VIDEO: Làng nghề rèn Bao Vinh (TP. Huế) bền bỉ tồn tại qua hơn 100 năm |
UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế) vừa có quyết định công nhận nghề rèn Bao Vinh, phường Hương Vinh, TP. Huế, là nghề truyền thống của tỉnh. |
Hơn 100 năm trước, những người thợ rèn tại làng nghề rèn Hiền Lương (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, TT-Huế) di cư đến lập nghiệp tại nơi mới là phố cổ Bao Vinh. Từ đó, xóm rèn nằm sau chợ Bao Vinh hình thành và trở nên nổi tiếng với những sản phẩm rèn phục vụ sản xuất, đời sống. |
Ông Trương Thái - tổ trưởng tổ dân phố Bao Vinh, một thợ rèn lành nghề năm nay hơn 60 tuổi. Ông là một trong những cư dân phố cổ gần như gắn bó trọn đời mình với nghề rèn nơi đây. |
Ông Thái kể rằng xóm rèn từng có khoảng 28 lò rèn chuyên sản xuất các vật dụng, dụng cụ, nông cụ phục vụ cho sản xuất, đời sống sinh hoạt thường nhật. Nguyên liệu chính để tạo ra sản phẩm gồm thép, sắt, nhôm, đồng hoặc hợp kim đồng... Nguyên liệu phụ trợ thường dùng nung nóng là than, khí đốt và nước hoặc dầu để làm nguội sản phẩm sau khi rèn. Nhiều người dân trong xóm nhờ nghề này đã phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống. |
Các lò rèn ở xóm rèn Bao Vinh thường đồng loạt nổi lửa vào buổi sáng với tiếng quai búa, bệ lò, âm thanh va chạm của kim loại vang dậy cả một góc phố cổ. Buổi chiều, phần lớn các lò rèn ngừng nghỉ để người nhà mang sản phẩm rèn đi giao ở nơi khác hoặc mang ra chợ bán. |
Từ lâu, nghề rèn đã trở thành nét văn hóa trong đời sống của người dân phố cổ Bao Vinh. Tuy nhiên, theo thời gian, với sự phát triển của khoa học công nghệ, nghề rèn ở phố cổ Bao Vinh đối diện với nhiều khó khăn. |
Thợ rèn Bao Vinh cho biết cả xóm rèn hiện chỉ còn khoảng 7 lò rèn vẫn đỏ lửa. Các lò rèn khác đã đóng cửa, nhiều thợ rèn bỏ nghề vì thu nhập từ nghề truyền thống này không đủ công trang trải cuộc sống. “Ngồi gõ, đập, gò đẽo sắt thép cả ngày nặng nhọc nhưng thu nhập không bằng chạy xe công nghệ và các công việc khác, nên nhiều thợ trẻ đã chuyển nghề”, thợ rèn Trương Thái bày tỏ. |
Những thợ rèn Bao Vinh còn cho biết sản phẩm rèn thủ công có giá thành cao do tiêu tốn nhiều công sức, trong khi những sản phẩm tương tự do máy móc sản xuất hàng loạt nhập về địa phương có giá bán thấp, nên rất khó cạnh tranh. |
Người thợ già Trương Thái chia sẻ rằng người thợ rèn cần đòi hỏi sức khỏe dẻo dai, bền bỉ và lòng kiên trì, nhẫn nại mới có thể bám trụ được với nghề. “Mặc dù thu nhập của nghề này thấp, các sản phẩm mà chúng tôi làm ra bằng thủ công nên rất khó cạnh tranh với các sản phẩm bằng công nghệ. Tuy nhiên, với lòng yêu nghề và muốn giữ lại nghề truyền thống cho thế hệ mai sau, chúng tôi vẫn cố gắng bám trụ”, ông Thái nói. |
Làm nghề rèn hàng chục năm tại Bao Vinh, ông Huỳnh Hữu Đạo (75 tuổi) cho rằng để sống được với nghề trong thời đại hiện nay, ngoài đáp ứng nhu cầu thông thường của khách hàng, người sản xuất phải áp dụng thêm khoa học công nghệ, chịu khó tìm thị trường ở các địa phương, tích cực tìm hiểu nhịp sống phát triển của xã hội để sản xuất những mặt hàng mà thị trường cần. |
Ông Tạ Dương Anh Tuấn - Chủ tịch UBND phường Hương Vinh - kỳ vọng nghề rèn ở Bao Vinh sau khi được công nhận là Làng nghề truyền thống của tỉnh TT-Huế sẽ giúp những hộ dân còn bám trụ với nghề thêm động lực, duy trì nghề truyền thống mà cha ông để lại. Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục quảng bá, liên kết với một số đơn vị, giúp tiêu thụ sản phẩm, gìn giữ và phát triển nghề. |