Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ngày 23/11, tỉnh TT-Huế tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia Tri thức may, mặc áo dài Huế.

Theo sử liệu, năm 1744, sau khi lên ngôi xưng vương ở phủ chính Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách, tổ chức lại bộ máy và đề cập đến việc cải cách triều phục.

Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia ảnh 1

Nhiều phụ nữ Huế vận áo dài truyền thống chụp hình lưu niệm tại lễ đón nhận danh hiệu Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia Tri thức may, mặc áo dài Huế.

Áo dài trở thành trang phục chính của người vùng Đàng Trong, khẳng định tính tự chủ trong văn hóa. Năm 1802, vua Gia Long có ý định thay đổi phục trang trên toàn đất nước nhưng không thực hiện được. Từ năm 1826 đến năm 1837, vua Minh Mạng đã ban hành chính sách để áo dài phổ biến cả nước.

Tại Huế, áo dài Huế được nhiều đối tượng sử dụng, từ học sinh, sinh viên, viên chức, thanh niên đến những lớp người trung niên, các bà già, chị em làm nghề buôn bán nhỏ ở các cửa hiệu, ngoài chợ.

Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia ảnh 2
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia ảnh 3

Trưng bày áo dài Huế.

Ngày nay, người dân địa phương vẫn thường diện áo dài mỗi khi ra ngoài, tham gia nhiều hoạt động. Không chỉ phụ nữ, đàn ông cũng mặc trong các hoạt động như cưới hỏi, giỗ chạp, cúng tế đình miếu, du xuân dịp Tết. Với hơn 300 năm lịch sử, trang phục áo dài Huế tạo nên hình ảnh, nét đặc sắc riêng của đất Cố đô.

Theo TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TT-Huế - sự khác biệt lớn nhất của áo dài Huế so với các vùng miền khác trong cả nước là được nuôi dưỡng trên nền của một vùng văn hóa từng là kinh đô của triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam. Nơi mà thẩm mỹ trang phục cung đình nhà Nguyễn với những điển chế nghiêm ngặt đã lan tỏa, giao thoa với thẩm mỹ dân gian để tạo nên dấu ấn riêng biệt trên chiếc áo dài mà không dễ tìm thấy ở những vùng đất khác.

Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia ảnh 4

Trình diễn nghệ thuật với trang phục áo dài Huế.

Bên cạnh vẻ đẹp thanh lịch và trang nhã truyền thống, chiếc áo dài còn nhắc nhở người mặc về đạo lý làm người, nhắc nhở mỗi người dân Huế phải nâng niu, trân trọng, gìn giữ những giá trị truyền thống quý báu của ông cha để lại, tiếp tục phát huy và nâng cao hơn những giá trị tốt đẹp để lưu truyền cho mai sau.

Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả của công tác triển khai đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam. Đề án này hướng đến mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị tri thức may, mặc áo dài Huế. Đây cũng là tiền đề để triển khai có hiệu quả hoạt động quảng bá, tôn vinh áo dài Huế, thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển, khẳng định áo dài Huế trong cộng đồng quốc tế, hướng đến phát triển thương hiệu Huế - Kinh đô Áo dài.

Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia ảnh 5

Áo dài Huế trong đời sống hàng ngày.

Thừa Thiên-Huế hiện thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa một cách bền vững. Áo dài thực sự là một ngành nghề thủ công đặc biệt để tạo nên những sản phẩm ấn tượng cho vùng đất này.

Đại diện Sở Văn hóa Thể thao còn cho biết Tri thức may, mặc áo dài Huế trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh này tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia xem xét trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng hồ sơ Tri thức may, mặc áo dài Huế để trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trước đó, vào ngày 9/8, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký quyết định đưa Tri thức may, mặc áo dài Huế vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

MỚI - NÓNG