Cướp lộc là hành vi “phản văn hóa”
Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 16/1, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh cho biết, Ban tổ chức Lễ hội Đền Sóc năm 2018 đã bàn với các thôn, làng để thực hiện những cải tiến như sẽ làm lễ sớm, bắt đầu dâng hương từ 6h45 để 7h có thể chính thức khai hội. Quy trình rước lễ vật vào đền Thượng cũng có những đổi mới nhất định.
Theo đó, năm nay lễ hội vẫn tổ chức đầy đủ các nghi thức nhưng sẽ thay đổi cách thức và trình tự của các nghi lễ, chứ không phải thay đổi bản chất của lễ hội. Lễ hội năm nay sẽ không còn đoàn rước lễ vật từ đền Thượng xuống đền Hạ được tổ chức như các năm trước để tránh hiện tượng cướp lễ vật hoa tre gây phản cảm.
Theo lãnh đạo huyện Sóc Sơn, việc cướp lộc là quan niệm dân gian, tùy tâm lý của mỗi người. Nhưng cần khẳng định, những hành động tấn công đoàn rước để cướp lộc là phản văn hóa. Chúng tôi phải huy động gần 300 công an, chưa kể các thanh niên tình nguyện, các đoàn rước tham gia lực lượng bảo vệ.
Lễ hội Đền Sóc năm 2018 sẽ có những điều chỉnh, không huy động quá nhiều lực lượng an ninh bảo vệ như các năm trước. Ban tổ chức bố trí những bãi đỗ xe rộng rãi ở cách xa địa điểm tổ chức lễ hội hơn các năm trước. Các hoạt động dịch vụ tại lễ hội cũng được quản lý chặt chẽ.
Lễ hội Chùa Hương 2018 gắn với chủ đề: “Lễ hội Kỷ cương - Văn minh du lịch”. Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức chia sẻ, năm 2017 là lần đầu tiên có hiện tượng cướp lộc khi kết thúc lễ khai hội, phát tặng lộc cho phật tử và du khách tại sân chùa. Ban đầu, sư thầy đưa lộc tới tận tay từng du khách, nhưng vì quá đông và khách chen lấn, dẫn đến lộn xộn, cướp lộc. Ngay sau đó, huyện đã báo cáo Sở Văn hóa thể thao, Ban trị sự Phật giáo huyện Mỹ Đức để chấn chỉnh không để tái diễn tình trạng trên.
Xử nghiêm tình trạng “chặt chém” du khách
Ông Nguyễn Văn Hậu cho biết, công tác kiểm soát vé thắng cảnh được tăng cường, phân công lực lượng thường trực 24/24 giờ để hướng dẫn du khách, kiểm tra vé tham quan thắng cảnh, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những trường hợp dẫn khách trốn vé, sử dụng vé giả hoặc quay vòng vé.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho khách tham quan, huyện Mỹ Đức chỉ đạo Công an xã Hương Sơn yêu cầu các hộ, cá nhân kinh doanh có cam kết chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương như không được kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả. UBND huyện cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan xử lý nghiêm những trường hợp cố tình gây thương tích, ép giá, ép khách gây nhũng nhiễu đòi tiền bồi dưỡng của khách.
Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng để tăng cường kiểm soát các đối tượng “cò mồi”, chèo kéo khách tham quan hay các đối tượng kinh doanh hình thức “vui chơi có thưởng”, bán hàng giá cao, lừa đảo khách.
Ông Hậu cho biết, Ban tổ chức đã thành lập các tổ liên ngành để xử lý việc “chặt chém” du khách. Lực lượng này liên tục tuần tra 2 bên bờ suối. Ngoài ra, số điện thoại của lãnh đạo huyện cũng được niêm yết công khai, du khách gặp khó khăn có thể gọi điện trực tiếp để xử lý. “Hành vi ép giá sẽ bị coi là cưỡng đoạt tài sản, có thể xử lý hình sự”, ông Hậu khẳng định.
Để mùa lễ hội 2018 đi vào nề nếp, kỷ cương, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu: Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phân công cán bộ trực tiếp theo dõi diễn biến trong lễ hội trên địa bàn, kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm quy định về tổ chức lễ hội, đặc biệt các lễ hội lớn: Gò Đống Đa, Chùa Hương, Đền Hai Bà Trưng, Đền Sóc, Đền cổ Loa, Đền Và, Chùa Trầm, Chùa Trăm Gian, Chùa Thầy, Thăng Long Tứ Trấn, Phủ Tây Hồ…