Khát vọng của Huế thành hiện thực

TPO - Sau 15 năm xây dựng và phát triển kể từ thời điểm Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 48-KL/TW vào năm 2009 và qua 5 năm quyết liệt triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, đến nay tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đạt được những thành tựu và kết quả quan trọng về kinh tế - xã hội. Mục tiêu đưa Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế đã thành hiện thực.

Chuyển mình mạnh mẽ

Theo Tiến sĩ Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, Huế giữ một vị thế đặc biệt. Huế đã góp phần quan trọng trong phát triển đất nước về mọi mặt, tạo ra một trung tâm mới ở phía Nam đó là Sài Gòn - Gia Định đưa Việt Nam hội nhập vào Đông Nam Á và thế giới, nâng cao vị thế của dân tộc và đưa Thăng Long - Hà Nội lên tầm mới.

Khát vọng của Huế thành hiện thực ảnh 1
Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô Huế. Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải.

Giáo sư Trần Quốc Vượng cũng từng chia sẻ Huế là nơi kết tinh, hội tụ nhân tài và văn hóa miền Trung - Nam để tạo nên một vùng và sắc thái mới của văn hóa Việt Nam: Vùng văn hóa Huế, sắc thái Phú Xuân của văn hóa Việt Nam.

Thừa Thiên-Huế là cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông - Tây, nằm giữa Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh - hai trung tâm lớn của hai vùng kinh tế phát triển nhất đất nước. Cùng với Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế có vị thế quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có đầu mối giao thông quan trọng với sân bay, cảng biển và hệ thống đường sắt, đường bộ quốc gia. Bên cạnh đó, Thừa Thiên-Huế còn là nơi cung cấp các dịch vụ chất lượng cao, đặc biệt là y tế, giáo dục và đào tạo, du lịch, dịch vụ…

Khát vọng của Huế thành hiện thực ảnh 2

Huế - thành phố của những lễ hội.

Đáng chú ý, ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Sau 15 năm xây dựng và phát triển kể từ thời điểm Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 48-KL/TW vào năm 2009 và qua 5 năm quyết liệt triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, đến nay tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đạt được những thành tựu và kết quả quan trọng về kinh tế xã hội.

Khát vọng của Huế thành hiện thực ảnh 3

Phát triển kinh tế di sản tại Huế.

Năm 2024, tổng sản phẩm trong tỉnh Thừa Thiên-Huế ước đạt 80.960 tỷ đồng (giá hiện hành), GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2024 ước đạt 68,6 triệu đồng, tương đương 2.840 USD, tăng 9,9% so cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước ước đạt khoảng 12.880 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,15%. Tổng số khách du lịch đến Thừa Thiên-Huế ước đạt trên 4 triệu lượt, tăng 26% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế đạt khoảng 1,3 triệu lượt, tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 8.500 tỷ đồng.

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới 2022-2025 của Thừa Thiên-Huế giảm còn 1,41% (giảm 0,85% so với năm 2023). Đáng chú ý, huyện A Lưới đã thoát khỏi danh sách 74 huyện nghèo quốc gia. Cơ cấu nền kinh tế dịch chuyển theo đúng định hướng, trong đó nông nghiệp chiếm 10,3%, công nghiệp và xây dựng chiếm 31,3%, dịch vụ chiếm 50% (thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm là 8,4%).

Khát vọng của Huế thành hiện thực ảnh 4

Nhiều dự án trọng điểm được triển khai tại Huế. Ảnh: Ngọc Văn.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên-Huế lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, sau 4 năm, Thừa Thiên-Huế đã có 11/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân giai đoạn 2021-2024 đạt 6,94%/năm, ở mức khá so với các tỉnh, thành trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. Thu ngân sách tăng bình quân 9,75%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2024 tăng trưởng bình quân 8,7%/năm. Kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, có tác động lan tỏa, tạo không gian phát triển mới và động lực cho phát triển bền vững.

Thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam

Với việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là cơ hội để Huế trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu đúng như Nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra. Trong tương lai tạo ra nhiều cơ hội mới, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, đồng thời nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Đây cũng là kết quả của sự kiên trì, nỗ lực và quyết tâm của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế và nhân dân toàn tỉnh trong nhiều năm qua”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương cho biết.

Khát vọng của Huế thành hiện thực ảnh 5

Huế đứng trước cơ hội trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu. Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải.

Còn theo ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố Huế bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng và phát triển với tâm thế là thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam.

Đây là nền tảng quan trọng, tạo động lực, khí thế mới để Huế tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng vẻ vang, xây dựng và phát triển thành một đô thị di sản thông minh và giàu bản sắc, tiếp tục phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, tạo bứt phá để phát triển nhanh và bền vững, khẳng định vai trò, vị thế các trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ.

Khát vọng của Huế thành hiện thực ảnh 6

Bắn pháo hoa chào mừng Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

“Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là sự kiện trọng đại, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển tỉnh nhà, là thành quả của quá trình nỗ lực, quyết tâm, phấn đấu không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, toàn dân, của các thế hệ lãnh đạo qua các thời kỳ. Mục tiêu, khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên-Huế đến hôm nay đã thành hiện thực”, ông Lưu nhấn mạnh.

Tin liên quan