Khi Tiến sĩ làm Bí thư Đoàn

Khi Tiến sĩ làm Bí thư Đoàn
TPO - Sinh năm 1975, vừa nhậm chức Viện phó Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), Tiến sĩ Bùi Trường Giang là một trong 15 người vừa được đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2009.
Khi Tiến sĩ làm Bí thư Đoàn ảnh 1
Bùi Trường Giang (thứ hai từ trái sang)

Giang Đoàn, Tiến sĩ, Chủ nhiệm

Giang đoàn, Giang tiến sĩ, Giang chủ nhiệm (các đề tài nghiên cứu khoa học), ở lĩnh vực nào, “ông” Viện phó cũng “cháy hết mình” và nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bắt đầu từ hiện tại, công việc chuyên môn, tiến sĩ kinh tế trẻ tuổi đã tham gia viết chuyên đề nghiên cứu cho hơn 10 đề tài cấp nhà nước và hơn 20 đề tài nghiên cứu cấp bộ; hơn 30 công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước; hơn 10 chương sách được xuất bản trong và ngoài nước…

Anh còn thực hiện một số nhiệm vụ đặc biệt được Nhà nước, Chính phủ giao như trưởng nhóm nghiên cứu Việt Nam trong Nhóm chuyên gia khu vực về Sáng kiến Đối tác Kinh tế toàn diện Đông Á (CEPEA, 2007 - 2009), thành viên Nhóm nghiên cứu khu vực về Khu vực Thương mại Tự do ASEAN+3 (EAFTA, 2006 - 2009); thành viên, kiêm thư ký Nhóm tư vấn cấp cao “Rà soát thể chế thực thi các Chương trình Hành động thực hiện cam kết gia nhập WTO” (2008); thành viên Nhóm nghiên cứu khả thi Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc (2010)…

Bùi Trường Giang cũng đang chủ trì hai dự án hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo quốc tế với Đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne (Pháp) và Đại học George Washington (Hoa Kỳ). Anh cũng tham gia tích cực các hội thảo quốc tế và là tác giả của một số công trình khoa học đăng trên tạp chí nghiên cứu quốc tế và khu vực uy tín.

Giang bảo, ngày mai đang bắt đầu từ hôm nay, thành công hôm nay là nỗ lực của hôm qua. Vậy nên, những trái chín là kết quả của một quá trình không ngừng nỗ lực phấn đấu.

Chặng đường gần thì hiện tại nhất là 2004 - 2008, Bùi Trường Giang hoàn thành chương trình tiến sĩ kinh tế với luận án về “Xu hướng hình thành các hiệp định thương mại tự do (FTA) ở Đông Á”.

Trước đó, năm 2002, Giang trúng học bổng, “làm” Thạc sĩ Chính sách công tại Trường Quản lý và Chính sách công (Viện Phát triển Hàn Quốc- KDI), chuyên ngành kép (Chính sách thương mại và công nghiệp và Quan hệ quốc tế và kinh tế chính trị quốc tế).

Mồ hôi mà đổ… đất người, sau những tháng ngày nỗ lực nơi xa xứ, chàng trai đến từ Việt Nam cũng có được trong tay giải thưởng luận văn xuất sắc nhất chuyên ngành chính sách công của trường.

Về nước, Giang được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm nghiên cứu An ninh và Chiến lược quốc tế (CISS), thuộc Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

Dường như, Giang có duyên với học kép, chẳng thế mà khi còn là sinh viên (1992 - 1997), anh học cả khoa Kinh tế đối ngoại, Đại học Ngoại Thương và khoa Tiếng Anh – Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Dù đi lên từ “dân” chuyên Anh, trường Hà Nội – Amsterdam, nhưng Bùi Trường Giang lại theo quyết theo con đường kinh tế học.

“Công việc nghiên cứu mang lại cơ hội trao đổi học thuật và làm việc thường xuyên với các tổ chức khoa học và giới học giả quốc tế, đi gần 30 nước trên thế giới, tôi bỏ qua nhiều lời mời nghìn đô. Đến giờ, điều tôi hài lòng nhất là ngày càng yêu thích công việc nghiên cứu khoa học, được học tập, nghiên cứu lĩnh vực mình đam mê – quan hệ kinh tế quốc tế” – Bùi Trường Giang tâm sự.

Còn một Trường Giang - thủ lĩnh kết nối

“Trong công việc chuyên môn, tôi kiên nhẫn, tôi cố gắng. Với Đoàn, tôi có duyên, tôi có những người thầy giỏi, thêm nhiều người bạn tốt” – Bí thư Đoàn Viện Khoa học Xã hội Việt Nam Bùi Trường Giang nói.

13 năm gắn bó với màu áo xanh thân thuộc, Trường Giang rút ra riêng cho mình triết lý hoạt động Đoàn phải có Tứ kết: Kết đoàn - Kết nối - Kết bạn - Kết duyên.

Nhậm chức Bí thư, nhận thấy mỗi đoàn viên dù mạnh nhưng cũng chỉ như chiếc đũa, thiếu sự tương tác lẫn nhau để trở thành bó đũa chặt, Trường Giang sáng lập và cổ vũ phong trào sinh hoạt khoa học liên chi đoàn, từng đoàn viên, từng chi đoàn trao đổi thông tin qua thư điện tử, từ hoạt động, đến chuyên môn nghiên cứu…

Anh cùng Ban chấp hành các chi đoàn tổ chức nhiều hội thảo như: văn hóa truyền thống trong hội nhập phát triển, bối cảnh kinh tế chính trị Đông Nam Á và chiến lược các nước lớn…, vừa để mọi người giao lưu, kết nối nhau, vừa giúp mỗi đoàn viên đăng đàn có cơ hội thực hành kỹ năng trình bày vấn đề, giao tiếp.

Bùi Trường Giang còn tổ chức thành công các buổi đối thoại giữa toàn thể đoàn viên thanh niên với lãnh đạo và đảng uỷ Viện Khoa học xã hội Việt Nam cùng lãnh đạo các Ban chức năng và Viện, trung tâm trực thuộc cũng không ngoài mục đích kết nối trong thế hệ trẻ và kết nối giữa các thế hệ.

MỚI - NÓNG