Hanh biết mình khó có thể trở thành HLV. Vì vậy, cố gắng kéo dài nhất có thể sự nghiệp thi đấu, đồng thời không ngừng cải thiện bản thân để giành thêm nhiều huy chương nữa nhằm tri ân các HLV và nâng tầm thể thao người khuyết tật Việt Nam.
Nguyễn Văn Hanh trước cơ sở xoa bóp bấm huyệt trong con ngõ nhỏ trên đường Đê La Thành. |
Bên cạnh đó, Hanh cũng có trách nhiệm với bố mẹ và gia đình bé nhỏ của anh. Sau những đắng cay phải chịu nhưng không bao giờ lùi bước, anh được số phận đền đáp bằng người vợ hiền và hai nhóc tì xinh xắn. Để tạo dựng cuộc sống tốt, đặc biệt là các con phải học hành đầy đủ, ngoài thể thao, Hanh cũng mở một cơ sở tẩm quất, xoa bóp bấm huyệt chuyên về các bệnh thần kinh và xương khớp trong con ngõ nhỏ trên đường Đê La Thành, Hà Nội.
“Trước đây không thể theo hết sự nghiệp học hành nên lúc nào em cũng cảm thấy tiếc nuối, giá như ngày ấy mình không mắt kém để có thể đi trọn vẹn con đường, qua đó tạo dựng cuộc sống theo cách mình mong muốn. Đó là lý do em luôn khuyên các con phải đặt học tập lên trên hết”, Nguyễn Văn Hanh
“Điều đầu tiên, trong chính suy nghĩ mình đừng bao giờ coi bản thân là người khuyết tật. Không ai có thể theo và hỗ trợ cả ngày. Vì vậy phải cố gắng đi bằng đôi chân của chính mình, thích ứng với hoàn cảnh và tự tin vươn lên trong cuộc sống”, Nguyễn Văn Hanh chia sẻ với báo Tiền Phong.
Cậu bé trên triền đê ngày nào giờ đã trở thành trụ cột gia đình. Cũng không còn những câu hỏi không lời giải đáp. Bây giờ Hanh có một giấc mơ để theo đuổi, một hạnh phúc để tìm về.