Khai hội Đền Sóc ngày mồng 6 Tết: Giáo dục lòng yêu nước, thương dân

TPO - Ngày 8/2, UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết đến thời điểm này công tác chuẩn bị cho Lễ hội Đền Sóc năm 2024 đã hoàn tất.

Giáo dục lòng yêu nước

Theo đó, Lễ hội sẽ được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 15/2 đến 17/2 (tức ngày 6-8 tháng Giêng) tại khu Du lịch - Di tích Đền Sóc (huyện Sóc Sơn). Trong đó, khai hội được tổ chức vào lúc 7h30 ngày 15/2 (tức ngày 6 tháng Giêng).

UBND huyện Sóc Sơn cho biết, lễ hội nhằm tưởng nhớ và tri ân công đức của Đức Thánh Gióng - Người có công dẹp giặc Ân, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Đồng thời, giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử cha ông để lại.

Khai hội Đền Sóc ngày mồng 6 Tết: Giáo dục lòng yêu nước, thương dân ảnh 1
Lễ rước ngựa của thôn Phù Mã (xã Phù Linh) tại lễ hội Gióng.

Ngoài ra, việc tổ chức lễ hội cũng là để tôn vinh, quảng bá, giới thiệu giá trị lễ hội Đền Gióng - Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, giá trị Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Sóc tới nhân dân và bạn bè quốc tế.

Về công tác tổ chức, gồm phần Lễ và phần Hội. Trong đó, Lễ khai Hội được tổ chức lúc 7h30 ngày 15/2 và kết thúc 16h ngày 17/2.

Phần Hội gồm các hoạt động như thi đấu thể dục thể thao, các trò chơi dân gian, hoạt động biểu diễn nghệ thuật...

Để Lễ hội Đền Sóc năm 2024 thành công, UBND huyện Sóc Sơn yêu cầu lực lượng an ninh đảm bảo trật tự, an toàn cho du khách về dự lễ hội. Đồng thời, điều tiết, phân làn, chống ùn tắc giao thông, không để xảy ra cháy nổ khu vực tổ chức lễ hội.

UBND huyện cũng yêu cầu lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm có thể xảy ra trong Lễ hội Đền Sóc năm 2024. Ví như, các hành vi lợi dụng lễ hội để trục lợi, tổ chức trò chơi mang tính cờ bạc, các hành vi gian lận thương mại, dịch vụ… trong lễ hội.

Truyền thuyết độc đáo về Thánh Gióng

Theo Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc gắn với truyền thuyết về một cậu bé được mẹ sinh ra một cách kỳ lạ ở làng Phù Đổng. Khôi ngô, tuấn tú nhưng lên 3 mà vẫn chưa biết nói, biết cười, suốt ngày cậu chỉ nằm trong thúng treo trên gióng tre, vì thế được đặt tên là Gióng. Vậy mà khi nghe thấy lời kêu gọi của nhà Vua tìm người tài giỏi đánh giặc ngoại xâm, Gióng bỗng lớn nhanh như thổi, rồi xung phong ra trận cứu nước, cứu dân. Sau khi dẹp tan quân giặc, ngài về núi Sóc rồi cưỡi ngựa bay lên trời. Từ đó, ngài Gióng được thiêng hóa thành một vị Thánh bất tử bảo hộ mùa màng, hòa bình cho đất nước, thịnh vượng cho muôn dân.

Để tưởng nhớ công ơn của ngài, người dân lập đền, thờ phụng và mở hội hằng năm với tên gọi là Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc. Đó là một trong những lễ hội lớn nhất vùng châu thổ Bắc Bộ, tổ chức theo một nghi thức được quy định chặt chẽ, chuẩn bị hết sức công phu, với sự tham gia đông đảo của dân làng quanh khu vực hai đền.

Hội Gióng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm - nơi sinh Thánh Gióng diễn ra từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 4 Âm lịch, và Hội Gióng ở đền Sóc ở xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (nay thuộc Hà Nội) - nơi Thánh hóa diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8 tháng Giêng.

Được biết, quần thể khu di tích Đền Sóc, thuộc thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, gồm 6 công trình: Đền Hạ (đền Trình), chùa Đại Bi, đền Mẫu, đền Thượng (đền Sóc), tượng đài Thánh Gióng và nhà bia. Trong đó, đền Thượng là nơi thờ Thánh Gióng và tổ chức lễ hội, với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như Lễ mộc dục, lễ rước, lễ dâng hương, lễ hóa voi và ngựa…

Hội Gióng đền Sóc Sơn là lễ hội lớn hàng năm, với sự tham gia của nhiều làng lân cận trong vùng và được người dân chuẩn bị chu đáo từ sớm.

Tin liên quan