Kêu ai và ai kêu?

Kêu ai và ai kêu?
TP - Cách đây hơn hai tháng (ngày 29-3), khi cơ quan chức năng cho điều chỉnh giá xăng dầu lên mức kỷ lục (dầu tăng cao nhất tới trên 21.000 đồng/lít), thì hàng loạt ngư dân đành để tàu cá nằm bờ.

> Hơn 1.200 tàu cá nằm bờ
> Điều hành xăng dầu bằng Quỹ bình ổn

Vì ra khơi là đối mặt lỗ vốn, chưa kể gặp phận rủi còn bị tàu nước ngoài cướp bóc, trấn lột thì mất cả chì lẫn chài luôn. Nhìn lại, thấy ngư dân thiệt đủ đường, họ chạy trên biển nhưng vẫn đang phải gánh đủ các loại phí (thu qua xăng dầu) như các phương tiện lưu thông đường bộ, trong khi không còn được hưởng chính sách trợ giá nhiên liệu (trừ những tàu đánh bắt vùng biển ngoài khơi như Trường Sa, Hoàng Sa, DK1).

Bối cảnh ấy, ngư dân chỉ còn biết tự an ủi, cơ chế thị trường, giá cũng phải theo thị trường, không chịu nổi thì khỏi ra khơi. Nhưng nhìn vào họ, để thấy những ngư dân thấp cổ bé họng rất cần được đối xử bình đẳng, sòng phẳng từ chính những doanh nghiệp bán xăng dầu và cơ quan điều hành giá.

Tuy nhiên, nhìn lại biểu đồ giá, khi giá xăng dầu được điều chỉnh lên mức kỷ lục ngày 29-3, tính theo giá cơ sở của Petrolimex, sau khi đã tính đủ các loại chi phí, trích quỹ bình ổn, doanh nghiệp đã có lãi định mức 300 đồng/lít. Nhưng tới nay, riêng giá dầu, tuỳ từng doanh nghiệp, mức lãi đã lên tới từ 700-900 đồng/lít (chưa kể 300 đồng/lít lãi định mức), nhưng ngư dân ngóng mãi cũng không thấy cơ quan quản lý hay doanh nghiệp tự giác điều chỉnh giá xuống, theo đúng cái gọi là giá thị trường.

Bởi thế, mới có chuyện xăng dầu lâu nay chỉ từ Việt Nam chảy qua nước ngoài, thì nay dòng chảy đang ngược lại. Theo Nghị định 84, trong vòng 30 ngày, doanh nghiệp được điều chỉnh tăng giá xăng dầu một lần. Tuy nhiên, lại không có quy định là bao nhiêu ngày xăng dầu thế giới giảm, thì doanh nghiệp phải giảm giá.

Với doanh nghiệp, lợi nhuận không bao giờ có đáy, nên đòi hỏi họ tự giác giảm giá là khó, nhất là trong bối cảnh thị trường xăng dầu Việt Nam chỉ có hơn chục doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, trong đó Petrolimex cầm trịch, chiếm thị phần chi phối, khoảng 60%. Như vậy, người dân chỉ còn biết trông cậy cơ quan nhà nước điều hành, giám sát về giá. Nếu cơ quan này phản ứng chậm ngày nào, dân thiệt ngày đó.

Còn nhớ, một khi doanh nghiệp xăng dầu lỗ, họ kêu rất ghê để được tăng giá. Nhưng mỗi khi có lãi lớn, thậm chí giá còn cao hơn các nước trong khu vực thì ai kêu cho dân? Ai bảo vệ người tiêu dùng?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG