Dân Thủ đô lâu nay vẫn biết đến bãi "tắm tiên" ở sông Hồng, nơi cánh đàn ông rủ nhau khỏa thân lao mình xuống dòng nước, thỏa thích vẫy vùng. Chỉ cần đi ra giữa cầu Long Biên sẽ nhìn thấy một lối đi qua vườn chuối rộng dẫn đến bãi tắm này. Tắm tiên với họ vừa là cách thư giãn, cởi bỏ mọi ràng buộc để tự do hòa mình cùng sông nước, vừa là thể dục thể thao. Vì thế vào những ngày hè, ngày nóng, bãi tắm tiên thường khá đông người.
Và ngay cả trong những ngày đông tháng giá, điểm "tắm tiên" này vẫn không hề bị "bỏ hoang", tuy không đông đúc như trước. Có những ngày Hà Nội lạnh 9-10 độ C, vẫn có những tốp đàn ông rủ nhau ra đây tắm táp.
Họ thường đến vào lúc 15-16h, mỗi nhóm vài ba người. Trước khi nhảy xuống nước, họ chạy mấy vòng trên bờ để khởi động, làm nóng người. Một số người nhóm sẵn lửa để sưởi ấm sau khi rời mặt nước.
Theo ghi nhận của PV Kiến Thức, không chỉ thanh niên mới đến bãi tắm tiên sông Hồng trong ngày lạnh, mà có không ít người trung tuổi, thậm chí lớn tuổi. Họ là những người bơi lội giỏi và có nhiều kinh nghiệm "trận mạc" ở đây, luôn mang theo đầy đủ kính bơi, mũ bơi....
"Tắm tiên rất tốt cho sức khỏe”, hầu hết những người đến đây tắm đều khẳng định như vậy. Họ coi việc vẫy vùng trong làn nước giá lạnh là rèn luyện cho cơ thể thêm cường tráng, có khả năng thích nghi với mọi điều kiện môi trường.
Tuy nhiên, trao đổi với Kiến Thức, bác sĩ Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho biết "tắm tiên" trong những ngày giá rét là hành động khá nguy hiểm.
“Tắm tiên, tức tắm ngoài trời thay vì trong một nhà tắm kín đáo, rất dễ khiến con người ta bị cảm lạnh, đặc biệt vào mùa lạnh. Khi tắm tiên, chúng ta để cho nhiệt độ cơ thể thoát ra ngoài quá nhanh và quá dễ, dẫn đến nguy cơ phát triển các bệnh lý mãn tính như viêm phổi, bệnh tim mạch và thậm chí là biến chứng đột quỵ não", bác sĩ Chính nói.
Để tránh những hiểm họa trên, bác sĩ Chính khuyên nên ngừng "tắm tiên" trong mùa rét. Nên ắm nước ấm, trong nhà tắm kín hay được quây kín.
Theo Mạnh Hưng