Phóng viên: Kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới mới đây khẳng định việc tăng mức độ sử dụng ô tô sẽ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng. Quan điểm của ông về nhận định này?
- Ông Nguyễn Văn Huyện: Đây là một đánh giá hoàn toàn đúng. Tôi cho rằng gia tăng ô tô cá nhân là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP HCM. Một thành phố giao thông tốt thì tỉ suất diện tích đất dành cho giao thông phải chiếm khoảng 16% nhưng thực ra ở Hà Nội và TP HCM chỉ có 7%-9%. Trong khi đó, xe máy và ô tô, nhất là ô tô cá nhân và taxi, phát triển quá nhanh. Hạ tầng đã không đáp ứng được nên việc ùn tắc là tất yếu.
Cũng có ý kiến cho rằng xe buýt mới là nguyên nhân gây ùn tắc?
- Tôi cho rằng số lượng xe buýt hiện chưa phải là nhiều và không phải là nguyên nhân gây ùn tắc. Tuy nhiên, đối với ô tô, chỉ riêng với taxi, tại Hà Nội có 17.000 chiếc, TP HCM có 14.000 chiếc; rồi ô tô cá nhân nữa, nó chiếm rất nhiều diện tích lòng đường.
Vậy với xe máy, theo ông, có phải là 1 trong những “thủ phạm” gây kẹt xe?
- Xe máy hiện là phương tiện phù hợp với điều kiện kinh tế của đa số người dân. Việc lượng xe máy đang sử dụng quá nhiều nên gây ra ùn tắc ở các đô thị là điều không thể chối cãi. Thế nhưng, tôi cho rằng ý thức của không ít người tham gia giao thông rất kém đã khiến tình trạng kẹt xe tồi tệ hơn. Nhiều người không chấp hành luật giao thông, chen lấn nhau, lao xe lên vỉa hè để đi. Đây là điều không thể chấp nhận được. Mà điều này xảy ra ở Hà Nội rất nhiều trong khi ở TP HCM thì rất ít. Tôi cho rằng Hà Nội phải chấn chỉnh việc này để giảm ùn tắc.
Để giảm ùn tắc giao thông trước việc quá nhiều xe cá nhân, có ý kiến cho rằng nên tăng phí để hạn chế. Quan điểm của ông về điều này?
- Tôi không đồng tình. Tăng phí là không phù hợp đối với thực trạng giao thông Việt Nam hiện nay vì chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông công cộng nên dân phải tự túc phương tiện xe cá nhân. Khi nào chúng ta nâng cao được chất lượng giao thông công cộng, đáp ứng được nhu cầu của xã hội thì mới tính tới chuyện tăng phí để hạn chế xe cá nhân. Trước đây, chúng ta đã tăng thuế nhập khẩu gấp đôi so với nước ngoài đối với ô tô, rồi tăng thuế trước bạ, giờ tăng thêm thì sẽ không hợp lý.
Đường tại Hà Nội đã quá chật chội và không đủ chỗ để cho 17.000 taxi hoạt động. Trong ảnh: Hàng dài taxi đậu trước cổng Bệnh viện Bạch Mai Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Vậy theo ông, chúng ta phải có những giải pháp gì trước mắt cũng như lâu dài để giải quyết nạn kẹt xe ở các đô thị?
- Ngoài các giải pháp mà chúng ta đang nỗ lực triển khai thì cần đẩy mạnh tuyên truyền để làm sao hạn chế được ô tô cá nhân. Cạnh đó, phải rà soát và quy hoạch lại mạng lưới hoạt động của các hãng taxi vì thực tế hiện nay đường đã quá tải và không còn đủ chỗ đỗ cho các xe này nữa.
Đặc biệt, Hà Nội phải chấn chỉnh hoạt động taxi để nâng quy mô của các hãng. Ở TP HCM có 14.000 taxi với 26 hãng. Trong khi đó, Hà Nội có 17.000 taxi nhưng lại có đến 120 hãng, trong đó có rất nhiều hãng taxi nhỏ lập ra chỉ để bán đàm, hoạt động như taxi “dù”. Các hãng này không hề có bãi đỗ xe nên hầu hết xe phải chạy long nhong và đỗ ngoài đường.
Về hạ tầng, hiện tại ở TP HCM và Hà Nội, việc mở rộng đường là rất khó, nếu không muốn nói là không thể. Vì vậy, ngoài việc phát triển giao thông công cộng thì việc làm đường trên cao và đường ngầm dưới đất là tất yếu.