Ka Lăng ngang trời

Ka Lăng ngang trời
TP - Phải căng mắt mới ngó thấy phía bên trái chót mỏm trên cùng của bản đồ Tổ Quốc có một chấm xanh bé xíu. Đó là Ka Lăng của huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu. Ka Lăng thăm thẳm diệu vợi xa ngái… Từ tỉnh lyLai Châu, xe cứ ngang và ngược mãi lên hơn 300 km  qua những thăm thẳm trập trùng của Mường Tè diện tích gần gấp 8 lần tỉnh Thái Bình thì chạm mặt với  Ka Lăng.

Nơi thượng nguồn sông Đà

Tôi cúi xuống bãi sỏi của chân thác Kẻng Mỏ nhặt một viên cuội bé mỏng trơn nhẵn bỏ vào túi để đánh dấu cái thời điểm được mắn đặt chân đến cột mốc 18 của biên giới cực Tây Tổ Quốc.

Lòng thầm biết ơn anh bạn Như Phong. Nhờ bám theo nhóm công tác xã hội của ngành dầu khí do Như Phong phụ trách mà tôi đến được Ka Lăng. Và đã 4 lần Như Phong đưa tôi về  Lai Châu về Mường Tè cả cái dịp Mường Tè tách huyện mới Mường Nhé. Mường Tè là địa danh quen thuộc của Như Phong từ thuở Phong đang là phóng viên báo Công an chân đất cuốc bộ khắp cái huyện miền rừng mênh mang.

Tôi lạ lẫm ngó mãi  dòng chảy lờ đờ màu nước hến của dòng suối Nậm Là đang nhịp hòa với sắc nước sông Đà trong xanh. Ngã ba thủy biên giới là đây. Nậm Là chính là đường phân định biên giới với Trung Quốc ở xã Ka Lăng. Từ Kẻng Mỏ đảo mắt sang cái tán xanh kia đã là đất của huyện Giang Thành Quảng Tây nước bạn. Bên tôi là  Trưởng trạm Biên phòng Kẻng Mỏ giải thích thêm, mùa kiệt ngó lờ đờ thế nhưng mùa mưa lũ,  Kẻng Mỏ chồm lên ở đoạn thượng nguồn sông Đà này dữ dội lắm. Đồn Biên phòng Ka Lăng được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới Việt Nam - Trung Quốc dài 28,642 km có bốn mốc (18, 34, 35, 36). Địa bàn phụ trách của Ka Lăng gồm xã Tá Bạ, xã Ka Lăng của huyện Mường Tè.  Trên địa bàn hai xã có dân tộc Hà Nhì, dân tộc La Hủ sinh sống, đời sống đồng bào còn vất vả lắm. Tỷ lệ hộ nghèo khá lớn.

Ka Lăng ngang trời ảnh 1

Mây trên đỉnh Ka Lăng

Chuyện với Trưởng trạm đồn Biên phòng Kẻng Mỏ thượng úy Phạm Quốc Thắng khá thú vị. Vui thì vui nhưng cũng lắm cái giật mình. Ngoài sự quan tâm chăm sóc của Nhà nước,  thiện tâm của đồng bào cả nước với vùng biên cương hải đảo cho được cái gì quý thứ ấy nhưng  nhà báo có biết anh em các đồn biên phòng trên Mường Tè quý nhất thứ gì không? Đó là những chiếc xe Win cơ động ở địa bàn trên này rất đắc dụng. Bởi địa hình rừng núi chia cắt, đường giao thông độc đạo đi lại khó khăn và thường xuyên bị sạt lở vào mùa mưa lũ. Cũng có ý đợi vì nhiều lần thẳng tuột ra với nhiều đơn vị tài trợ lên đây thân mật gợi ý rằng cần thứ gì cụ thể hữu hiệu nhất thì cứ đề nghị. Thì thẳng thắn có được chiếc xe Win là nhất! Nhưng mãi vẫn chưa thấy gì! Anh em hầu hết đều phải dành dụm hoặc vay mượn để sắm cái xe làm phương tiện để đeo bám địa bàn công tác.

 Ngã ba đường thủy biên cương. Lạ lẫm sắc nước Nậm Là. Lạ cả cái cột mốc phía bên kia suối. Bên mình thì chĩnh chiện bề thế vuông vức cột mốc đá hoa cương. Còn bên phía bạn cột mốc  xi măng nho nhỏ lẫn với rậm rì lau cỏ. Cứ như là tạm bợ? Chịu chả biết thể nào? Tôi biết nhiệm vụ của cán bộ chiến sĩ đồn Ka Lăng khá nặng nề. Tình cờ, tôi tìm thấy trong bản báo cáo tổng kết công tác Đồn Biên phòng Ka Lăng năm 2014 có cụm từ để gọi một nhiệm vụ, một công tác gian khó của đồn là công tác quản lý bảo vệ biên giới. Trong đó có mục tăng cường công tác đối ngoại Biên phòng, phải thực hiện tốt phương châm vừa hợp tác vừa đấu tranh có lý có tình!

