> Viết thư cho Sơn Tinh, đoạt giải nhất UPU
“Ta hận loài người vì họ được tiếng là thông minh mà sao lại không nhận ra được giá trị to lớn của ta? Chính ta đã làm nên mọi sự sống cho hành tinh này… Ta nghĩ, chỉ cần loài người yêu quý ta như đã từng yêu quý mi và cùng chung tay quyết liệt hành động ngay từ bây giờ thì cuộc sống của họ sẽ lại bình yên và ta cũng chẳng còn lí do gì mà gây ra lũ lụt nữa”.
Đó là phần trích nội dung bức thư Thủy Tinh gửi Sơn Tinh vừa đoạt giải nhất quốc gia cuộc thi viết thư UPU mà tác giả là cô bé đang học lớp 6 ở Đà Nẵng.
Cô bé ấy tuy học trong ngôi trường không thuộc diện hot theo kiểu “chen nhau đạp cổng xông vào”, nhưng may mắn được sống trong những tiết dạy Văn đúng nghĩa.
Không mô phạm, giáo điều khiên cưỡng. Khuôn mẫu bài giảng trong sách giáo khoa chỉ để tham khảo. Kết hợp với phương tiện nghe nhìn hiện đại, cô giáo biến học sinh từ đối thể trở thành chủ thể sáng tạo.
Học sinh toàn quyền nhập vai vào từng nhân vật trong bài học để phát huy và khám phá chính mình, từ tư duy ngôn ngữ đến trí tưởng tượng khoáng đạt, bất ngờ.
Cô học trò ấy cho biết, chỉ từ khi lên học cấp 2, được sống trong những tiết Văn như vậy, em mới thực sự thấy yêu thích môn học này.
Nên thật khó hiểu, trong quy định mới về tuyển sinh đại học, cao đẳng, nhiều trường thuộc khối văn hoá nghệ thuật lại được miễn thi môn Văn. Các trường nghệ thuật tỏ ra hào hứng việc này, lập luận rằng, bỏ bớt Văn là để tăng cường những môn năng khiếu.
Thoạt nghe có vẻ hợp lý, bởi cứ nghĩ rằng những ai đã có thiên hướng nghệ thuật đều có sẵn “tâm hồn nghệ thuật”, chỉ việc đào sâu vào chuyên môn. Nhưng thực tế, văn học, văn chương hướng tới khả năng tư duy hình tượng và tưởng tượng đặc biệt, vừa dẫn dắt và là nhà “đồng sáng tạo” đắc lực cho mọi loại hình nghệ thuật khác.
Chọn được thí sinh có năng khiếu, nhưng nhiều khi chỉ đào tạo ra những thợ đàn, thợ vẽ, thợ múa hát đơn thuần, mà thiếu đi tố chất của người sáng tạo nghệ thuật thực sự. Tính tư tưởng lớn của bất kỳ tác phẩm nghệ thuật đặc thù nào, cũng đòi hỏi nhiều tố chất khác nữa, trong đó có tư duy văn học theo nghĩa rộng, ngoài khả năng “đàn hay, vẽ chuẩn”.
Quan niệm coi nhẹ môn Văn, cũng như những môn xã hội học nền tảng khác đang diễn ra hiện nay, thực ra do chính sự nhàm chán, đơn điệu từ khâu dạy và học trong nhà trường gây nên. Cần khắc phục, chứ không phải chối bỏ nó.
Văn học, và học văn trong tổng hoà sự vận dụng kho kiến thức, nghệ thuật đời sống con người, cũng như cây đàn Pandur 2 dây của người Avar dân tộc Đaghextan mà Raxun Gamzatop từng nói, thực ra cũng như mọi cây đàn trên thế gian này.
Đó là không thể đàn từng dây một, hết dây nọ mới chơi đến dây kia. Cũng như sự phiến diện khi luôn coi Thuỷ Tinh là đối tượng cần phải loại bỏ.