Khán giả chán nản vì phim Việt giờ vàng đầy sạn

TPO - Nhân vật Dương (Lương Thanh) trong "Biệt dược đen" nhận nhiều chỉ trích vì sự thương cảm không đáng có với tội phạm. Trước đó, luật sư Phương (Hồng Diễm) trong "Hành trình công lý" bị chê bai vì tiếc thương mà "phản bội" thân chủ. Có lẽ việc xây dựng nhân vật nữ giàu tình cảm, ít lý trí trong các ngành nghề đặc biệt trở thành xu hướng trên màn ảnh nhỏ.

Nhiều “sạn”

Trở lại sau bốn năm vắng bóng, bộ phim cảnh sát hình sự Biệt dược đen không gây được tiếng vang như mong đợi. Đáng lẽ với sự chuẩn bị dài hơi, đầu tư nghiêm túc, bộ phim sẽ tạo nên “cơn sốt” trên màn ảnh nhỏ, tuy nhiên, thực tế lại chứng minh điều ngược lại.

Cuộc đấu trí giữa đội cảnh sát hình sự anh dũng mưu trí và những tên tội phạm xảo quyệt được mở ra sau cái chết của Vương (Tuấn Anh) - thủ lĩnh Cityboy - nhóm các công tử tiểu thư hư hỏng. Lần theo dấu vết về Vương, đội cảnh sát hình sự dần nhận ra nhiều điều bí ẩn về nhóm Cityboy.

Khán giả chán nản vì phim Việt giờ vàng đầy sạn ảnh 1

Phân cảnh Dương (Lương Thanh) khóc vì biết Phượng (Huyền Trang) là thủ phạm nhận nhiều chỉ trích.

Sau 9 tập phim lên sóng, thủ phạm gây ra cái chết của Vương mới lộ diện. Việc tiến hành điều tra vụ án, tìm ra hung thủ bị cho là kéo dài quá lâu, không đi vào trọng tâm các vụ án.

Bên cạnh đó, phân cảnh điều tra viên Dương (Lương Thanh) thương xót khi phát hiện hung thủ là Phượng (Huyền Trang) nhận về nhiều chỉ trích. Khán giả không chỉ phê bình khả năng diễn xuất của Lương Thanh mà còn không tiếc lời chỉ trích tình huống này.

Việc Dương thương xót thủ phạm, thậm chí còn có ý định bao che, không báo cáo về những manh mối mình có được về Phượng cho tổ điều tra là “sạn” lớn khi xây dựng kịch bản phim Biệt dược đen.

Là một cảnh sát, Dương cần phải “công tư phân minh”, đưa ra phán đoán chính xác để sớm bắt được tội phạm. Sự lơ đễnh, thiếu lý trí là điều cấm kỵ với một cảnh sát.

Khán giả chán nản vì phim Việt giờ vàng đầy sạn ảnh 2

Dương (Lương Thanh) xót xa hoàn cảnh của Phượng (Huyền Trang) mà có ý định giấu thông tin về cô gái này.

"Bạn diễn nhân vật nữ công an này chán quá. Cảm xúc lẫn lời đều tệ”, “Lương Thanh diễn dở quá. Phim nào thế”, “Hỏi cung mà trợn mắt, vênh mặt như kiểu thách thức. Hỏng cả bộ phim hay”, “Mặt cô điều tra này cứng nhắc quá, xem rất mất tự nhiên”, “Không hiểu lý do đạo diễn chọn bạn này làm đóng vai công an. Xem chán”, “Phim hài nhỉ làm công an lại đi thương tội phạm”, “Đóng phim hài thì tốt hơn”, “Chưa từng thấy trường hợp công an đồng cảm với tội phạm”... khán giả nhận xét về vai diễn của Lương Thanh.

Khán giả cho rằng cũng có trường hợp thương cảm với tội phạm nhưng chưa thấy ai lố như vai của Lương Thanh, bởi cô còn có ý định che giấu.

