'Khai tử' 82 dự án BT ở Hà Nội: Chuyển các dự án cấp bách sang đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
Cầu Tứ Liên được đề xuất chuyển sang dự án đầu tư công
Cầu Tứ Liên được đề xuất chuyển sang dự án đầu tư công
TP - Sở KH&ĐT thành phố Hà Nội vừa thông báo danh sách 82 dự án theo hợp đồng xây dựng- chuyển giao (BT) dừng triển khai. Với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, đây sẽ là khó khăn cho Hà Nội trong việc tìm hình thức đầu tư phù hợp ở bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp.

Hai trong danh sách 82 dự án này đã được duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, nhưng chưa ký hợp đồng gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển dài 7,5 km và mở rộng Quốc lộ (QL) 6 đoạn Ba La - Xuân Mai dài 23,1 km

Danh mục các dự án chưa được duyệt chủ trương đầu tư chiếm số lượng nhiều nhất, với 69 dự án. Trong đó, nhiều dự án có chủ đầu tư là tên tuổi lớn trong ngành bất động sản. Ngoài ra còn có 6 cây cầu bắc qua sông Hồng và sông Đuống gồm: cầu Trần Hưng Đạo (Tập đoàn Him Lam đề xuất làm chủ đầu tư); cầu Tứ Liên (Sungroup); Thượng Cát (Tập đoàn Cường Thịnh Thi - Tập đoàn Xây dựng miền Trung); Giang Biên (Cty CP Phát triển đô thị Việt Hưng); cầu Hồng Hà (Cty CP Tập đoàn Hoành Sơn) và cầu Đuống 2 (CIENCO1 - Đức Bình - Cái Mép).

Đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, nguyên nhân dừng triển khai các dự án này là theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), có hiệu lực từ 1/1/2021. Theo cơ quan này, năm 2020 lãnh đạo Hà Nội đã rà soát các dự án đầu tư theo hình thức PPP trên địa bàn. Với các dự án chưa giao nhà đầu tư (kể cả dự án đã được Thủ tướng cho phép lựa chọn nhà đầu tư), các doanh nghiệp liên quan được thông báo dừng chuẩn bị đầu tư.

Đối với 82 dự án trên, đa số đều là những dự án chưa ký hợp đồng, chưa phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong số đó nhiều dự án đã chậm nhiều năm nay. Đối với các dự án cấp bách, Sở KHĐT đề xuất, báo cáo UBND thành phố xem xét, chuyển đổi sang hình thức đầu tư công.

Theo một tập đoàn có dự án BT bị dừng trong danh sách, đơn vị sẽ không tiếp tục tham gia triển khai dự án. Bởi đây đều là những dự án đã khá lâu không khả thi của tập đoàn.

Chuyển nhiều dự án BT sang hình thức đầu tư khác

Do có tính chất cấp bách, quan trọng đối với phát triển Thủ đô nên sau khi dừng triển khai 82 dự án đầu tư bằng hình thức BT, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục giao cho các sở ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất hình thức đầu tư các dự án này.

Trong danh sách 82 dự án trên, phần lớn thuộc lĩnh vực xây dựng, đầu tư hạ tầng giao thông, trong đó có các trục đường hướng tâm, kết nối liên vùng và đường vành đai. Cho ý kiến về hướng đầu tư các dự án này, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, để hoàn thiện hạ tầng khung giao thông trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2015 - 2025 thành phố sẽ nâng cấp, hoàn thiện các tuyến QL - trục hướng tâm theo quy hoạch như QL1, QL6, QL21, QL32… Với hệ thống đường vành đai, ngoài các tuyến đã có (Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 3), thành phố sẽ đầu tư thêm các tuyến Vành đai 2,5; Vành đai 3,5 và vành đai 4, cùng với đó là hoàn thành việc mở rộng, nâng các tuyến đường Vành đai theo quy hoạch như Vành đai 2, Vành đai 3.

Đến nay, các dự án trên không thể kêu gọi, đầu tư triển khai theo hình thức BT, nên Sở GTVT Hà Nội đang phối hợp với các sở ngành có liên quan, kiến nghị thành phố đầu tư các dự án này bằng các nguồn vốn khác nhau, trong đó có ngân sách đầu tư công. Tuy nhiên do ngân sách đầu tư công có hạn, nên Sở GTVT vừa thống nhất với Sở KH&ĐT sẽ xét trên sự cấp thiết để lựa chọn một số dự án đầu tư trước, các dự án còn lại sẽ được đầu tư theo từng giai đoạn phù hợp.

Với dự tuyến đường Vành đai 2,5 (Cầu Giấy - Hoàng Mai), đường Vành đai 3,5 (cầu Thượng Cát - đại lộ Thăng Long) đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, do có tính chất kết nối, giảm ùn tắc cho nội đô nên sau khi không thể huy động vốn đầu tư bằng hình thức BT, các dự án này vẫn được thành phố cho chủ trương ưu tiên triển khai. Nguồn vốn mà Sở GTVT Hà Nội đề xuất đầu tư triển khai các dự án hợp phần tại 2 tuyến đường này là nguồn ngân sách.

Tại dự án đường Vành đai 4, do số vốn được lập lên đến 110.000 tỷ đồng, vượt quá khả năng đầu tư của nguồn ngân sách nên sau khi bị dừng hình thức đầu tư theo BT, thành phố Hà Nội đã thống nhất với các bộ ngành liên quan xin chủ trương Thủ tướng Chính phủ để đầu tư tuyến đường bằng hình thức BOT.

Để có nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông, thành phố đã kiến nghị Chính phủ cho phép rà soát quỹ nhà đất công dôi dư sau khi sắp xếp trụ sở, di dời cơ sở sản xuất, giáo dục, y tế... (dự kiến khoảng 8.900 ha) để tổ chức đấu thầu, đấu giá tạo nguồn đầu tư phát triển các công trình giao thông trọng điểm.

Đối với dự án nâng cấp QL 6, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT cho biết, sở này đã có tờ trình gửi thành phố về việc thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Dự án cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Ba La- Xuân Mai có chiều dài 21,5 km, được đầu tư từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ và ngân sách thành phố với tổng kinh phí là 8.112 tỷ đồng (giảm 373 tỷ đồng so với hình thức đầu tư BT được lập trước đó), trong số này Chính phủ hỗ trợ 1.600 tỷ, còn lại là ngân sách thành phố Hà Nội. Dự án có thời gian thi công 3 năm, từ năm 2021 đến 2024.

Được biết, Ban cán sự Đảng UBND thành phố cũng đã báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy việc triển khai các dự án PPP và chuyển đổi một số dự án sang hình thức đầu tư công hoặc các hình thức phù hợp. Như dự án cầu Tứ Liên có tổng mức đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng, cầu Thượng Cát khoảng 9.000 tỷ đồng đã có đề xuất chủ trương chuyển đổi sang đầu tư công và hình thức đầu tư khác phù hợp.

MỚI - NÓNG