Khởi động Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3

Khởi động Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3 sẽ diễn ra tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk từ ngày 10 tới 13-3-2011. Đây là cơ hội tốt cho hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của ngành cà phê Việt Nam nói chung và các tỉnh Tây Nguyên nói riêng.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3 sẽ diễn ra tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk từ ngày 10 tới 13-3-2011. Đây là cơ hội tốt cho hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của ngành cà phê Việt Nam nói chung và các tỉnh Tây Nguyên nói riêng.

Nhiều hoạt động mới trong lễ hội lần 3

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3 - năm 2011 sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc và ấn tượng như: Khai trương Bảo tàng Cà phê thế giới, Lễ hội đường phố mang chủ đề “Hội tụ cảm xúc”, Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê với quy mô trên 500 gian hàng giới thiệu cà phê Việt Nam và các nước; Triển lãm quá trình hình thành và phát triển ngành cà phê, Triển lãm có tư vấn quy trình từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến cà phê... Bên cạnh đó còn có các hoạt động văn hoá, nghệ thuật: Chương trình “Duyên dáng Việt Nam 24” với chủ đề “Thăng hoa sáng tạo”; Chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc của các tỉnh Tây nguyên; Tham gia các tour du lịch ngắn ngày đi tham quan các khu vườn trồng cà phê, đêm thiết lập kỷ lục “Phin cà phê lớn nhất Việt Nam”...

Đặc biệt tại Lễ hội năm nay là việc lần đầu tiên đưa vào hoạt động thí điểm mô hình giao dịch cà phê theo kỳ hạn theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, từ đó sẽ giúp cho các người dân và doanh nghiệp tiếp cận các phương thức mua bán cà phê tiên tiến và phù hợp với xu hướng mua bán cà phê của thị trường thế giới hiện nay.

Năm 2005 là năm đầu tiên tỉnh Đắk Lắk tổ chức thành công sự kiện Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột và được đánh giá là 1 trong 10 sự kiện lớn của hoạt động thương mại Việt Nam. Tiếp nối thành công đó, năm 2007, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Tuần lễ Văn hóa cà phê tại Hà Nội và TP HCM. Năm 2008, tổ chức tiếp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 2.

Theo ông Y DHăm Ênuôl – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột được Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần vào tháng 3. Đây là thời điểm đẹp nhất trong năm ở Tây Nguyên, khi cây cà phê trổ hoa rực rỡ và cũng là dịp có rất nhiều sự kiện văn hóa mang đậm bản sắc Tây Nguyên.

Khởi động Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3 ảnh 1
 

Tăng cường cơ hội hợp tác

Theo ông Y DHăm Ênuôl, một điểm mới trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3 là UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Phát triển cà phê Buôn Ma Thuột bền vững”, với sự tham gia của các khách mời là các chuyên gia có uy tín của Việt Nam và 150 đại biểu quốc tế là đại diện các nước sản xuất cà phê như: Brazil, Columbia, Indonesia, Ethiopia…

Tại Họp báo giới thiệu Lễ hội hôm 17-1 tại Hà Nội, Đại sứ Brazil Joao de Mendonca Lima Neto đánh giá cao Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột: “Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột là một chương trình thiết thực để những quốc gia trồng cà phê trên thế giới như Braxin, Colombia, Indonesia, Việt Nam,…cùng bắt tay hợp tác thay vì cạnh tranh như trước đây để cùng nhau xóa bỏ những nghịch lý mà các quốc gia chúng ta đang phải gánh chịu. Tôi đại diện Brazil đến đây cũng vì mục tiêu đó và chắc chắn cùng đồng hành cùng chương trình Lễ hội”. Đại sứ Brazil cho biết, “Vua bóng đá” Pele dự kiến đến Việt Nam dịp này dự lễ hội với tư cách đại sứ thiện chí, đại diện cho đoàn Brazil, đất nước xuất khẩu cà phê nhiều nhất thế giới.

Ông Y DHăm Ênuôl cho biết, thông qua Lễ hội, tỉnh Đắk Lắk mong muốn người tiêu dùng cà phê trong và ngoài nước hiểu thêm về cuộc sống của người trồng cà phê và nhận biết được các công đoạn từ trồng, chế biến cho đến khi có được ly cà phê thơm ngon. Qua đó thấy được giá trị của hạt cà phê Việt Nam và thúc đẩy ngành Cà phê phát triển một cách bền vững.

Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, khách tham quan sẽ được thưởng thức càphê miễn phí tại các quán cà phê đặc trưng trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột và nhiều chương trình văn hoá, văn nghệ khác.

 Đắk Lắk là tỉnh trung tâm của Tây Nguyên với diện tích hơn 13.000 km2, dân số gần 1,8 triệu người với 44 dân tộc anh em cùng gắn bó chung sống. Trong những năm gần đây, cà phê là sản phẩm chủ lực của Đắk Lắk với diện tích trên 180.000 ha, sản lượng hàng năm đạt trên 400.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt trên 600 triệu USD. Riêng năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 620 triệu USD, đóng góp trên 60% tổng thu ngân sách của tỉnh, giải quyết việc làm cho khoảng 300.000 lao động trực tiếp và khoảng 100.000 lao động gián tiếp.
 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG