Khai thác quyền sở hữu trí tuệ gắn với sản phẩm OCOP

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các bạn trẻ khi khởi nghiệp kể cả sản phẩm nhỏ rất cần hiểu biết, đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu cộng đồng... Nếu không làm bài bản ngay từ đầu, rất khó phát triển sản phẩm và đứng trước nguy cơ mất thương hiệu, giá trị, cũng như sa vào các vụ kiện, tranh chấp.

Ngày 24/4, tại Hà Nội, Đoàn Thanh niên Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Đoàn Thanh niên Bộ TT&TT, Bộ VH-TT&DL, Bộ NN&PTNT phối hợp tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số và khai thác quyền sở hữu trí tuệ trong phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP”. Dự chương trình có anh Ngô Văn Cương - Bí thư T.Ư Đoàn.

Hoạt động là công trình thanh niên nhằm hướng đến chào mừng ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4; Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 - 30/4/2021; Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.

Khai thác quyền sở hữu trí tuệ gắn với sản phẩm OCOP ảnh 1

Phát biểu tại chương trình, ông Phạm Công Tạc - Thứ trưởng Bộ KH&CN nêu rõ, xã hội tồn tại bằng niềm tin, nhưng muốn phát triển phải bằng khoa học. Ảnh: Xuân Tùng

Theo ông Phạm Công Tạc - Thứ trưởng Bộ KH&CN, hội thảo có bốn chủ đề quan trọng là chuyển đổi số, sở hữu trí tuệ, du lịch và sản phẩm OCOP. Chuyển đổi số là xu thế thời đại và Việt Nam phải chuyển đổi.

Nói về vai trò sở hữu trí tuệ, ông Tạc cho biết: Năm 1975, 500 công ty lớn nhất của nước Mỹ, tỉ lệ tài sản hữu hình/vô hình là 82/18. Năm 2015, tỉ lệ này là 18/82. Nền kinh tế nước Mỹ có tỉ lệ tài sản vô hình khổng lồ.

Một số hãng giàu có gần bậc nhất thế giới nhưng tài sản hữu hình gần bằng 0. Tài sản đó là trí tuệ. Điều này đặt ra vấn đề khai thác sở hữu trí tuệ thế nào để phát triển kinh tế, khởi nghiệp, lập nghiệp đối với thanh niên.

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với sở hữu trí tuệ

Khai thác quyền sở hữu trí tuệ gắn với sản phẩm OCOP ảnh 2

Ông Nguyễn Minh Tiến trình bày tham luận phát triển sản phẩm OCOP gắn với vai trò của sở hữu trí tuệ và thúc đẩy chuyển đổi số. Ảnh: Xuân Tùng

Còn ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cho biết: Sau ba năm triển khai, chương trình OCOP đạt được nhiều kết quả.

Trong đó, 60/63 tỉnh thành tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, 4.733 sản phẩm được công nhận nhận đạt ba sao trở lên. Hơn 2.596 chủ thể có sản phẩm được công nhận OCOP. Chương trình đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, tạo việc làm cho lao động, nhất là lao động nữ.

Theo ông Tiến, hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn tới theo hướng từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đồng thời xác định ba hướng chủ đạo: Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hiện đại, nông dân thông minh.

Trong định hướng chung, chương trình OCOP tập trung khai thác các sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn truyền thống, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát huy sự sáng tạo, sức mạnh cộng đồng. Đẩy mạnh các giải pháp về chế biến, đặc biệt là chế biến quy mô nhỏ và vừa để phát triển sản phẩm mới dựa trên lợi thế về nguyên liệu địa phương. Nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại.

Ông Tiến ví dụ, củ nghệ ở Bắc Kạn trước đẩy xuất khẩu chỉ có sản phẩm sấy khô, bán rất rẻ. Ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến thì có thêm sản phẩm bột nghệ, tinh dầu và bây giờ là nghệ nano curcumin thì giá trị kinh tế rất cao. "Sản phẩm nghệ bây giờ không chỉ là gia vị mua vè nấu chuối đậu, canh ốc... mà đã thành sản phẩm mang tính dược liệu, quà tặng", ông Tiến nói.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh vai trò của sở hữu trí tuệ trong phát triển sản phẩm OCOP. Trong đó đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là sử dụng hiệu quả các thương hiệu gắn với sản phẩm OCOP gồm: Nhãn hiệu của doanh nghiệp, hợp tác xã; thương hiệu cộng đồng (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận); thương hiệu OCOP Việt Nam.

Ông Nguyễn Minh Tiến cho biết: Vừa rồi khi chúng tôi đánh giá các sản phẩm OCOP từ bốn, năm sao thì xảy ra bất cập. Hầu như các chủ thể, nhất là chủ thể mới tham gia kinh doanh các sản phẩm không quan tâm đến sở hữu trí tuê, không đăng ký kiểu dáng, không hồ sơ thủ tục đăng ký.

Không quan tâm tới vấn đề sở hữu trí tuệ thì rất dễ dẫn đến tranh chấp, kiện tụng và mất quyền sử dụng sở hữu trí tuệ.

Chúng tôi mong các bạn trẻ khi khởi nghiệp kể cả sản phẩm nhỏ thì rất cần hiểu biết, đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu cộng đồng... Nếu không làm bài bản ngay từ đầu thì rất khó phát triển sản phẩm và đứng trước nguy cơ mất thương hiệu, giá trị, cũng như sa vào các vụ kiện, tranh chấp.

Khai thác quyền sở hữu trí tuệ gắn với sản phẩm OCOP ảnh 3

Bí thư T.Ư Đoàn Ngô Văn Cương và các diễn giả trao đổi tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo Đoàn Thanh niên, doanh nghiệp khởi nghiệp, lập nghiệp trong lĩnh vực du lịch và sản xuất theo chuẩn OCOP của ba tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc chia sẻ.

Các ý kiến đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, thực trạng của hoạt động thanh niên làm kinh tế mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới. Bên cạnh đó trao đổi khó khăn, thuận lợi khi bước đầu tiếp cận và khai thác quyền sở hữu trí tuệ trong sản xuất, thương mại hay dịch vụ du lịch tại địa phương.

Khai thác quyền sở hữu trí tuệ gắn với sản phẩm OCOP ảnh 4
Khai thác quyền sở hữu trí tuệ gắn với sản phẩm OCOP ảnh 5

Đại diện Đoàn Thanh niên Bộ KH&CN, Bộ TT&TT, Bộ VH-TT&DL, Bộ NN&PTNT ký kết bản ghi nhớ hợp tác tại Hội thảo. Ảnh: Xuân Tùng

MỚI - NÓNG