Khí Feron là nguyên nhân làm chết 20 người

Khí Feron là nguyên nhân làm chết 20 người
TP- Sau khi vụ tai nạn xảy ra hôm 7/11 trên con tàu ngầm nguyên tử mới của hải quân Nga, làm chết 20 người, bị thương 21 người, báo chí Nga đi tìm nguyên nhân vụ tai nạn và nguyên nhân gây chết người trên boong tàu.

Phát ngôn viên hải quân Nga Igor Dygalo cho biết toàn bộ 21 người bị thương được cấp cứu kịp thời nên nay đã qua tình trạng nguy hiểm.

Sau khi giải phẫu các tử thi của 20 nạn nhân, bước đầu xác định những người này bị chết ngạt do hít phải khí độc Feron phun ra từ các hệ thống chữa cháy của tàu.

Feron là loại khí được dùng phổ biến trong công nghiệp dân dụng chế tạo tủ lạnh và máy điều hòa nhiệt độ. Loại khí này có thể đã khử khí ôxy tại khu vực nó được phun ra. Ngoài ra hệ thống cứu hỏa của tàu đã tự động đóng các cửa để cô lập vùng có cháy đã khiến những người trong khu vực nguy hiểm không thể thoát ra ngoài.

Phát ngôn viên Igor Dygalo cho biết, trong số 20 người thiệt mạng có 3 lính hải quân trong biên chế của con tàu ngầm nguyên tử và 17 người là các chuyên gia  và kỹ thuật viên dân sự làm việc tại xưởng đóng tàu. Nhưng Phát ngôn viên Vladimir Markin của Ủy ban điều tra nguyên nhân vụ tai nạn nói rằng trong số 20 người chết nói trên có 6 lính thủy và 14 chuyên gia, kỹ thuật viên dân sự.

Hiện nay nguyên nhân nào đã khiến hệ thống cứu hỏa được kích hoạt ngoài ý muốn đang được nghiên cứu. Các chuyên gia trong ủy ban điều tra đặc biệt được lập ra theo chỉ thị của Tổng thống Dmitry Medvedev vẫn chưa xác định được đầy đủ thông tin để đưa ra kết luận cuối cùng.

Tuy nhiên, các nhà điều tra đang nghi ngờ rằng do lỗi của con người, ở đây là ý thức kỷ luật lao động kém, đã dẫn đến việc hệ thống cứu hỏa được kích hoạt ngoài ý muốn lúc con tàu ngầm này đang chạy thử.

Phát ngôn viên hải quân Igor Dygalo cho biết khi xảy ra tai nạn, trong con tàu ngầm nguyên tử này có 208 người nhưng trong đó chỉ có 81 thủy thủ. Tàu ngầm nguyên tử lớp Akula được thiết kế cho thủy thủ đoàn thông thường là 73 người.

Tuy nhiên khi vụ tai nạn xảy ra, trên con tàu gặp nạn này đã có số người gần gấp 3 lần số người theo thiết kế do đó số mặt nạ phòng độc không đủ cho toàn bộ số người trên tàu lúc đó. Ngoài ra, các kỹ thuật viên của nhà máy đóng tàu thường không biết sử dụng mặt nạ phòng độc.

Bí mật về con tàu     

Mặc dù hải quân Nga không cho biết rõ tên con tàu bị nạn nhưng báo chí Nga cho biết đó chính là con tàu ngầm nguyên tử vừa đóng mới hoàn toàn đang được chạy thử trên biển gần Nhật Bản. Tàu này được NATO xếp vào lớp Akula nhưng báo Moscow Times của Nga dẫn lời hãng tin Ria-Novosti nói rằng đây là con tàu ngầm nguyên tử mới có tên Nerpa.

Tàu Nerpa là tàu tấn công được đóng theo Dự án 971 Shchuka-B tại Nhà máy đóng tàu Amur. Việc đóng mới con tàu này được khởi công từ năm 1991 nhưng sau đó công việc bị tạm ngừng lại một thời gian vì thiếu vốn. Mãi vài năm gần đây việc tiếp tục hoàn thiện con tàu Nerpa mới được tiến hành.

Nhiều khả năng sau khi mọi việc đóng tàu hoàn tất, con tàu ngầm nguyên tử tấn công Nerpa sẽ được cho hải quân Ấn Độ thuê với giá 650 triệu USD. Sở dĩ phía Ấn Độ thuê chứ không phải là mua đứt bán đoạn vì phía Nga không có chính sách xuất khẩu tàu ngầm nguyên tử. Thời Liên Xô, Ấn Độ từng thuê một tàu ngầm nguyên tử của Matxcơva trong giai đoạn từ 1988-1991.

Báo chí Ấn Độ từng đưa tin việc đóng tàu Nerpa tại Nga được tiếp tục bằng nguồn tài chính từ Ấn Độ sau một thời gian bị tạm ngừng ít nhất là 2 lần. Các quan chức quân sự cao cấp Ấn Độ cho biết tàu Nerpa sau khi được đưa sang Ấn Độ sẽ có tên là Chakra-2.

Theo kế hoạch, tàu ngầm nguyên tử Chakra-2 sẽ được chính thức gia nhập đội tàu quân sự của Ấn Độ từ quí 2 năm 2009. Vụ tai nạn nói trên không được phía Ấn Độ coi là quá nghiêm trọng đến mức phải hủy hợp đồng thuê tàu Nerpa vì các bộ phận chủ chốt của con tàu ngầm này như hệ thống vũ khí cùng động cơ và chân vịt của con tàu vẫn làm việc hoàn hảo.

MỚI - NÓNG