Phân trường Mỏ Nước thuộc trường Tiểu học số 2 Văn Lăng chỉ có một lớp học với 4 học sinh. Năm cô, trò vẫn ngày ngày dạy, học bất chấp gió rét, tai nạn rình rập trong phòng học đã hư hỏng trầm trọng.
Nằm trên địa phận xã Văn Lăng (Đồng Hỷ, Thái Nguyên), phân trường Mỏ Nước chỉ có duy nhất một lớp học. Bốn học sinh gồm 2 nam, 2 nữ đều là con em người H'Mông tại xóm Mỏ Nước.
Tròn 24 tuổi, cô giáo Lường Thị Kim Oanh đã 3 năm liền dạy ở phân trường này, cô cũng là chủ nhiệm lớp 2D hiện nay tại phân trường Mỏ Nước.
Nếu không có bảng viết, bàn ghế khó có thể hình dung căn nhà gỗ ghép trống huếch, xiêu vẹo này lại là phòng học của cô, trò phân trường Mỏ Nước. Đã nhiều năm qua, giáo viên cùng học sinh ở đây phải cắn răng dạy, học trong cái rét thấu xương của mùa đông vùng núi.
Phân trường Mỏ Nước nằm trên sườn núi với phòng học đơn sơ bằng gỗ ghép đã xuống cấp trầm trọng.
Vách, mái hỏng, vỡ trống huếch hoác không những không ngăn nổi gió rét mà còn có thể rơi, sập bất kỳ lúc nào.
Lớp 2D duy nhất của phân trường chỉ có 4 học sinh người H' Mông ở xóm Mỏ Nước.
Phòng học không thể che chắn được những cơn gió rét thấu xương vùng núi.
Chủ nhiệm lớp là cô giáo Lường Thị Kim Oanh. Đã 3 năm dạy ở phân trường Mỏ Nước, do con còn nhỏ, cô Oanh hàng ngày phải đi dạy bằng xe máy hơn 40 km đi, về trên đoạn đường toàn đá hộc dốc, đèo.
Dù cái lạnh miền núi như cắt da thịt nhưng cô, trò vẫn duy trì lớp học đều đặn suốt mùa đông.
Là một trong những thôn bản khó khăn nhất của tỉnh Thái Nguyên nên không phải em nhỏ nào cũng có được đôi tất chống rét.
Giờ ra chơi của học sinh phân trường Mỏ Nước.
Trò chơi yêu thích của những học trò H' Mông xóm Mỏ Nước.
Chiếc bàn học được kê nép vào bức vách gỗ còn tương đối nguyên vẹn không bớt được nhiều những cơn gió rét mùa đông.
Giờ học được bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 11 giờ trưa.
Cũng 11 giờ trưa, cô giáo oanh vượt đoạn đường hơn 20 km về nhà ở thị trấn Sông Cầu. Do toàn đường đất đá khó đi nên cô Oanh không nhớ đã ngã xe bao nhiêu lần suốt 3 năm qua.
Theo Lê Anh Dũng
Theo VietNamNet