Chợt nhớ tháng 12 năm 2014, trong cuộc gặp tiếp xúc với cử tri Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn, về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, ta phải hội nhập để phát triển, vừa hội nhập vừa hợp tác đấu tranh để có hòa bình hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, thú vị? Trên dưới gặp nhau quân với quan một ý chí? Trong câu chuyện đêm qua với  Thượng tá Nguyễn Tiến Ngọc, Trưởng đồn Biên phòng Ka Lăng tôi được biết thêm có lắm chuyện cụ thể sinh động của cán bộ chiến sĩ đồn Ka Lăng đã làm sinh sắc thêm khái niệm vừa hợp tác vừa đấu tranh ấy. Như là minh họa thêm cho phẩm chất kiên cường bám trụ một tấc không đi một ly không rời quyết bám trụ giữ gìn lãnh địa chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc cũng như trình độ đối ngoại khá là phong phú uyển chuyển cương nhu hợp lý của các chiến sĩ đồn biên phòng. Trong đó có chuyện các chiến sĩ của đồn đã nhiều ngày nhẫn nại nhưng kiên quyết ngăn chặn một vụ doanh nghiệp bên phía bạn, không biết vô tình hay hữu ý đã cho thi công kè bờ suối đổ đất đá ảnh hưởng đến dòng chảy của dòng Nậm La!

Ka Lăng ngang trời ảnh 2

Tác giả và cán bộ chiến sỹ biên phòng bên cột mốc 18 Kẻng Mỏ Ka Lăng

Hơn 40 cán bộ chiến sỹ quân của Đồn Ka Lăng, riêng hoàn cảnh mỗi người dường như hợp sức nên một cuốn sách hấp dẫn nhưng phải coi, phải lật giở và đọc từ từ… Nội nhiều đôi vợ chồng, chồng người Hà Nhì, La Hủ kết duyên với gái Hà Nam, Thái Bình hay người vùng xuôi trên này là việc thường là chuyện phổ biến lâu nay. Buổi trưa dừng lại nghỉ bên con dốc lên Ka Lăng có trạm Biên phòng, tôi ngồi chuyện lâu với đại úy Sỳ Khù Hử người Hà Nhì. Sỳ Khù Hử có vợ quê gốc Thái Bình huyện Kiến Xương. Thế hệ Dung vợ Hử dường như là thế hệ Thái Bình thế hệ miền xuôi thứ hai ở Mường Tè. Bố Dung là cán bộ mậu dịch. Mẹ là giáo viên. Cũng cùng quê Thái Bình lên Mường Tè thuở theo tiếng gọi tuổi trẻ lên Miền Tây Tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy/Thì xa xôi gấp mấy cũng lên đường.

Gặp lại xạ thủ Khoàng Phu Cà

Quen cái thói sinh hoạt khép kín, trằn trọc mãi tầm 1 giờ sáng tôi ngại ngần ngó ra khoảng sân đen kịt. Ka Lăng chưa có điện lưới. Đồn phải dùng máy nổ quá 10 giờ phải tắt.

Phải băng qua khoảng đêm mịt mùng kia mới tới khu vệ sinh. Đương mò mẫm lò dò bất đồ lạnh cả người khi những âm thanh hực hực dồn dập. Đã có chút kinh nghiệm tôi thụp ngay xuống. Phải cỡ vài chục chú cẩu chứ không ít! Không sủa mà hực hực lao ra ngay không nhanh thụp người xuống thì chân cẳng có mà đi đứt. Thoáng nhanh giống cẩu rách mạn ngược hung hăng thế thôi chứ cẩu nghiệp vụ biên phòng mà lao ra thì miễn bàn. Bị vây giữa bầy cẩu cùng âm thanh chói gắt của các cung bậc tru sủa mãi một lúc mới có tiếng gắt đanh của anh lính gác từ cổng chạy vào. Bầy chó tản ra nhanh nhưng có mấy con cứ táo tợn lao vào. Vậy nên mọi phản xạ bài tiết chợt bay biến đâu mất?

Có tiếng kẹt cửa. Một cái dáng quen quen cùng chất giọng thủng thẳng… Khoàng Phu Cà! Chợt nhớ hồi chiều đồn Ka Lăng có một vị khách quen. Đó là Khoàng Phu Cà.

