Khi ngư dân 'xài' 4.0

0:00 / 0:00
0:00
Hai mẹ con bà Lan livestream bán hải sản ngay sau khi tàu vào bờ. Ảnh: Thanh Trần
Hai mẹ con bà Lan livestream bán hải sản ngay sau khi tàu vào bờ. Ảnh: Thanh Trần
TP - “Tàu ba em vô rồi mọi người ơi! Có mẻ mực còn sống nhấp nháy luôn! Mọi người coi live ăn chi báo em chốt đơn, không thì xuống tận tàu em mua hỉ…”, tiếng rao dội lên ở một góc sông Hàn. 

Không còn lo cảnh chợ ế, đầu nậu ép giá, hay quy tắc đô thị “dí” chạy vì bán hàng rong, ngư dân Đà Nẵng tự tìm đường tiêu thụ hải sản bằng cách bán online ngay trên tàu. Những mẻ cá tôm tươi ngon “nhảy múa” qua màn hình điện thoại đến tay khách hàng chỉ sau một cái “comment”(bình luận).

Chưa lên bờ, cá đã hết

Giữa chiều, một khúc sông Hàn đoạn gần cuối đường Trần Hưng Đạo (quận Sơn Trà) dội lên tiếng rao hàng lanh lảnh. Giọng của nam, nhưng nói dẻo quẹo chẳng thua gì các chị em chuyên bán hàng thời trang trên mạng. Tôi lần theo nơi tiếng rao phát ra thì thấy chàng thanh niên cùng mẹ đang livestream (phát trực tiếp) phía tàu cá. Phải ngồi thuyền thúng bơi qua một quãng sông tôi mới ra được tàu. Chàng trai 21 tuổi Nguyễn Văn Thông (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà), tỏ ra "khách sáo": “Chị gắng đợi em một chút, giờ khách đang xem trực tuyến đông quá, đợi họ chốt hết mấy rổ cá em tiếp chuyện chị nhé”.

Ngắt lời, Thông dán mắt vào màn hình điện thoại, miệng chào mời mấy chục người đang xem livestream: “Cá bạc má 100.000 đồng một ký, cá lộn xộn 70.000 đồng, hết cá chim, hết mực rồi mấy chị ơi…”. Cạnh bên, bà Phạm Thị Thu Lan, mẹ Thông nghe đọc đơn: Chị Hoàng 1 ký bạc má, chị Hoa 1 ký tôm nấu canh, anh Sơn 1 ký cá nhồng….liền nhanh tay cho vào bao đặt lên bàn cân rồi ghi thông tin khách hàng ra giấy. Chốc chốc, có khách yêu cầu xem rõ cá, Thông chẳng ngần ngại đưa máy sát tới từng con, lật qua lật lại quay cận cảnh. Đang trực tuyến dở, phía trên bờ có người gọi, chị gái Thông vội lấy thúng bơi ra. Thông bảo ai bận rộn thì mua online, ai muốn xem tận mắt sờ tận tay thì ra luôn tàu. Có hôm, nhà Thông phải bơi mấy chuyến thúng thế này để đón khách.

Đến gần cuối chiều, mấy mẹ con mới nghỉ tay khi cả bụng tàu đã được khách “dọn” sạch. Thông kể, nhà có tàu cá, khuya hôm nay ba đi biển đến chiều hôm sau mới vào bờ. Trước khi ba về, Thông lên Facebook thông báo giờ tàu cập bến để mọi người tiện xem livestream hoặc tới tận tàu mua cá. Tàu đánh bắt được gì, Thông đều quay hết cho khách hàng xem rồi báo giá. “Hôm nào biết tàu về khách cũng ngồi “canh” trực tiếp để đặt hàng cả. Có người xem trực tiếp từ lúc tàu còn ở ngoài xa, chỉ vì thích được coi cái cảnh lôi cá tôm đang búng ra khỏi khoang”, Thông cười hiền. Mẹ Thông tiếp lời, rằng người bán cá thì thành phố biển này không tài nào đếm xuể, nhưng bán cá online ngay trên tàu còn khá hiếm. “Khách rất chuộng mua online vì thấy hết hải sản tàu đánh bắt được, biết giá cả trước, ưng thì lấy không thì thôi. Hơn hết là người ta tin tưởng bởi tàu có chừng nào bán chừng nấy, mỗi ngày một thức, không đi lâu ngày nên luôn đảm bảo tươi ngon”, bà tự tin.

Hôm được mùa biển, tàu chở về hơn cả tạ cá, tôm, ốc, ghẹ, mực… Cả nhà thay phiên nhau cầm máy livestream vì khản tiếng. Mức giá ban đầu cũng sát với giá thị trường, thậm chí thấp hơn nhiều, nhưng tàu sẵn sàng hạ thêm một vài giá cho khách, miễn sao bán hết hải sản ngay trong ngày. Còn những hôm đánh toàn thứ tươi ngon, thì chỉ một lúc đã không còn gì, khách hàng xem muộn chỉ biết nói lời… hờn trách. Thông cười xuề xòa, bảo có bữa ba đi biển về chưa kịp vô bờ khách đã chốt đơn hết trơn. Từ ngày bán cá trực tuyến, cả nhà không lo tồn hàng phải để đông, ướp đá. Hôm nào cuốn chiếu ngay hôm đó.