Lỗ hổng xây dựng tính cách nhân vật

Đạo diễn Nguyễn Khải Anh - Phó giám đốc Trung tâm Phim truyền hình (Đài Truyền hình Việt Nam) - khẳng định bộ phim được đầu tư từ nội dung đến kịch bản phim để hướng tới chất lượng tốt nhất. Anh nhấn mạnh trang phục, bối cảnh và nội dung phim đều được đầu tư công phu.

Khán giả chán nản vì phim Việt giờ vàng đầy sạn ảnh 3

Diễn xuất của Lương Thanh trong Biệt dược đen không được khán giả đánh giá cao.

Đại diện nhóm biên kịch bộ phim Biệt dược đen cho biết bộ phim được đầu tư từ chất xám, hiệu ứng kỹ xảo, diễn viên và đặc biệt là bối cảnh phim.

“Bối cảnh, chi tiết được sử dụng trong phim được đầu tư và không khác một bộ phim điện ảnh. Đây là dự án tốn nhiều chất xám bởi phim cảnh sát hình sự là mô típ rất quen nhưng điều mà nhóm biên kịch chúng tôi cần làm là lồng ghép vào đó những thông điệp ý nghĩa với xã hội”, vị này nêu.

Khán giả chán nản vì phim Việt giờ vàng đầy sạn ảnh 4

Việc đồng cảm, thiếu lý trí là điều cấm kỵ đối với cảnh sát.

Anh cũng tiết lộ thời gian để xây dựng kịch bản phim Biệt dược đen lên đến hai năm và trải qua nhiều thay đổi. “Sự thay đổi về diễn biến tâm lý nhân vật, tính cách của họ không phải để gây sốc, câu kéo khán giả mà là kết quả của nhiều lần họp bàn, thống nhất của đội biên tập, biên kịch và cho ra kết quả hợp lý nhất. Đồng thời, chúng tôi cũng gửi kịch bản cho chuyên gia thẩm định thêm”, đại diện nhóm biên kịch cho biết.

Khán giả chán nản vì phim Việt giờ vàng đầy sạn ảnh 5

Phương do Hồng Diễm đảm nhận trong Hành trình công lý từng nhận nhiều chỉ trích khi "phản bội" thân chủ.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên phim giờ vàng gây tranh cãi khi xây dựng hình tượng nhân vật nữ làm các công việc đặc thù như luật sư, kiểm sát viên... Trước đó, bộ phim Hành trình công lý cũng mắc lỗi tương tự khi xây dựng tính cách nhân vật luật sư Phương (Hồng Diễm). Phương vì sự đồng cảm cho nên vi phạm nguyên tắc luật sư, “phản bội” thân chủ.

Cả hai bộ phim đều được nhà sản xuất giới thiệu có sự tư vấn, tham gia trong quá trình ghi hình của các chuyên gia nhưng phim còn để lộ nhiều thiếu sót, đặc biệt trong việc xây dựng tính cách nhân vật. Có lẽ việc xây dựng nhân vật nữ giàu tình cảm, ít lý trí trong các ngành nghề đặc biệt trở thành xu hướng trên màn ảnh nhỏ.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng một số biên kịch, đôi khi cả đạo diễn còn yếu ở khâu tìm hiểu thực tế đời sống, chưa đủ am hiểu về tâm lý xã hội khiến kịch bản phim viết ra còn thiếu logic.

Phim về ngành nghề đặc thù như công an, bộ đội, luật sư, bác sĩ... vốn hiếm trên màn ảnh Việt, vì vậy khi lên sóng khán giả thường đặt nhiều kỳ vọng vào những nhân vật này. Nhu cầu khán giả ngày càng cao, thị trường nhiều sự lựa chọn của các phim nước ngoài, nhà sản xuất phim truyện Việt Nam thật sự cần thay đổi.

Tin liên quan