Hệ lụy từ các dự án BT: Thiệt đơn, thiệt kép

Đường ùn tắc, bên cạnh là hàng chục tòa nhà cao tầng tại nút giao Lê Văn Lương - Vành đai 3 (Ảnh chụp sáng 30/11 / Ảnh: A.Trọng)
Đường ùn tắc, bên cạnh là hàng chục tòa nhà cao tầng tại nút giao Lê Văn Lương - Vành đai 3 (Ảnh chụp sáng 30/11 / Ảnh: A.Trọng)
TP - Cùng với thiếu sót, sai phạm từng được Thanh tra Chính phủ chỉ ra, sau một thời gian đưa vào sử dụng, nhiều dự án BT (xây dựng chuyển giao) tại Hà Nội còn bộc lộ nhiều bất cập. Quỹ đất được thanh toán được các chủ đầu tư triển khai nhiều khu đô thị thu lợi lớn, trong khi các dự án giao thông đang phát sinh tình trạng ùn tắc do triển khai thiếu đồng bộ, thiếu kết nối.

Sau hơn 10 năm chờ đợi, đầu tháng 11 vừa qua, dự án mở rộng, hoàn thiện đường Vành đai 2 đoạn đi trên đường Trường Chinh được thông xe. Với mức đầu tư 2.400 tỷ đồng (tiền ngân sách) cho mở rộng lòng đường bên dưới và 9.400 đồng (đầu tư bằng hình thức BT) cho đoạn đường trên cao từ Ngã Tư Sở đến Vĩnh Tuy, ngày 9/11 đường Trường Chinh đã kết thúc 14 năm thi công với sự kiện thông xe đường vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng. Việc tuyến đường Trường Chinh được hoàn thành mở rộng đã giúp cho giao thông tại đây thông suốt cả tuyến.

Tuy nhiên, cũng kể từ thời điểm này, nút giao Ngã Tư Sở trở lại với tên gọi vui “ngã tư khổ” trước đây. Dòng ô tô từ đường trên cao được lưu thoát nhanh, đổ dồn trực tiếp xuống hai nút giao Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng, gây ùn tắc kéo dài cho cả 2 nút giao này. Các chuyên gia quy hoạch cho rằng, nếu thiết kế đường BT Vành đai 2 trên cao vượt nút Ngã Tư Sở, sau đó mới tiếp đất thì vừa phát huy hiệu quả đầu tư dự án vừa tránh được ùn tắc kéo dài cho nút Ngã Tư Sở.

Tương tự, sau hơn 7 năm thi công 2,5 km đường và phải điều chỉnh mức đầu tư, dự án đường BT Nguyễn Xiển - Xa La đã được nhà đầu tư thông xe vào đầu năm 2020. Tuy nhiên, do dự án đưa vào sử dụng khi hạng mục cầu vượt nút giao đường 70 (Xa La, Hà Đông) chưa xong, dẫn đến đường BT Nguyễn Xiển - Xa La cả tuyến rộng 8 làn xe nhưng khi chạy đến nút giao với đường 70 bị thắt cổ chai còn 2 làn. Từ thời điểm thông xe tuyến đường này, bức tranh giao thông thành phố Hà Nội ghi nhận thêm một “điểm đen” ùn tắc tại đường 70 đoạn trước Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.

Tình trạng đường BT thông xe xong nhưng do thiết kế thiếu đồng bộ, thiếu kết nối với hạ tầng xung quanh cũng đang diễn ra với các dự án Lê Văn Lương - Tố Hữu; Nguyễn Hữu Thọ - Xuân Phương; trục giao thông phía Nam (Xa La đi Vân Đình); đường Ngọc Thụy - Thượng Thanh (Long Biên); nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 6…

Ðường BT đi vào ngõ cụt

Tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài tuy được làm mới, nhưng do thiết kế mặt đường và mặt cắt ngang hẹp chỉ 3 làn xe/chiều (trong khi các tuyến đường hướng tâm khác thi công đã lâu như Nguyễn Trãi, Trần Duy Hưng rộng 4 đến 6 làn xe/chiều) nên khi vừa thông xe vào năm 2010, tuyến đường này đã thường xuyên xảy ra ùn tắc. Đến nay khi tuyến đường này phải bố trí 1 làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh - BRT, tình trạng ùn tắc lại trầm trọng hơn.