Ló cái khôn

Bà Lan kể, trước đây thường đem cá ra dọc lề đường ngồi bán. Rồi dịch COVID-19 ập tới, người ta cấm tụ tập, gánh cá của bà thất thế. Chẳng lẽ nhà có tàu đi biển mà không bán cá được? Vậy là bà nghĩ ra cách bán online. Ban đầu chỉ phát trực tiếp cho người thân trong nhà, hàng xóm, bạn bè xem mua ủng hộ. Dần dần người này giới thiệu người kia nên khách đông hơn. Vậy là gần một năm trời, bà không phải bưng cá ra khỏi tàu rao bán, chỉ việc nghe khách “chốt đơn” và soạn hàng cho người vận chuyển giao đến khách. Đỡ phải ngồi giữa nắng mưa, cũng không nơm nớp lo lực lượng quy tắc đô thị “dí” chạy nếu chẳng may ngồi sai chỗ.

Cũng như bà, chị Nguyễn Thị Trang (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) chuyển sang bán online sau khi bị người ta “hớt tay trên” mất chỗ ngồi ngoài chợ. “Lúc đó tui nghỉ sinh, người ta nói sinh xong sẽ cho thuê lại chỗ, ai ngờ người khác vào hớt mất. Ức quá, tui thử bán trên mạng xem sao, ai ngờ thuận thiệt”, chị thật thà. Tàu cá nhà chị cứ chiều hôm nay ra khơi, tầm 5h sáng hôm sau về biển Thọ Quang. Các loại cá tôm nhỏ chị bán hết ngay trên biển, riêng hải sản sống đưa về nhà và tiếp tục livestram cho khách. Bởi loại này cần bình oxy để sống lâu, giao theo yêu cầu “kiểm tra hàng còn sống mới nhận” của những khách “VIP”. Anh Dũng, chồng chị bảo trước kia chưa biết livestream kiểu này, khách đặt trước bao nhiêu giao bấy nhiêu, còn lại phải đi rao nài. Giờ, mỗi đợt tàu vào, khách quen đợi sẵn, khách “thình lình” cũng đông nên không lo ế.

Tiếng thơm bán hải sản tươi ngon vang xa, cùng sự thú vị là bán ngay trên tàu đã hút cả khách ngoại tỉnh. Có những người ở tận Gia Lai, Đắc Lắc, TPHCM… cũng canh livestream để mua hàng. Bà Lan kể có ngày toát mồ hôi làm cá, chia phần, đóng thùng hàng chục ký cá để gửi đi xa. Dù vất vả nhưng không thể phụ lòng thực khách tin tưởng vào hải sản tự đánh bắt được của mình. Riêng anh Dũng, chiêm nghiệm, dù bán online hay bán ngoài chợ, chữ tín phải đặt lên hàng đầu. “Tàu luôn bán đồ tươi ngon, khách không ưng ý có thể trả lại, tôi sẵn sàng mang về chứ không để khách càm ràm”, anh nói.

“Mua cá qua phát trực tiếp đỡ mất thời gian ra chợ, mà vẫn lựa được cá tươi ngon. Tôi rất thích xem cảnh tàu vào bờ và những mẻ cá tôm ngư dân đánh bắt được. Mỗi lần xem đều thú vị và mừng cho ngư dân vì tìm được cách bán cá mới lạ, hay ho này”, chị Lê Thị Giang, 36 tuổi, trú quận Hải Châu, chia sẻ.

Khi ngư dân 'xài' 4.0 ảnh 1 Hai chị em Thông chuyển hải sản lên bờ để đi giao cho khách Ảnh: Thanh Trần

Học hỏi để bán hàng chuyên nghiệp

Nguyễn Văn Thông tâm sự, hồi đầu mới livestream, Thông chẳng biết nói gì ngoài việc “điểm danh” các loại cá và báo giá. “Khô như ngói vậy đó. Sau em để ý thấy các chị bán hàng trực tiếp trên mạng chào mời, giới thiệu rất hay, tương tác với khách rất nhiệt tình nên em học theo. Giờ mỗi lần livestream em tự tin lắm, kiểu nào em cũng “cân” được hết. Khách hàng vì thế yêu mến mình hơn, mua bán xởi lởi hơn”, Thông chia sẻ. 

Chàng trai này nói thêm, thấy người ta bán các loại hải sản đắt tiền như tôm hùm thường cho đổi trả, bù tiền cho khách nếu hàng không đảm bảo, Thông cũng học theo. Vậy là dù bán đồ bình dân, nhưng cả nhà Thông luôn sẵn lòng bù lại tiền, cho khách đổi trả nếu cá tôm không như ý. Thông bảo, đó không chỉ là uy tín, mà còn thể hiện sự chuyên nghiệp. 

MỚI - NÓNG