Số là trên đường lên Ka Lăng, Nguyễn Như Phong có điện thoại dặn trước đồn trưởng Nguyễn Tiến Ngọc Ka Lăng bố trí cho gặp một người quen từ ba chục năm trước khi Phong hoạt động ở địa bàn này!

Vừa gặp thấy Phong, người ấy ôm chặt vẻ thân thương. Mãi một lúc, tôi mới nhận ra người khách dong dỏng tóc muối tiêu chính chiện trong sắc phục biên phòng có những nét quen quen…

Trụ sở Trung ương Đoàn 60 phố Bà Triệu đầu năm 1982 có một cuộc gặp giữa Ban Bí thư Trung ương Đoàn với các chiến sĩ Biên phòng đã lập công xuất sắc trong các cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương phía Bắc. Lần đó tôi may mắn gặp được Đồn trưởng Đồn Biên phòng 311 Pác Ma - Đại úy Khoàng Phu Cà.

Bao năm gặp lại những chiến công một thuở một thời tao loạn giữ mảnh đất biên cương có thể nhạt nhòa trong trí nhớ? Dẫu yên hàn đã lâu nhưng vẫn ấn tượng những ai từng gặp Khoàng Phu Cà.

Ấy là cái tài bắn súng. Nghe Như Phong tả lại, không biết thực hư ra sao những là hai tay hai khẩu K54 vẩy phát nào trúng phát đó. Những là không cần ngắm vẫn bắn trúng cái đầu rắn ráo cách xa hàng chục thước vv… Nghe mà mê! Nhưng chiến công bắn tỉa của Khoàng Phu Cà ở đồn Pác Ma Mường Tè năm tao loạn ấy đã được kiểm chứng qua bản báo cáo thành tích tại trụ sở của Trung ương Đoàn.

Ngủ lại hơi bị khó… Khoàng Phu Cà kéo tôi vào căn phòng của đồng chí Phó đồn. Anh em đồn thường nhường giường mỗi khi đồn có khách. Chả phải hạp nhau vì cả hai đều thạo khoản thuốc lào. Bởi chuyện cứ nối chuyện xuyên đêm lạnh Ka Lăng.

Ông Cà quê không phải Ka Lăng mà xã khác. Mù Cả gần với Trạm biên phòng Kẻng Mỏ. Ấn tượng sâu đậm tuổi thơ của cậu bé người Hà Nhì Khoàng Phu Cà là hình ảnh tất tả của thày giáo Nguyễn Văn Bôn từ vùng xuôi Hải Phòng lên dạy học ở xã Mù Cả. Thời ấy Mường Tè hoang vu. Bản Xi Nế của Cà nghèo xác xơ. Thày giáo Bôn phải nhịn đói đi hàng chục cây số gom học trò về lớp học dạy chữ. Rồi trong đám học trò thày giáo Bôn, Cà được chọn về tận tỉnh ly Lai Châu ở ký túc xá học tập trung na ná như trường nội trú bây giờ. Khi thày giáo Nguyễn Văn Bôn được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thì trong đám học trò của thày Bôn, Khoàng Phu Cà đã lớn nhổng. Thày Bôn chuyển về xuôi thì Cà đã trở thành chiến sĩ công an vũ trang.

Ka Lăng ngang trời ảnh 3 Ông Khoàng Phu Cà
Trình độ văn hóa của chiến sĩ công an vũ trang Khoàng Phu Cà nhỉnh hơn so với trang lứa anh em chiến sĩ người Hà Nhì nên Cà được cử đi học lớp điện ảnh của Bộ Tư lệnh công an vũ trang mở. Gọi là điện ảnh cho oách mà nhiệm vụ chủ yếu là học thuộc việc chiếu phim, thuyết minh kiêm luôn vận hành máy nổ. Kỷ niệm nhớ đời của Cà là lớp học điện ảnh hồi ấy ở gần đài phát sóng Phùng Khoang Mễ Trì. Trận B52 khủng khiếp cuối năm 1972 giáng vào đúng lớp học. May mà anh em thoát cả. Sau B52, khóa học vẫn diễn ra. Rồi tốt nghiệp, ra trường… Đội chiếu phim của Cà đã lặn lội khắp vùng cao Mường Tè, Lai Châu để lại nhiều dấu ấn mến thương cho nhiều cán bộ chiến sỹ công an vũ trang và bà con dân tộc.