Như vậy, ngoài những bất cập trong cách tính toán chi phí thi công, thực hiện dự án từng được Thanh tra Chính phủ chỉ ra, đến nay, sau 10 năm đưa vào sử dụng, đường Lê Văn Lương - Tố Hữu đang phát sinh hàng loạt bất cập khác. Cụ thể, với giao thông, lòng đường nhỏ hẹp, dẫn đến khi vừa đưa vào sử dụng đã quá tải về lưu lượng phương tiện, Hiện tại, tuyến đường Lê Văn Lương đang được đánh giá là đường ùn tắc nhất Hà Nội. Về quy hoạch, tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu có mặt cắt vỉa hè rộng từ 3 đến 5 mét, nhưng nhiều đoạn vỉa hè tại đây hiện chỉ còn khoảng 1 mét. Hiện hai bên đường phần vỉa hè theo quy hoạch bị biến thành bãi đỗ xe, sân và đường nội bộ của nhiều tòa nhà cao tầng.

Tuy mới xây dựng nhưng hiện toàn tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu từ Láng đến Hà Đông không còn một khoảng đất nào dành làm hành lang an toàn theo quy định, toàn bộ đất sát vỉa hè là tường rào của các tòa nhà cao tầng, nhiều đoạn vỉa hè còn bị tường rào các tòa nhà quây chỉ còn 1 đến 2 mét mặt cắt ngang. Theo khảo sát, hiện cứ 1 km đường Lê Văn Lương - Tố Hữu đoạn Láng đi Hà Đông, có khoảng 50 tòa nhà cao trên 15 tầng ở hai bên. Đường Tố Hữu đoạn qua phường La Khê (Hà Đông), hai bên đường san sát các tòa nhà cao từ 10 tầng đến 40 tầng nằm trong các khu đô thị mang tên The Terra, Dương Nội, Văn Khê… Thậm chí, tại vị trí cổng chào đắp dòng chữ “The Terra - An Hưng” đi vào, mặc dù mặt giáp vỉa hè đã có các tòa  nhà cao 5 đến 7 tầng, nhưng bên trong đang xây thêm nhiều tòa nhà hiện đã cao đến tầng 44.

Đường Tố Hữu đoạn chạy qua phường Văn Khê cũng có hàng chục tòa nhà cao tầng nằm san sát 2 bên đường. Riêng tại ngã ba Tố Hữu giao với đường Văn Khê, một nút giao thông, nhưng tại đây đang có tới cổng chào của 5 khu chung cư - nhà cao tầng nhô ra đường, kèm theo đó là hàng loạt nhà cao từ 10 đến 40 tầng phía sau, như cổng chào mang tên: Khu đô thị Dương Nội, Khu đô thị La Khê, cổng tòa nhà Tập đoàn Nam Cường; chung cư Anland Complex; khu nhà cao tầng Bid Group. Ngoài thiết kế đường nhỏ, nhà cao tầng mọc quá sát vỉa hè hai bên, đường Lê Văn Lương - Tố Hữu còn đang được biết đến là tuyến đường cụt khi chạy từ Láng đến phường Yên Nghĩa rồi thu nhỏ dần, sau không kết nối với tuyến đường, mạng lưới giao thông nào.

Đường vào ngõ cụt, nhưng Tập đoàn Nam Cường chục năm qua đã được sử dụng 174,23 ha đất để khai thác tạo vốn. 174,23 ha đất này trở thành khu đô thị Dương Nội và một số khu đất khác dọc tuyến Lê Văn Lương.

Tại các tuyến đường BT như Gia Thụy - Thượng Thanh, Nguyễn Xiển - Xa La, trục đường phía Nam…, tuy dự án thi công chưa xong theo hợp đồng, nhưng hiện nay nhà cao tầng, nhà thương mại đã mọc kín 2 bên đường. Trục đường phía Nam hiện cũng chỉ được bắt đầu từ khu đô thị Thanh Hà (Hà Đông) chạy đến khu vực huyện Thanh Oai rồi bị cụt, chưa được kết nối với tuyến đường giao thông nào.

