TPHCM:

Khi nhà vệ sinh công cộng thiếu nghiêm trọng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong khi số lượng nhà vệ sinh công cộng tại TPHCM vốn đã quá ít, thì nhiều nơi còn bị chiếm dụng trái phép. Thành phố đang khẩn trương khắc phục tình trạng xuống cấp và sử dụng sai công năng của nhà vệ sinh công cộng để mang lại mỹ quan đô thị, phục vụ du lịch tốt hơn.

“Đến thành phố được xem là “văn minh, hiện đại” nhưng tôi đi tìm đỏ mắt mới thấy nhà vệ sinh công cộng. Nhưng khi tìm được thì lại thấy có người quản lý và mở quầy bán tạp hóa. Vào công viên thì mọi ngóc ngách đều nồng nặc mùi xú uế, đây là hình ảnh phản cảm, khó có thể chấp nhận tại một thành phố lớn nhất cả nước. Nhà vệ sinh công cộng không có thì khó có thể trách được những người đi tiểu bậy vì họ làm gì có chỗ để đi vệ sinh” - anh Phạm Huy Giang, sống tại Bình Định đang cùng gia đình đi du lịch tại TPHCM chia sẻ với phóng viên.

Qua nhiều ngày khảo sát thực tế phóng viên ghi nhận, dọc theo tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, mỗi buổi sáng và chiều muộn đều thu hút rất đông người dân ra hóng mát hoặc tập thể dục. Tuy nhiên, cả hai bên đường Hoàng Sa và Trường Sa đều không có nhà vệ sinh công cộng. Mỗi khi muốn “giải quyết nỗi buồn” nam giới chọn cách đứng quay mặt vào hàng rào, xả thải xuống dòng kênh. Nữ giới thì chọn gầm cầu để phóng uế.

Hiện nay, các công viên lớn như Tao Đàn, Lê Thị Riêng, Gia Định… đã có hệ thống nhà vệ sinh công cộng được xây dựng kiên cố. Tại đây, có nhân viên vệ sinh thường xuyên lau dọn đảm bảo sạch sẽ và người dân được hoàn toàn miễn phí khi đi vệ sinh. Tuy nhiên, hầu hết các công viên nhỏ xen lẫn trong khu dân cư đến nay chưa được xây dựng nhà vệ sinh công cộng.

Tại công viên Đồng Diều (quận 8) dù nhà điều hành khu phố được xây dựng nhưng lại không thiết kế nhà vệ sinh công cộng. Những người cần “giải quyết nỗi buồn” thường chọn giải pháp úp mặt vào tường của nhà điều hành khu phố hoặc tường rào của trường học cạnh công viên.

Khi nhà vệ sinh công cộng thiếu nghiêm trọng ảnh 1

Nhà vệ sinh công cộng tại Công viên Hòa Bình, quận 5 biến thành quầy tạp hóa - ảnh: Vân Sơn

Đặc biệt, sau quá trình khảo sát, phóng viên đã ghi nhận những hình ảnh rất phản cảm tại khu vực công viên Dạ Trạch phía trước Nhà thờ Thánh Jeanne D’arc nằm ở tam giác giữa đường Hùng Vương và đường Ngô Gia Tự (quận 5). Đây là nơi linh thiêng nhưng người dân và cả du khách đều vô tư chọn bụi cây, thảm cỏ làm nơi để phóng uế.

Nhà vệ sinh thành... cửa hàng tạp hóa!

Nhà vệ sinh thiếu nghiêm trọng nhưng số nhà vệ sinh công cộng hiện hữu lại đang bị chiếm dụng hoặc sử dụng sai công năng. Tại đường Lê Hồng Phong, quận 5, nơi tập trung rất nhiều bến xe trung chuyển, xe khách, suốt ngày tấp nập người đi lại nhưng nhà vệ sinh lớn tại đây đã bị biến thành nhà ở. Một số hộ đã chiếm dụng nhà vệ sinh để sinh sống, bên trong đặt bàn ghế tủ giường, treo đồng hồ, quạt máy, nuôi chó mèo. Mặt tiền nhà vệ sinh bày bán tạp hóa đủ loại. Nhiều người tới mua vé xe để đi miền Tây cho biết: “chúng tôi muốn đi vệ sinh, nhưng thấy bên trong có người ở, nên không dám vào”.

