Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. (Ảnh: Reuters) |
Hai nước đã chỉ trích nhau nặng nề sau khi Israel chiếm đóng lãnh thổ của Palestine và Ankara hậu thuẫn lực lượng Hồi giáo Hamas để quản lý dải Gaza. Quan hệ song phương xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2018, khi hai nước trục xuất đại sứ của nhau.
Những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hàn gắn với Trung Đông đã dẫn đến việc Tổng thống Tayyip Erdogan đưa ra thông báo vào tháng 1 rằng ông đã mời Tổng thống Israel Isaac Herzog đến hội đàm vào ngày mai, để hai bên tìm ra các biện pháp hợp tác.
Dù ông Herzog chỉ giữ vai trò biểu tượng và bất kỳ bước đi thực chất nào cũng cần sự đồng ý của Thủ tướng Naftali Bennett, chuyến thăm của Tổng thống Israel đánh dấu sự tan băng trong quan hệ hai nước.
Chuyến thăm gần đây nhất của một tổng thống Israel đến Thổ Nhĩ Kỳ là vào năm 2007. Hai ông Erdogan và Bennett có cuộc điện đàm vào tháng 11 năm ngoái, lần đầu tiên sau nhiều năm.
Ông Erdogan cho biết chuyến thăm lần này sẽ mở ra một “kỷ nguyên mới” để hai nước phối hợp vận chuyển khí gas sang châu Âu, làm sống lại ý tưởng được nêu lần đầu tiên cách đây hơn 20 năm.
Giám đốc công ty Israel đang khai thác khí từ một giếng khổng lồ ở Trung Đông cho biết công ty của ông có thể cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu có hạ tầng, dù không nhắc đến ý tưởng tham vọng hơn của ông Erdogan về việc cung cấp cho châu Âu.
“Quan điểm của chúng tôi luôn rõ ràng. Nếu bạn muốn gas, rất tuyệt. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp. Các bạn xây đường ống và chúng tôi sẽ bơm gas”, ông Yossi Abu, giám đốc điều hành của NewMed Energy nói tại một diễn đàn của các nhà đầu tư cách đây 2 tuần.
Nguồn cung khí đốt từ Địa Trung Hải có thể giảm bớt sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga. Kế hoạch làm một đường ống dưới biển từ phía đông Địa Trung Hải đến châu Âu, bỏ qua Thổ Nhĩ Kỳ, bị đình trệ sau khi Mỹ bày tỏ nghi ngờ.
Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu hầu hết năng lượng cần dùng, nhưng gần đây thông báo phát hiện một mỏ khí trữ lượng 540 tỷ mét khối trên Biển Đen và hy vọng có thể bắt đầu khai thác từ năm sau.