Ðường nhà đầu tư, Nhà nước phải sửa lỗi

Về việc dự án BT chưa xong nhưng nhà đầu tư đã xây dựng nhà thương mại trên đất đối ứng hai bên đường để bán, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng, UBND quận Long Biên (quản lý dự án đường BT Gia Thụy - Thượng Thanh), cho biết, theo tiến độ, dự án đã phải hoàn thành trong quý III/2019, tuy nhiên, do vướng mặt bằng nên đến nay phần đường BT rộng 40 mét vẫn chưa thông xe.

Trả lời PV Tiền Phong về hướng giải quyết tình trạng trên, ông Hùng cho hay, quận đã báo cáo thành phố điều chỉnh quy mô, tiến độ dự án. Theo đó, sau khi được điều chỉnh, tuyến đường sẽ phải giảm mức đầu tư từ 2.700 tỷ đồng xuống còn khoảng 1.700 tỷ đồng (giảm khoảng 1.000 tỷ đồng), về tiến độ dự án, quận đang yêu cầu hoàn thành trong năm 2021.

Với trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu không có kết nối giao thông và bị cụt tại phường Yên Nghĩa (Hà Đông), đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, dự án ban đầu chỉ được phê duyệt đến Hà Đông. Đến nay, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch giao thông Hà Nội, Sở GTVT đang phối hợp các sở liên quan để nghiên cứu xây dựng tiếp tuyến đường kéo dài đến QL6. Tại trục QL6, sau nhiều năm khởi công để nhà đầu tư thực hiện mở rộng, nâng cấp bằng hình thức BT, dự án vẫn “đắp chiếu”, một số đoạn thi công dở dang đang cản trở giao thông và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Với lý do nhà đầu tư không huy động được vốn. Vừa qua, thành phố Hà Nội đã báo cáo Chính phủ xin chủ trương cho đầu tư bằng ngân sách.

Làm rõ trách nhiệm các bên liên quan

Một báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán gửi Quốc hội trong kỳ họp giữa năm 2020 chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong 29 dự án BT đã được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thực hiện. Cơ quan kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính số tiền lên tới 5.228 tỷ đồng.

Theo KTNN, hầu hết các dự án được kiểm toán ở Hà Nội đều xác định tổng mức đầu tư ban đầu lớn hơn nhiều so với giá trị thực tế. Dự án tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đến khu đô thị mới Thượng Thanh (quận Long Biên) giảm dự toán 69,2 tỷ đồng, chi phí đền bù GPMB giảm 754,3 tỷ đồng. Dự án đường 2,5 đoạn Ðầm Hồng - Quốc lộ 1A cũng giảm tới 251,4 tỷ đồng... Bên cạnh đó, một số dự án phê duyệt diện tích và giá đất tạm tính vượt giá trị dự án BT. Kết quả kiểm toán 29 dự án còn cho thấy, hầu hết đều thực hiện theo phương thức chỉ định nhà đầu tư, chủ yếu do nhà đầu tư đề xuất. Tại tỉnh Bắc Ninh, có tới 72/83 dự án do nhà đầu tư đề xuất. Trong đó, dự án Công viên hồ điều hòa Văn Miếu và dự án Nhà máy nước mặt thành phố Bắc Ninh do nhà đầu tư đề xuất và không lấy ý kiến các bộ, ngành theo quy định.

Ðể ngăn chặn các bất cập trong việc triển khai các dự án BT, KTNN cho rằng, cần hạn chế đối đa tình trạng nhà đầu tư tự đề xuất ngoài quy hoạch, kế hoạch; tránh tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả. Ðồng thời phải thực hiện cơ chế đấu giá đất để thanh toán hoặc phải xác định giá trị đất đai thanh toán cho các nhà đầu tư thông qua đấu giá đất; làm rõ trách nhiệm các bên liên quan và thực hiện nghiêm việc đấu thầu công khai để lựa chọn được nhà đầu tư tốt nhất.

Trước đó, qua kiểm toán 37 dự án BT từ năm 2018 trở về trước, KTNN kiến nghị xử lý 7.453 tỷ đồng. Theo KTNN Chuyên ngành VI, đến hết ngày 31/12/2019, có tổng cộng 336 dự án PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công - tư) được ký kết với tổng vốn đầu tư trên 1,6 triệu tỷ đồng. Trong đó, hình thức đầu tư chủ yếu là BT và BOT. Riêng lĩnh vực BT có tới 188 dự án (tương đương 55,9%).

Thành Nam
MỚI - NÓNG