Israel tấn công dồn dập, hai triệu dân Dải Gaza không có nơi nào thoát thân

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hầu hết trong số 2,3 triệu người sống trên Dải Gaza đang trải qua tình trạng không điện không nước. Và với hàng trăm cuộc không kích của Israel vào dải đất hẹp, họ không có nơi nào để chạy.
Israel tấn công dồn dập, hai triệu dân Dải Gaza không có nơi nào thoát thân ảnh 1

Cảnh tượng đổ nát ở miền nam Dải Gaza sau các cuộc tấn công của Israel. (Ảnh: Reuters)

Lãnh thổ của người Palestine, một trong những nơi chật chội nhất trên Trái đất, bị tấn công liên tục từ hôm 7/10, khiến hơn 1.000 người thiệt mạng, các quan chức y tế ở Dải Gaza cho biết.

Vốn đã hoạt động chập chờn, trạm điện duy nhất của Dải Gaza dừng chạy từ hôm 11/10 vì hết nhiên liệu. Không có điện nước, người dân ở Dải Gaza sống hoàn toàn trong bóng tối khi màn đêm buông xuống, chỉ còn ánh sáng từ những quả cầu lửa và đèn flash từ điện thoại.

“Tôi đã sống qua tất cả những cuộc chiến và xâm nhập trước đây, nhưng tôi chưa từng chứng kiến điều tồi tệ hơn như thế này”, Yamen Hamad, 35 tuổi, cho biết.

Nhà của người đàn ông 4 con đã bị san phẳng trong các cuộc tấn công của Israel vào thị trấn Beit Hanoun ở phía nam Dải Gaza.

Tại bệnh viện Khan Younis cũng ở miền nam Dải Gaza, nhiều người thân xếp hàng chờ bên ngoài nhà xác quá tải, nơi các thi thể bị xếp trên sàn nhà vì phòng lạnh đã đầy hoặc thiếu điện.

Họ đành từ bỏ những người thân yêu một cách chóng vánh trước khi cái nóng trái mùa ập đến. Họ nói lời cuối cùng ngắn gọn với các thi thể, cầu nguyện cho linh hồn được yên nghỉ trước khi khiêng đến nghĩa trang gần đó

Reuters cho biết đã phỏng vấn hơn 30 người ở Dải Gaza và hầu hết đều đồng tình với quan điểm của Hamad. Họ mô tả một bức tranh kinh hoàng và tuyệt vọng trước tình hình bạo lực tồi tệ nhất mà họ từng chứng kiến. Biên giới duy nhất còn lại của dải đất là phần giáp với Ai Cập đã bị chính quyền Ai Cập phong tỏa, khiến những người dân ở Dải Gaza rơi vào tình cảnh mắc kẹt.

Họ lo ngại điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến, bao gồm nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công trên bộ, khi Israel tiếp tục trả thù vụ tấn công đẫm máu nhất của Hamas trong lịch sử 75 năm của đất nước. Trong cuộc đột kích bất ngờ ngày 7/10, các chiến binh Hamas giết chết hàng trăm người Israel, bắt hàng chục người khác làm con tin.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố sẽ tăng cường chiến dịch quân sự vào Dải Gaza. Ngày 11/10, ông tuyên bố Israel sẽ xóa sổ Hamas “khỏi bề mặt Trái đất”.

Beit Hanoun, nơi nằm gần biên giới với Israel, là một trong những khu vực đầu tiên bị tấn công khi Israel triển khai chiến dịch trả đũa. Ở đây, với nhiều con đường và tòa nhà bị phá hủy, khiến hàng nghìn người không còn chỗ ở.

Ala al-Kafarneh không còn lối thoát. Người đàn ông 31 tuổi cho biết anh đã trốn khỏi thị trấn này từ cuối tuần trước cùng với người vợ đang mang thai, cha, anh em, anh chị em họ và gia đình. Họ lái xe đến trại tị nạn bên bờ biển, nơi họ hy vọng sẽ an toàn hơn, nhưng các cuộc không kích cũng bắt đầu nhắm vào khu vực đó nên họ phải chuyển đến Sheikh Radwan, một huyện khác sâu hơn về phía đông.

Ngày 10/10, một cuộc không kích đã tấn công tòa nhà nơi Kafarneh và gia đình anh đang trú ẩn, khiến tất cả thiệt mạng ngoại trừ Kafarneh.

Kafarneh đang ngồi trên vỉa hè gần hàng trăm người khác ở khu đất trống cạnh bệnh viện, nơi anh đang phải điều trị vết thương. Những người ở đó nói rằng họ hy vọng ở gần bệnh viện có thể giúp họ tránh các cuộc bắn phá.

“Bây giờ tôi thành người vô gia cư. Có lẽ ở đây an toàn. Có thể không. Có vẻ không nơi nào an toàn", Youssef Dayer, 45 tuổi, cho biết khi đang ngồi trên nền đất gần bệnh viện.

Một số người ở bên ngoài bệnh viện mang theo chăn hoặc dải bìa cứng để ngủ, một số khác nằm luôn xuống nền đất. Theo Liên Hợp Quốc, hơn 175.000 người ở Dải Gaza đã rời bỏ nhà cửa kể từ hôm 7/10.

Một số cơ quan viện trợ ở Dải Gaza cho biết, điều kiện ở Dải Gaza hiện nay đang trong tình trạng tồi tệ nhất mà họ có thể nhớ được, kể cả so với những đợt xung đột lặp đi lặp lại và 16 năm bị Israel phong tỏa kể từ khi Hamas lên nắm quyền năm 2007, sau một cuộc nội chiến ngắn ngủi với lực lượng trung thành với phe Fatah của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.

Tại một bệnh viện khác, bác sĩ Mohammad Abu Mughaseeb của tổ chức Bác sĩ không biên giới, cho biết nguồn cung cấp y tế đã thiếu trong nhiều năm. Cuộc bao vây gia tăng của Israel càng khiến nguồn dự trữ cạn kiệt nhanh chóng, có thể sau vài tuần nữa.

“Nếu mọi chuyện tiếp diễn như thế này trong vài ngày nữa thì hệ thống y tế sẽ sụp đổ”, ông Mughaseeb cho biết khi đang phải ngủ trong bệnh viện vì nhà riêng của ông đã bị phá hỏng trong một đợt tấn công.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG