Khi ai đó nói về Lại Văn Long, thường phi lộ “kẻ sát nhân lương thiện ấy mà”. Điều này chứng tỏ truyện ngắn ấy của anh quá xuất sắc hay vì cái tên Lại Văn Long chưa đủ nức tiếng để đứng riêng? (Dù sao thì cái tít “Kẻ sát nhân lương thiện” cũng thật ấn tượng).
Trong 20 năm qua, tôi nhiều lần được trả lời phỏng vấn nhưng chưa thấy ai phủ đầu sốc như bạn. Bạn đưa ra một ý nghĩ: Tác giả và tác phẩm “ai” được biết đến nhiều hơn? Về lý thuyết, tác giả và tác phẩm là quan hệ biện chứng.
Không có cái này thì không có cái kia và ngược lại. Nhưng có khi tác phẩm nổi tiếng hơn tác giả, ví dụ rất nhiều người nhớ truyện trinh thám có nhân vật Sherlock Holmes, nhưng không thể nhớ tên tác giả là Arthur Conan Doyle.
Theo tôi đẻ ra một “đứa con” mà nó nổi tiếng hơn “bố”, đó là phúc lớn của tác giả.
“Thủy Cơ” tập hợp nhiều truyện cũ, từng in và chưa in của anh. Thế cho nên nó chưa cho thấy sự đổi thay về bút pháp. Sao anh không chờ ra mắt với bộ dạng mới hơn?
Trong tập truyện Thủy Cơ (NXB Quân Đội Nhân Dân 2012) có 330 trang thì hơn một nửa là truyện tôi mới sáng tác hoặc hoàn chỉnh trong 5 năm gần đây, với hơn 150 trang mới in lần đầu.
Hơn nữa Thủy Cơ in sau Thạch Đế (NXB Văn Học 2009) đến 3 năm. Có nghĩa là tôi “chào sân” với bộ dạng mới trước (Thạch Đế), sau đó mới đưa 50% cái mới kèm 50% cái cũ ra. Tính như vậy dù không hay cũng chẳng đến nỗi dở phải không nào?
Kể từ ngày biết anh đến nay đã gần 20 năm, thấy anh có thay đổi nhưng vẫn có gì đó hơi đơn giản, ngây thơ trong cách nhìn nhận cuộc đời? Anh xuất thân ngành Triết cơ mà, và là nhà văn chứ đâu chỉ là nhà báo của ngành công an?
Gần 50 tuổi như tôi mà còn được khen là ngây thơ thì… sướng quá. Đúng là tôi sống rất vô tư, thích cái gì ghét cái gì khó giữ được trong lòng. Đó là bản tính hay bản chất rất khó thay đổi theo nghề nghiệp hay hoàn cảnh sống.
Nhưng tôi nghĩ một người viết văn viết báo có cá tính đó cũng không hại gì, thậm chí tốt cho công việc của mình vì mình sẽ nhìn cuộc đời thoải mái bao dung hơn, sống thật với mình hơn, không bị lôi kéo vào những chuyện tranh đoạt hơn thua, không hằn học hận thù bảo thủ trong tư duy và chữ nghĩa.
Anh có đọc văn chương trẻ không? Và có quan sát sự biến đổi ngôn ngữ từ khi internet trỗi mạnh? Tôi mới nói với Nguyễn Việt Hà, người ăn rất dày với tiểu thuyết “Cơ hội của Chúa”, rằng không cẩn thận một số “đứa” trẻ nó vượt đấy, ví dụ Phan An mà ra cuốn thứ hai sau “Quẩn quanh trong tổ” thì Việt Hà nguy.
Thú thật tôi nhiều việc quá nên không đủ sức theo dõi hết tác phẩm của thế hệ viết trẻ hơn. Nhưng thỉnh thoảng cũng đọc, cũng tìm được một ít câu thơ hay hoặc truyện ngắn đáng suy ngẫm.
Anh đánh giá thế nào về tác phẩm của Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Ngọc Tư?
Tôi đã đọc Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài từ hơn 20 năm trước. Đó là những bông hoa lạ của văn chương Việt Nam. Nhưng chưa bao giờ muốn giống họ, tôi có con đường riêng của mình. Con gái tôi năm nay 14 tuổi thích đọc truyện của Nguyễn Ngọc Tư và chẳng bao giờ đọc truyện ba nó viết. Điều này làm tôi thú vị vì thấy con cá tính, không nịnh ba và độc lập trong thưởng thức văn chương. Tôi thích như vậy, sáng tác hay thưởng thức văn chương phải độc lập, không a dua, không bị quảng cáo tuyên truyền chi phối nhận thức của mình.
Anh cũng nói “không thích loại văn chương cố làm ra vẻ mới bằng cách đảo lộn hình thức, đảo lộn những giá trị. Thích văn chương được triển khai như những lập luận triết học: có nêu, có chứng minh, có kết và để lại suy nghĩ ưu tư cho người đọc”. Như thế anh định mãi trung thành với phong cách luận đề?
