Khi doanh nghiệp chung sức

Khi doanh nghiệp chung sức
TP - ‘Không chỉ đến khi đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” được Bộ Y tế phê duyệt cuối năm 2012, với mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ y tế trong việc sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam thì nhiều năm trước Merap cũng đã tiên phong hướng đến phương châm này với mục đích giảm chi phí điều trị cho người bệnh.

Giảm gánh nặng điều trị

Những con số mà Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đưa ra cho thấy, tỉ lệ các tuyến bệnh viện sử dụng thuốc nội tập trung chủ yếu ở các bệnh viện tuyến huyện, đạt hơn 50%. Con số này ở các bệnh viện tuyến tỉnh đạt khoảng 40% trong khi đó, bệnh viện tuyến Trung ương, nơi luôn xảy ra tình trạng quá tải thì tỷ lệ sử dụng thuốc nội chỉ chiếm hơn 12%.

Dù việc sử dụng thuốc nội ở tuyến trung ương còn hạn chế nhưng con số này theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh là khá lạc quan cho ngành công nghiệp dược trong nước. “Thực tế tỷ lệ người bệnh sử dụng thuốc nội hiện nay còn cao hơn rất nhiều so với con số thống kê. Điều đáng khích lệ là nhiều bác sĩ kê đơn cũng đánh giá rất cao tác dụng chữa bệnh của thuốc nội”- ông Khuê phấn khởi.

Bác sĩ Ngô Trường Sơn, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nếu như trước đây danh sách thuốc nội nằm trong danh mục thuốc có bảo hiểm y tế dùng cho căn bệnh ung thư chủ yếu là thuốc nhập ngoại thì hiện nay thuốc nội đã tăng lên. “Điều này cũng khiến cho người bệnh giảm được hơn 50% chi phí chữa bệnh”- bác sĩ Sơn cho hay. Đồng quan điểm, Thạc sỹ, bác sĩ Đinh Văn Tuyên, bác sĩ tai mũi họng của Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội cũng đánh giá rất cao tác dụng chữa bệnh của thuốc nội. Người này cho rằng, trong đơn thuốc mà bác sĩ kê cho người bệnh bao giờ thuốc nội cũng chiếm đến 2/3. Trừ những thuốc đặc chủng mà Việt Nam chưa sản xuất được, các nhóm còn lại đều có sự hiện diện của thuốc nội, trong đó rất nhiều sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế.

Doanh nghiệp chung sức

Tiền thân là nhà phân phối dược phẩm nhập khẩu nên Merap thấu hiểu được gánh nặng chênh lệch giá cả giữa thuốc nhập khẩu và thuốc sản xuất trong nước mà bệnh nhân phải chịu. Hưởng ứng lời kêu gọi “Người Việt dùng thuốc Việt” của Bộ Y tế, cùng với niềm đam mê nghiên cứu về công nghệ dược và bào chế, Merap đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm tại Hưng Yên.

Với quan điểm, muốn sản phẩm của mình sản xuất ra được người bệnh tin dùng, chất lượng thuốc là điều quan trọng nhất; thuốc sản xuất trong nước, có giá thành nội nhưng phải là chất lượng ngoại nên Merap đã tập trung hướng đến phương châm “vì sức khỏe người Việt”. Đây cũng chính là lý do mà Merap đã đầu tư xây dựng nhà máy dưới sự tư vấn của các chuyên gia Đức, từ khâu xây dựng, bố trí nhà xưởng, thiết bị, hệ thống phụ trợ,… cho đến lựa chọn các công nghệ sản xuất tiên tiến nhất của Đức đến thời điểm hiện tại.

Ông Phan Thanh Bình- Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn dược phẩm Merap lấy ví dụ, dòng kháng sinh cephalosporin viên và gói đã được công ty đầu tư nghiên cứu để ra được sản phẩm tương đương sinh học với biệt dược gốc. Với dòng sản phẩm này, Merap cũng là nhà sản xuất Việt Nam đầu tiên được Bộ Y tế cấp chứng nhận tương đương sinh học cho tất cả các kháng sinh cephalosporin viên và gói ngay trong đợt công bố danh sách tương đương sinh học đợt 1 của Bộ vào tháng 10/2012.

Ngoài ra, một yếu tố rất quan trọng khác giúp Merap có thể đảm bảo cam kết mang đến sản phẩm chất lượng tương đương với biệt dược gốc và ổn định theo thời gian là việc lựa chọn nguồn nguyên liệu. “100% nguyên liệu cephalosporin của Merap được chọn lọc cẩn thận từ các nguồn nguyên liệu của châu Âu với mức giá cao hơn nhiều lần so với nguyên liệu nguồn Trung Quốc và Ấn Độ”- ông Bình nói và cho biết để có được thuốc chất lượng tương đương với biệt dược gốc, Merap luôn đề cao và ưu tiên đầu tư R&D một cách bài bản.

Mục tiêu trong năm 2014 này 100% cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc tân dược trong nước đạt tiêu chuẩn GPs. 100% cơ sở sản xuất thuốc đều sử dụng bao bì dược đạt tiêu chuẩn GMP để thuốc sản xuất tại Việt Nam, mục đich là đáp ứng 70% nhu cầu sử dụng thuốc cho người Việt.

MỚI - NÓNG