Khoe khoang

Khoe khoang
TP - Khá lâu năm xa quê, nay tôi mới có điều kiện về thăm đúng dịp trưởng họ mời dự liên hoan ăn mừng nhà thờ họ tôi mới được khánh thành.

Qua đó tôi cũng được trưởng họ cho biết họ chúng tôi có đến 11 vị tiến sĩ, còn cỡ thạc sĩ như tôi phải đến gần 40 người và ông nhắc nhở khéo: “Chú học hành, làm ăn như thế nào cũng phải cố gắng “làm” cái tiến sĩ cho bằng anh bằng em”.

Lúc ấy, tôi chỉ biết cười trừ. Họ hàng nhà tôi chủ yếu ở làng quê, có mấy ai đi làm ăn xa đâu. Sao mà nhiều tiến sĩ và thạc sĩ thế nhỉ? Tôi đem điều thắc mắc đó hỏi mẹ.

Mẹ bảo: “Để có được danh sách đó là công của ông Trưởng họ. Ông đã nghiên cứu gia phả họ ta trong mười đời gần đây và tìm bằng được những con cháu có bằng tiến sĩ, thạc sĩ ”.

Ông ấy tự hào lắm, đi đâu cũng đem danh sách tiến sĩ, thạc sĩ đó ra khoe, nhất là các dịp họp mặt giữa các họ với nhau. Nhưng thực tế, trong số những tiến sĩ, thạc sĩ mà ông Trưởng họ luôn giới thiệu đó có mấy ai về làng? Đúng là “hữu danh vô thực”.

Hay một câu chuyện khác, vừa đến nhà anh Sang đồng hương, chưa kịp hỏi han sức khoẻ, anh đã vào ngay chủ đề “Con gái nhà chú năm nay học hành thế nào? Có được học sinh giỏi không?

Con bé Hà nhà tôi học môn nào cũng giỏi, ăn rồi là chỉ biết ngồi vào bàn học, không đòi hỏi bất kỳ thứ gì… ”. Trong khi đó, tôi lại trông thấy con bé đang ngồi ở bàn, mặt mày nhăn nhó có vẻ không vừa ý lắm.

Không biết ông bố huyên thuyên nhiều chuyện thế có hiểu được những gì đang diễn ra trong đầu cháu bé không nhỉ? Hết chủ đề con cái, anh lại chuyển sang chủ đề công việc.

Đại loại là công việc dạo này khá rảnh rỗi, làm công ăn lương nên cứ đến giờ thì làm, hết giờ thì về vừa thoải mái, nhàn hạ mà vừa thu nhập không kém ai.

Thế nhưng, anh lại phàn nàn công việc như thế không phát huy được năng lực sở trường của bản thân, ngày trước tích cực, năng động là thế. Vậy mà bây giờ đầu óc, chân tay cứ ỳ ra, rối tinh rối mù cả lên, không suy nghĩ, viết lách được gì.

Rồi những bản báo cáo thành tích cá nhân và tập thể ở một số cơ quan, đơn vị đôi khi cũng thấy na ná bản khoe công kể trạng. Không ít những cơ quan, đơn vị lại dựa vào đó để đánh giá công việc, đánh giá con người.

Nếu chỉ dựa vào bản báo cáo thành tích thì làm sao giáo dục được tính thật thà, khiêm tốn? Bởi những cá nhân, tập thể âm thầm làm việc phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước liệu có thiệt thòi không?

Tính khoe khoang bao giờ cũng gắn liền với việc nâng cao yếu tố chủ quan và đổ lỗi cho khách quan. Cái gì gắn với bản thân mình đều tốt, còn nếu có hạn chế thì do điều kiện bên ngoài tác động.

Vì mục đích mà người khoe khoang muốn hướng tới là được khen ngợi nên chủ đề để khoe khoang vô cùng phong phú.

Phải chăng căn bệnh thành tích trong giáo dục cũng xuất phát từ tâm lí thích được khen ngợi của nhiều người?

Điều này cũng có nghĩa là, khoe khoang là một căn bệnh khá trầm kha, biểu hiện trên nhiều lĩnh vực. Nếu ai mắc bệnh này khó nhìn thấy được hạn chế của mình. Thế thì khó mà tiến bộ được!

MỚI - NÓNG