Có lẽ tôi không có khả năng viết khác những gì mình đã, đang và sẽ viết.
Thế gian biến cải- người vẫn thế
Năm 1991, báo Văn Nghệ có cuộc thi truyện ngắn sôi nổi với những giải thưởng đáng nhớ của Hòa Vang, Nguyễn Quang Thân, Vũ Bão. Các kỳ thi sau không được như thế. Còn nhớ khi báo in chùm dự thi của Lại Văn Long: Kẻ sát nhân lương thiện, Thế gian biến cải, Chuyện kể từ thung lũng, tôi sang báo Văn Nghệ chơi thấy nhà văn Hoàng Minh Tường- thành viên ban sơ khảo thì phải, phán như đinh đóng cột: “Giải Nhất đây rồi!” dù cuộc thi còn lâu mới đến hồi kết thúc. Hai năm sau vào TPHCM biệt phái, tôi nghe lời nhà báo Xuân Ba tìm gặp Long “đời nó lạ lắm, nhờ Huỳnh Bá Thành mà thay đổi hoàn toàn”. Gặp rồi chả viết được chữ nào, vả lại người ta khai thác Long đã cạn kiệt. Cả hai cùng rỗi rãi, tuổi chênh không nhiều nên thỉnh thoảng đi ăn trưa. Tôi thấy Lại Văn Long là con người hồn nhiên nhất, thích món cà-ri bò là bữa nào cũng gọi cà-ri bò, tâm đắc chủ đề gì- nói hoài. Đề tài ưa thích của Long hồi ấy là báo Công An và Jean Paul Satre. Báo Công An (thành phố Hồ Chí Minh) đem lại cho Long nhiều thứ, anh yêu là phải. Hòm thư tòa soạn to bằng cái tủ, xe phát hành báo to như cái nhà chạy trên đường sướng cả mắt. Cán bộ phóng viên mua nhà mua xe, báo đều hỗ trợ cho vay, như Long mua được nhà và chiếc DD đỏ nhờ khoản tạm ứng của cơ quan. Một hôm, phóng viên trẻ Long- vốn chơi đủ loại đề tài- viết về nạn trộm cắp phụ tùng xe máy. Thế là ngay hôm sau chiếc DD đỏ dựng tít trong sân bị lột hết phụ tùng, mục đích dằn mặt kẻ viết bài! Trộm thế mới là trộm! Cần biết báo Công An không đơn giản, thứ hai nào cũng chào cờ. Sáng sáng tổng biên tập Huỳnh Bá Thành sải gót kiểm tra độ bóng-sạch của sàn đá hoa. Hút thuốc lá, đi họp muộn đều phạt tiền. Nhưng tôi ấn tượng nhất chuyện: Phóng viên có nghĩa vụ làm từ thiện như viết bài. Trong khi tác nghiệp thì kết hợp phát hiện hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ bằng tiền của báo hoặc kêu gọi nhà hảo tâm. Phong cách viết điều tra, phóng sự, chuyện vụ án của Lại Văn Long đáng để phóng viên trẻ học hỏi. Không bao giờ có những cụm từ, cách miêu tả sáo rỗng kiểu “qua đấu tranh khai thác, tên X đã phải cúi đầu nhận tội”, “đây là bài học cho những kẻ”… Ngoài dữ liệu, tình tiết, “án tại hồ sơ”, anh để cho những tên tội phạm lên tiếng, người cán bộ điều tra lên tiếng với ngôn ngữ- tình huống của họ, thành ra đọc bài rất sinh động, có khi như một đoạn phim, một câu chuyện đời đầy dư vị. Sinh động đến mức tôi hy vọng anh không pha chế vào đó sở trường sáng tác- tôi nói với Long thế. Viết về những văn nghệ sĩ được coi là có vấn đề, Lại Văn Long tỏ một thái độ không khoan nhượng. Tôi thường trêu “Mao-ít vừa thôi ông ơi, ông là nhà văn cơ mà”. Khi tôi phản biện anh về những suy nghĩ có phần đơn giản, Long cãi rằng vì anh coi trọng nhất sự ổn định. “Không ổn định thì bọn mình chết trước”. Nhưng anh thừa nhận vẫn chung chiêng trong tư tưởng, nên không dễ có tác phẩm lớn. Thế gian biến cải - tên một truyện ngắn của Lại Văn Long. Trải bao thăng trầm tôi vẫn thấy Lại Văn Long giữ nét hồn nhiên như ngày nào. Gần đây nghe tôi phàn nàn, chẳng hạn về bê bối ở địa phương mình sinh sống- một phường thuộc quận Hai Bà Trưng, Long tỏ ra ngạc nhiên lắm: “Trong này ổn hơn nhiều, chính quyền ngày càng vì dân hơn”. Nếu đúng vậy, mừng cho công dân Đà Lạt ngụ cư Lại Văn Long và người dân “thành phố trẻ”. |