Rồi Cà được cử đi học trường sĩ quan Biên phòng hệ chỉ huy tận Sơn Tây. Tốt nghiệp Cà về làm chính trị viên rồi đồn trưởng Pác Ma. Đồn Biên phòng Pác Ma do Đại úy Khoàng Phu Cà là đồn trưởng, làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương của một vùng rộng lớn gồm các xã Mù Cả, Ka Lăng, Thu Lũm, Pa Vệ Sủ, Pa Ủ. Diện tích của các xã ấy nếu cộng lại thì cũng phải bằng 2 lần tỉnh Bắc Ninh. Sau năm 1979, Khoàng Phu Cà vẫn vững vàng ở cương vị trưởng đồn.

Tò mò thêm chuyện tài bắn súng của ông cựu đồn trưởng biên phòng.  Ông Cà cười lâu rồi hồi còn thanh niên mà. Tài bắn súng của binh nhì Khoàng Phu Cà nổi tiếng không những khắp Điện Biên Lai Châu mà lan cả khắp Bộ Tư lệnh công an vũ trang. Được lựa chọn cử đi những đợt hội thao, hội diễn là bình thường. Sau đó Cà được chọn đi thi ở nước ngoài do đích thân chuyên gia Liên Xô phụ trách rèn cặp.

Cà được huấn luyện bài bản lắm. Những là luyện tay, luyện mắt cùng hàng chục món thể lực khác phối hợp nhằm tăng độ thiện xạ. Và tại trung tâm huyến luyện đã xảy ra một trục trặc. Trục trặc ấy là ở khâu luyện tay. Chuyên gia bắt buộc mỗi xạ thủ phải buộc dây vào viên gạch nặng treo ở cổ tay ý chừng để luyện gân luyện cốt gì đó. Vốn tính bộc trực, Cà không đồng ý cái tay cầm súng không run là do cái gân… trời sinh ra cho mỗi người! Ai may thì người đó được nên mới có chuyện người bắn giỏi người bắn kém!

Nghe vậy, ông thày người Liên Xô cáu. Ông thẳng thừng nói Cà không chấp hành kỷ luật huấn luyện đề nghị trả về đơn vị cũ. Không vui cũng chả buồn, Cà lẳng lặng chấp hành. Và về đơn vị, Cà vẫn là tay thiện xạ nổi danh.

…Vớ lấy cái điếu ục, ông Cà nạp một mồi thuốc mới nhưng cứ cầm mãi ngọn đóm. Chất giọng vẫn rủ rỉ cố hữu nhưng có âm sắc phấn chấn. Ấy là khi ông nói lướt gia cảnh. Ông Cà nếp tẻ đủ cả. Cô con gái út Khoàng Gió O đã lấy chồng. Hiện là giáo viên trường PTCS bên xã Tà Tổng. Anh con trai  Khoàng Thanh Bình nối nghiệp bố hiện là trung úy Đồn Biên phòng  Pa Vệ Sủ.

Pa Vệ Sủ cũng là điểm cực Tây cheo leo của huyện Mường Tè gần với Ka Lăng. Tôi chưa được đặt chân đến nhưng mấy bận lướt mạng rất ấn tượng với những hình ảnh dân phượt  từng cất công lên trên đó từng tung lên. Pa Vệ Sủ là địa danh có ngọn Pu Si Lung hiểm trở cao trên 3.000 thước cao nhất Lai Châu. Ông Cà nói con trai mình và đồng đội đồn biên phòng Pa Vệ Sủ ngày đêm canh giữ khu vực biên giới trong đó có xã Pa Vệ Sủ rộng tới 244 cây số vuông nhưng chỉ có 1.552 người dân có cột mốc 42 trên đỉnh Pu Si Lung thiêng liêng cách Thủ đô Hà Nội hơn 700 cây số.

Có vẻ việc ông Cà đã đúng khi dám cự cãi ông chuyên gia huấn luyện bắn súng ngắn là cái gân trời cho ai thì người ấy được?! Cậu con trai Khoàng Thanh Bình, ông có khổ luyện gì cho nó đâu? Thế mà lại nảy ra cái tài bắn súng? Ông Cà cười hắn dùng súng ngắn, AK đều thạo. Có chuyện vui là mấy lần hội thao của đồn, mục thi bắn súng, người ta điền sẵn tên hắn vào chức vô địch.

Hồi chiều tôi có ngồi với một người khách của đồn Ka Lăng. Khách nhưng lâu nay cũng là người nhà của đồn. Đó là đại úy Phan Văn Hóa, Trưởng đồn Biên phòng Mù Cả. Thì ra đại úy Hóa đưa Khoàng Phu Cà về chơi Ka Lăng. Anh Hóa kết ông Cà lắm. Anh Hóa tấm tắc, tuổi ông Cà đã gần 70, nhưng có việc lớn, việc bé gì trong công tác vận động quần chúng giữ gìn, bảo vệ biên cương Tổ quốc thì ông Cà vẫn xắn tay áo cùng với anh em biên phòng.

MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.