Là một nước đông dân ở khu vực Đông Nam Á với nền kinh tế đang phát triển, lại để ngỏ một thị trường màu mỡ cho… sách nước ngoài canh tác? Trong khi lực lượng người viết chuyên nghiệp của ta – nếu tính về số lượng - vô cùng hùng hậu, chỉ tính riêng Hội Nhà văn đã lên đến cả ngàn hội viên.
Đáng buồn ở chỗ, đã phải xài nhiều “hàng ngoại”, “thượng đế” của ta lại không được dùng hàng tử tế. Vụ việc ồn ào mới đây nhất xảy ra với cuốn “Mười vạn câu hỏi vì sao” của NXB Hồng Đức. Trang 71 của sách, đưa ra câu hỏi: “Loài chim lớn nhất thế giới là loài chim nào?”. Câu trả lời: “Loài chim lớn nhất trên thế giới là lạc đà (…). Nó đã là chim, vậy vì sao lại chạy nhanh mà không phải là bay? Đó là vì lạc đà không biết bay do thân thể nó quá nặng, cánh cũng bị thoái hóa rồi”. Và sách tiếp tục bài ca lạc đà: “Trong các loài lạc đà, lạc đà châu Phi là nổi tiếng nhất (…). Lạc đà châu Phi có thân thể cao lớn, giỏi chạy” v.v...
Tác giả đã “hô biến” từ đà điểu thành lạc đà trong một cuốn sách phổ biến kiến thức, phát hành với một lượng không nhỏ trong tình hình thị trường sách hiện nay, 2.000 cuốn. Bạn đọc bình luận châm biếm trước thông tin tệ hại từ cuốn sách: “Dễ thông cảm. Người dịch chỉ học tiếng Anh, không xem thế giới động vật bao giờ”. Cũng có bạn đọc tỏ ra thản nhiên: “Cũng bình thường mà. Trước tôi cũng đã đọc tác phẩm viết về người da đỏ nhưng lại là người Ấn Độ (cũng sách dịch)”.
Vụ việc biến lạc đà thành chim khiến người ta nhớ đến nhiều vụ “thảm họa dịch thuật” (chữ của dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng): Mật mã Da Vinci, NXB Văn hóa Thông tin, năm 2005; Ma sói, NXB Văn học, năm 2006... Thậm chí có cuốn sách dịch mắc tới 3.000 lỗi, dù là tác phẩm được xuất bản với sự hỗ trợ của Trung tâm Sách quốc gia thuộc Bộ Văn hóa Pháp: Bản đồ và vùng đất, NXB Văn học. Cùng dịch giả ấy, trước đó đã được truyền tụng nhiều về lỗi dịch sai “kinh điển” trong “Hạt cơ bản”: Cho nhân vật nam trong sách chết vì căn bệnh ung thư tử cung.
Hướng đến Ngày Sách Việt Nam lần thứ ba, ông Chu Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản đã khẳng định những việc làm kiên quyết của Cục nhằm để cho người đọc được thưởng thức những “thực phẩm sạch”. Đó là mong muốn tốt lành. Nhưng đó là trong sự kiện lớn: Ngày Sách, còn trong đời sống bình thường, có ai dám đảm bảo độc giả lúc nào cũng được hưởng “thực phẩm sạch”, đặc biệt là những “thực phẩm” có nguồn nhập khẩu từ nước ngoài, qua tài đun nấu của dịch giả Việt? Hết lo đường ăn uống giờ người ta lại lo đường tẩm bổ tâm hồn. Sau những tác phẩm dịch lỗi be bét, có độc giả đúc kết: Thêm một động cơ mạnh mẽ để thúc đẩy việc học ngoại ngữ cho giỏi, để bớt phải... xơi sách dịch.