Kênh đào mới ở Thái Lan và nguy cơ với biển Đông

Vị trí dự kiến thực hiện dự án kênh đào Kra (khoanh tròn). Ảnh: Business Insider
Vị trí dự kiến thực hiện dự án kênh đào Kra (khoanh tròn). Ảnh: Business Insider
TP - Năm nay, Trung Quốc gia tăng nỗ lực thúc đẩy triển khai sáng kiến Một vành đai - Một con đường. Một trong những mắt xích chủ chốt của sáng kiến này là đào một kênh mới cắt ngang qua Thái Lan. Ý tưởng này nếu trở thành hiện thực có thể khiến Việt Nam phải củng cố lại các thế trận phòng thủ ở phía nam.

Ý tưởng về việc đào kênh Kra qua miền nam Thái Lan để kết nối Vịnh Thái Lan với Ấn Độ Dương không phải điều mới, nhưng nó thu hút được sự chú ý rộng rãi từ khi có sáng kiến Một vành đai - Một con đường của Trung Quốc. Giới phân tích cho rằng, sáng kiến này có thể mang lại nhiều lợi ích kinh tế, nhưng cũng rất nhạy cảm về địa chính trị khu vực.

Dù sáng kiến này vẫn ở giai đoạn nghiên cứu khả thi, nhưng tranh cãi xung quanh dự án không phải việc có nên đào kênh Kra hay không, mà là ai sẽ thực hiện điều này. Năm 2015, báo chí Trung Quốc đưa tin, Trung Quốc và Thái Lan đã ký một biên bản ghi nhớ về việc xây dựng kênh đào Kra, nhưng sau đó cả Bắc Kinh và Bangkok đều bác bỏ tin này. Dù vậy, vẫn có nhiều tin đồn về việc chính phủ Trung Quốc liên quan trực tiếp đến dự án. Nhiều bài báo bằng tiếng Trung xuất hiện cuối năm 2015 kỳ vọng kênh Kra có thể trở thành một “tuyến đường biển vàng quốc tế”.

Nếu được xây dựng, kênh đào mới được nhận định là sẽ gây tác động lớn đến cả hoạt động thương mại và bối cảnh chiến lược của toàn bộ khu vực. Kênh đào này có thể dịch chuyển đường đi của các tuyến vận tải biển khu vực và toàn cầu hàng trăm kilomet lên phía bắc, đồng thời trở thành một trong những công cụ chính để Trung Quốc thực hiện chiến lược Một vành đai - Một con đường đầy tham vọng.

Tạp chí Tàu thương mại và Hải quân thuộc Tập đoàn đóng tàu quân đội Trung quốc (CSSC) gần đây đăng các bài viết về dự án kênh đào Kra trong số ra có tiêu đề chính là “Hợp tác quân sự Thái Lan - Trung Quốc trong bối cảnh Một vành đai - Một con đường”, khi Bắc Kinh đang tìm cách thúc đẩy quan hệ với Bangkok những năm gần đây. Theo các bài viết này, dự án Kra sẽ giúp “phân tán rủi ro”, khi 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc hiện nay được vận chuyển qua eo biển Malacca.

Một bài viết khác có tựa đề “Kênh đào Kra và An ninh biển của Trung Quốc” xuất bản cuối năm 2015 trên tạp chí Đối ngoại Trung Quốc cho rằng, dự án “tuyến đường biển vàng” này sẽ không chỉ có lợi cho Trung Quốc mà cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Myanamar, Campuchia, Việt Nam và các nước Nam Á khác. Nước hưởng lợi nhiều nhất là Thái Lan vì kênh đào sẽ biến nước này trở thành trung tâm hậu cần chủ chốt ở khu vực.

Tuy nhiên, các bài viết cũng bày tỏ lo ngại trước kịch bản xảy ra chiến tranh mà khi đó “những kẻ thù của Trung Quốc sẽ chặn nút thắt cổ chai vận tải biển này vì mục đích bao vây và tấn công Trung Quốc”, trong khi kênh đào Kra sẽ rộng hơn kênh đào Suez, và do đó có thể đủ cho tàu chiến lớn và tàu ngầm đi qua.

Ảnh hưởng đến Việt Nam

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Trần Việt Thái, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao - Học viện Ngoại giao, cho rằng, người Trung Quốc không đưa ra cái gì tách rời chính trị - an ninh. Trước mắt, Trung Quốc có thể muốn dùng sáng kiến Một vành đai - Một con đường để kết nối các tuyến đường biển, tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên các tuyến hàng hải, đặc biệt là kết nối các cơ sở cảng biển, từ đó giúp Trung Quốc tiếp cận tốt hơn các cảng biển, thúc đẩy xuất nhập khẩu.

Trước mắt, những sáng kiến đó sẽ mang ý nghĩa kinh tế. Nhưng về lâu dài, khi người Trung Quốc đã bám trụ được ở những cảng biển đó, đã định hình được các tuyến vận tải thì họ sẽ chuyển sang cấp thứ hai là cấp lưỡng dụng, nghĩa là đưa chúng trở thành các cơ sở hậu cần.

Ông Thái cho rằng, điều đáng lo ngại hiện nay là Trung Quốc đang đầu tư rất mạnh vào cảng Sihanoukville của Campuchia. Cảng này sẽ không trở thành căn cứ quân sự, nhưng có thể là cơ sở hậu cần lưỡng dụng được, đặc biệt sau này nếu Trung Quốc xây được kênh Kra để cắt ngang qua Thái Lan để không phải đi qua eo biển Malacca, nhằm tạo thành một tuyến vận tải mới trên biển. Khi Trung Quốc cải tạo đảo ở biển Đông xong thì ở đó sẽ trở thành căn cứ quân sự của họ, được ngụy trang bằng vỏ dân sự, kết nối về đường biển, đường không, tạo nên một mạng lưới mới. Vì thế, các thế trận phòng thủ của Việt Nam ở đây sẽ cần được củng cố lại, ông Thái nhận định.

Trung Quốc chỉ cần diễn tập quân sự, cấm biển ở đây thì trước hết, ngư dân Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo ông Thái, nếu họ kéo vào vịnh Thái Lan, sẽ cực kỳ phức tạp. “Nếu cắt được eo biển Kra, khu vực Côn Đảo, Phú Quốc, Phú Quý của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng hiện nay, Trung Quốc vẫn đang thai nghén ý tưởng”, ông Thái nói.   

MỚI - NÓNG