TPHCM: Giải bài toán nhà vệ sinh công cộng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chiều qua, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch, ông Trần Nguyên Hiền,Trưởng phòng Quản lý Chất thải rắn, Sở TN&MT TPHCM, cho biết, Sở đang xúc tiến phương án xây dựng nhà vệ sinh công cộng.

Sở đã tiếp xúc, làm việc với một số nhà sản xuất, cung cấp nhà vệ sinh di động với nhiều mẫu mã, thiết kế tùy theo điều kiện đặc thù của các địa phương để kết nối, giới thiệu các nhà sản xuất đến các đơn vị có nhu cầu trang bị, được giao làm đầu tư nhà vệ sinh công cộng.

TPHCM: Giải bài toán nhà vệ sinh công cộng ảnh 1

TPHCM có kế hoạch cải tạo, nâng cấp nhà vệ sinh công cộng hiện hữu và đầu tư thêm nhà vệ sinh công cộng mới. Ảnh: Vân Sơn

Bên cạnh đó, Sở TN&MT sẽ tiếp tục vận động các chủ sở hữu hoặc đơn vị quản lý, khai thác các cơ sở như bưu điện, cây xăng, trung tâm văn hóa, trung tâm đào tạo, siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ ăn uống, bến xe… tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, khách vãng lai được sử dụng nhà vệ sinh bên trong các khu vực này. Các địa phương cũng sẽ khẩn trương cải tạo, nâng cao chất lượng phục vụ đối với các nhà vệ sinh công cộng hiện hữu.

Theo ông Hiền, TPHCM đang rất thiếu nhà vệ sinh công cộng Với quy mô dân số 12 triệu người, thành phố chỉ có 255 nhà vệ sinh công cộng, tập trung ở khu vực nội thành nhưng mật độ quá thưa thớt khiến người dân, nhất là khách vãng lai, khách du lịch gặp khó khăn, bất tiện khi tiếp cận.

Trước đó, tại cuộc họp về kinh tế - xã hội TPHCM tháng 2 và nhiệm vụ, giải pháp tháng 3, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, nhấn mạnh: “Không thể chấp nhận việc thành phố này lại để thiếu nhà vệ sinh công cộng”. Ông Mãi yêu cầu Sở TN&MT chủ trì, phối hợp các sở, ban ngành liên quan giải quyết vấn đề bất cập, nhanh chóng thiết lập hệ thống nhà vệ sinh công cộng đảm bảo tiêu chuẩn. Các đơn vị phải có trách nhiệm tháo gỡ vướng mắc phát sinh liên quan đến vỉa hè, kết nối điện nước.

Do thiếu nhà vệ sinh công cộng nên đã dẫn đến tình trạng phóng uế bừa bãi nơi công cộng như đường phố, công viên... Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều khu vực công viên ở khu vực trung tâm như Dạ Trạch (quận 5), Đồng Diều (quận 8) và khu vực hai bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè qua địa bàn các quận 1,3, Bình Thạnh... luôn trong tình trạng nồng nặc mùi xú uế. Nhiều bụi cây, gốc cây, gầm cầu trở thành nơi tiểu tiện, đại tiện của con người.

Theo đại diện Sở TN&MT, hành vi phóng uế bừa bãi nơi công cộng không chỉ do thiếu nhà vệ sinh công cộng mà còn có nguyên nhân do ý thức kém. Năm 2022, tổng số vi phạm về vệ sinh nơi công cộng ở thành phố là 3.257, xử phạt 2.726 trường hợp với tổng số tiền là 1,6 tỷ đồng. Năm 2023, các địa phương sẽ tăng cường xử lý thông qua hệ thống camera giám sát.

Theo bảng xếp hạng vào đầu năm 2023 của QS Supplies (một công ty có trụ sở tại Anh), Hà Nội và TPHCM là hai trong số những thành phố có điều kiện sử dụng nhà vệ sinh công cộng dành cho khách du lịch quốc tế thấp nhất thế giới (Hà Nội xếp thứ 66, TPHCM xếp thứ 67/69 thành phố du lịch trên toàn cầu).

MỚI - NÓNG
Chuyện tình 5 thập kỷ 'ngọt như đường' của cụ ông cụ bà nhặt rác bên bờ sông Hồng
Chuyện tình 5 thập kỷ 'ngọt như đường' của cụ ông cụ bà nhặt rác bên bờ sông Hồng
TPO - Chung cảnh ngộ không người thân, ông Thành và bà Thuỷ tìm thấy sự đồng cảm rồi dọn về ở chung. Suốt hơn 50 năm qua, cặp vợ chồng nghèo dựa vào nhau mà sống, trôi dạt khắp các con ngõ của thủ đô rồi chọn cho mình nơi gầm cầu Long Biên là điểm dừng chân cuối cùng. Đối với ông, sự xuất hiện của bà là niềm động lực duy nhất khiến ông đi hết quãng đời còn lại.
Nhiều nông dân “treo chuồng” vì không còn vốn để tiếp tục chăn nuôi. Ảnh: U.P
Nhà nông, doanh nghiệp nhỏ đói vốn
TP - Chi phí sản xuất tăng cao, giá của sản phẩm đầu ra lao dốc, trong khi không tiếp cận được vốn ngân hàng, kể cả các gói tín dụng lãi suất ưu đãi… khiến nhiều doanh nghiệp (DN), nông dân chăn nuôi phía Nam ngưng trệ sản xuất.