Huế vận động mở gần 140 điểm vệ sinh miễn phí

Ngày 19/3, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh TT-Huế phối hợp các ban, ngành thành phố Huế tổ chức lễ phát động chương trình chung tay xây dựng môi trường du lịch, vận động hỗ trợ điểm vệ sinh miễn phí cho du khách trên các tuyến đường. Qua 1 tháng triển khai thí điểm chương trình, đến giữa tháng 3/2023, các ban ngành thành phố Huế vận động hỗ trợ được 138 điểm vệ sinh miễn phí trên 56 tuyến đường thuộc 13 phường trung tâm thường xuyên có nhiều hoạt động du lịch. Ngọc Văn

Tại ngã tư đường Nguyễn Văn Cừ, giao với đường Nguyễn Trãi (quận 5) có nhà vệ sinh treo biển “Nhà vệ sinh công cộng” sạch sẽ, có gạch ốp lát. Song, bên trong nhà vệ sinh lại có tủ lạnh, tủ thuốc lá, tủ bán nước ngọt, giải khát. Nhiều du khách nước ngoài rất ngỡ ngàng khi đi tới nhà vệ sinh có đề biển WC, vẽ cả hình nam và nữ, nhưng lại thấy bên trong là một “cửa hàng tiện lợi” bán cả thẻ điện thoại.

Những hộ kinh doanh và người dân quanh các nhà vệ sinh bị chiếm dụng đều than phiền thiếu chỗ đi vệ sinh khiến cho việc buôn bán, sinh hoạt tại các khu vực này bị ảnh hưởng.

Tổng số dân trên địa bàn TPHCM khoảng 12 triệu người. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Tài nguyên Môi trường, toàn thành phố hiện chỉ có 255 nhà vệ sinh công cộng. Hầu hết nhà vệ sinh công cộng đang tập trung ở khu vực nội thành nhưng số lượng quá ít so với nhu cầu, trong khi mật độ quá thưa thớt khiến người dân và khách du lịch khó tiếp cận. Sự xuống cấp hoặc bị sử dụng sai công năng cũng đang ảnh hưởng đến việc tiếp cận nhà vệ sinh công cộng của những người có nhu cầu.

Để chấn chỉnh tình hình trên, mang lại mỹ quan đô thị, ông Trần Nguyên Hiền, Trưởng phòng Quản lý Chất thải rắn, Sở TN&MT TPHCM cho biết, sở đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị đang được giao quản lý, vận hành và khai thác các nhà vệ sinh công cộng tại bến xe, công viên và các khu vực công cộng khác khẩn trương cải tạo, nâng cao chất lượng phục vụ đối với các nhà vệ sinh hiện hữu đang quản lý, nghiêm cấm mọi hoạt động sử dụng sai công năng.

Tạo chuyển biến trước 30/4

Tại buổi làm việc với UBND quận 1 về công tác chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường ngày 19/3, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu quyết liệt khắc phục tình trạng thiếu thốn và kém chất lượng tại các nhà vệ sinh công cộng trước 30/4.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, từ trước đến nay, TPHCM đã có chủ trương triển khai vận động, cải tạo và xây dựng mới các nhà vệ sinh công cộng, tuy nhiên do thiếu sự đầu tư, giám sát, nâng cấp cải tạo dẫn đến tình trạng xuống cấp như thời gian qua.

Không chấp nhận tình trạng thiếu thốn và kém chất lượng tại các nhà vệ sinh công cộng, ông Nên yêu cầu phải nhìn lại vấn đề này một cách nghiêm túc và hành động một cách quyết liệt để khắc phục trong thời gian sớm nhất, phải tạo được chuyển biến mạnh mẽ về việc này trước 30/4. “TPHCM phải có trách nhiệm với ngôi nhà hơn 10 triệu dân, để lại những ấn tượng đẹp khi người dân và du khách đến với thành phố chứ không làm với mục đích lấy thành tích, xếp thứ hạng”, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG