Khi sinh viên được quyền chất vấn

Khi sinh viên được quyền chất vấn
TP - “Nước hồ này đang bị ô nhiễm bởi lá cây, rác thải… Ban Giám đốc công viên Đầm Sen nên để ý xử lý!!!”. Những lời “chất vấn” này không phải được phát ra từ một cơ quan thanh tra nào mà lại từ sinh viên trường ĐH KHTN (ĐHQG TPHCM).

Buổi học mà từ trước đến nay chưa hề thấy trong bất kỳ một giáo trình nào tại các trường đại học ở Việt Nam này do Trung tâm nghiên cứu, cải tiến phương pháp dạy và học thực hiện.

Học “chất vấn” đến cùng!

Buổi học diễn ra ngay tại một căn phòng nhỏ trong công viên Đầm Sen. Một màn hình chiếu đang được sinh viên sử dụng để đưa ra những con số, khảo sát về hiện trạng các hồ nước của công viên Đầm Sen.

Ngồi phía dưới lại là Ban giám đốc của công viên Đầm Sen, lúc gật gù, lúc tán thưởng, lúc lại cúi xuống hí hoáy ghi ghi chép chép. Sinh viên tỏ ra rất hứng thú.

Sau khi thuyết trình xong, một nhóm sinh viên khác lại đưa ra một mô hình công viên được thiết kế rất tỉ mỉ. Nhóm sinh viên này còn dùng hóa chất để mô tả tình trạng những hồ nước trong công viên bị ô nhiễm, đổi màu như thế nào.

Những câu hỏi, câu trả lời về các hiện trạng này được lồng xen kẽ vào các thao tác rất sinh động. Cả căn phòng đều ồ lên trước sức tưởng tượng và thao tác đặc biệt này.

Đây là một buổi học của 2 môn học Khoa học môi trường và Xử lý nước thải của sinh viên năm thứ 3 và 4 ĐH KHTN ĐHQG TPHCM. Việc khảo sát hiện trạng xử lý chất thải, khảo sát môi trường, cảnh quan của Đầm Sen không hẳn là một lời mời từ chính nơi này mà là một sự kết hợp giữa trường và công viên Đầm Sen.

Sinh viên sẽ được tự do vào đây, sử dụng tất cả các dụng cụ mà mình có được để khảo sát, xác định nguồn gốc ô nhiễm nước hồ, đo đạc các chỉ tiêu, phỏng vấn du khách…

Sau đó, sinh viên sẽ có một buổi báo cáo đề tài trước Ban giám đốc, thậm chí chất vấn những khuyết điểm. Ban giám đốc sẽ tiếp nhận tất cả những kết quả này và nếu đúng, sẽ sử dụng để cải tạo lại khuôn viên tốt hơn.

Tất cả những điều này nằm trong một chương trình học gọi là “Học tập phục vụ cộng đồng”, học để giúp ích cho một doanh nghiệp, một tổ chức, một cảnh quan… cụ thể.

Học để phục vụ cộng đồng

TS. Phùng Thúy Phượng, Phó chủ  nhiệm chương trình, người đã gắn bó rất lâu với chương trình học này kể lại: “Năm 2005, Ban giám hiệu ĐH Portland (Mỹ) có sang Thái Lan và Việt Nam để tìm cơ hội hợp tác.

Trong chuyến đi này, ĐH Portland có giới thiệu một phương pháp giảng dạy nổi tiếng mà nhờ nó, ĐH Portland được xếp hạng thứ 3 trong tất cả các trường ĐH tại Mỹ. Trường ĐH KHTN TPHCM tỏ ra rất quan tâm đến chương trình học này.

Chương trình “học tập vì cộng đồng bắt đầu được thí điểm cho SV năm thứ 3 và năm thứ 4 và công viên Đầm Sen cũng chính là đơn vị đầu tiên được áp dụng triển khai”.

Mới triển khai được một học kỳ nhưng chương trình đã được sinh viên rất đồng tình hưởng ứng. Theo đánh giá của sinh viên, chương trình này mang lại những hiệu ứng tích cực, xóa đi những giờ học khô khan mà đa số sinh viên đều mong muốn thay đổi.

Họ vui mừng vì được ứng dụng kiến thức vào thực tế, tổ chức và làm việc theo nhóm, giao tiếp với doanh nghiệp, viết và trình bày báo cáo khoa học, giúp sinh viên phát huy tính chủ động. Đặc biệt, tuy chỉ là một môn học, nhưng sinh viên được rèn luyện ngay từ đầu tinh thần phục vụ cộng đồng, giúp ích cho xã hội.

Theo chương trình này từ Mỹ sang có một “sứ giả” đặc biệt: Anna Peeples. Cô mới tốt nghiệp cao học, sang ĐH KHTN từ tháng 10 với chức danh “điều phối viên dự án” và mang danh nghĩa là thực tập sinh.

 Anna cùng chịu trách nhiệm hướng dẫn cho các nhóm sinh viên làm quen với chương trình, thao tác các công đoạn để làm sao cho hoàn hảo nhất.

Anna đánh giá: “Tuy sinh viên Việt Nam chưa quen với phương pháp mới này nhưng tôi rất bất ngờ khi họ phải học nhiều giờ, nhiều môn học, tốn nhiều thời gian vậy mà vẫn thu xếp được để theo học chương trình này. Họ tỏ ra rất thích và cực kỳ tích cực”.

Trước những thành công rất đáng ghi nhận này, dự kiến vào khoảng tháng 2/2008, trung tâm “Nghiên cứu, cải tiến phương pháp dạy học” sẽ báo cáo trước toàn trường về kết quả của chương trình và áp dụng nó cho nhiều môn học khác.

 Đây cũng là một mong mỏi từ bấy lâu nay của những sinh viên được một lần học bằng… chất vấn.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.