Chiều 11/10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ đã có buổi gặp mặt đại diện giới doanh nhân Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện giới doanh nhân Việt Nam |
Đầu tư mạnh mẽ vào công nghiệp AI, chip bán dẫn
Thông tin về tình hình kinh tế và hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 9 tháng đầu năm, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh chung của kinh tế thế giới. Số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường có xu hướng tăng trở lại, niềm tin đầu tư kinh doanh tiếp tục được củng cố.
Đặc biệt, theo ông Dũng, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thích ứng với bối cảnh mới, đổi mới sáng tạo, đón bắt xu hướng, tham gia các ngành kinh tế mới tạo giá trị mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã chủ động chuyển đổi, đầu tư mạnh mẽ vào các ngành công nghiệp mới AI, chip bán dẫn, hydrogen, cũng như đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng xanh, tuần hoàn.
Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, doanh nghiệp vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng, sụt giảm doanh thu, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm giờ làm, cho lao động nghỉ luân phiên hoặc cắt giảm lao động...
Trong khi đó, một số vướng mắc đã được cộng đồng doanh nghiệp phản ánh đến các bộ, ngành trong nhiều tháng qua nhưng đến nay chưa được giải quyết triệt để, tạo gánh nặng chi phí và áp lực lớn đối với dòng tiền. Cụ thể như: Quy định về phòng cháy chữa cháy, hoàn thuế VAT, tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm…Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam báo cáo tổng số thuế VAT chưa được hoàn của toàn ngành lên đến 8.000 tỷ đồng.
Ở lĩnh vực bất động sản, ông Dũng cho biết, dù Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, đến nay, đây vẫn là nút thắt lớn nhất của thị trường.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 8 cả nước còn tồn đọng khoảng 1.000 dự án bất động sản (hơn 410 nghìn căn) đang mắc kẹt, chưa thể triển khai vì vướng mắc pháp lý.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại cuộc gặp mặt |
Dùng một luật sửa nhiều luật để tháo gỡ các điểm nghẽn
Để vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đề nghị nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, cần tập trung giải quyết ngay những bất cập đã được doanh nghiệp phản ánh nhiều lần như quy định về phòng cháy chữa cháy, kiểm tra chuyên ngành...
"Cần vận dụng cơ chế "một luật sửa nhiều luật" đối với các những vướng mắc, điểm nghẽn đã được làm rõ, đi kèm với quy trình thực hiện rút gọn để có thể thực thi ngay", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT kiến nghị.
Ngoài ra, ông Dũng cũng đề nghị khẩn trương tháo gỡ khó khăn trong việc hoàn thuế VAT cho các doanh nghiệp; rà soát, cắt giảm một số chi phí còn bất hợp lý so với thực tiễn hoạt động kinh doanh như: Chi phí kiểm dịch động vật, định mức chi phí tái chế, chi phí lưu kho bãi…; rà soát biểu giá bán lẻ điện, giá nước sạch; xem xét áp dụng giá điện cho các cơ sở du lịch như giá điện sản xuất để phục hồi ngành du lịch…
Triển khai nhanh và hiệu quả chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng theo Nghị quyết số 06/NQ-TLĐ. Nghiên cứu triển khai kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp về việc dùng 100% kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn để hỗ trợ trực tiếp, đào tạo cho người lao động tại doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân người lao động, chờ đợi thị trường phục hồi.