Người đứng đầu Chính phủ hôm qua đã chỉ đạo, phải tiêm vắc-xin ngay trong tuần này khi lô vắc-xin 117 nghìn liều vừa cập bến được thẩm định chất lượng xong. Vài ngày nữa, hy vọng các đối tượng ưu tiên như nhân viên y tế đang làm việc tại cơ sở điều trị bệnh nhân, lực lượng biên phòng tại các chốt, công an làm nhiệm vụ, các tổ cộng đồng tham gia phòng chống dịch, các phóng viên tác nghiệp tại khu vực có dịch… sẽ được tiêm những mũi đầu tiên này.
Những thông tin tích cực đó cho phép chúng tôi tin tưởng một cuộc sống bình thường sẽ sớm trở lại. Thế nhưng, vẫn phải nhìn vào thực tế, con số 117.600 liều vắc-xin vừa đáp sân bay Tân Sơn Nhất vào cuối tháng 2, so với 18,3 triệu người thuộc 11 nhóm ưu tiên tiêm vắc-xin COVID-19, theo thống kê của Bộ Y tế, quả là như muối bỏ bể.
“Chiếc bánh vắc-xin” hiếm hoi và bé nhỏ đó, chia sao cho công bằng, nhưng vẫn phải đáp ứng đúng đối tượng ưu tiên, cần đủ liều lượng để vắc-xin phát huy hiệu lực, cần sự phối hợp từ nhiều ban ngành, tổ chức và ý thức của từng cá nhân, cơ quan, đơn vị. Theo lời Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, do nguồn vắc-xin không đầy đủ ngay một lúc, nên việc tiêm vắc-xin được thực hiện trên nguyên tắc ưu tiên tiêm người có nguy cơ cao đến người có nguy cơ thấp, vùng có dịch tiêm trước, vùng không có dịch tiêm sau. Vì thế Chính phủ mới phải phân nhóm ưu tiên.
Nói thế để thấy, không thể nôn nóng, vội vàng, tìm cách “chen ngang” trong câu chuyện tiêm vắc-xin. Thực tế, nhu cầu ai cũng có, nhưng cần theo thứ tự ưu tiên và đúng quy định. Cho đến thời điểm này, mặc dù nỗ lực thương thảo, đàm phán mua vắc-xin của Bộ Y tế và các đơn vị liên quan với đối tác nước ngoài vẫn chưa thành công như mong đợi. Trong gói mua 30 triệu liều vắc-xin mà Bộ Y tế ký kết với AstraZeneca thông qua VNVC cũng chỉ có 117 nghìn liều về đợt này, số còn lại vẫn là dấu hỏi! Còn 50 triệu liều của Pfizer vẫn đang còn thương thảo, bởi năm ngoái Bộ Y tế không đáp ứng yêu cầu bảo quản cũng như vận chuyển mà hãng này đưa ra. Một tín hiệu tích cực vừa được bộ này thông tin là đàm phán với Nga để có thể mua 60 triệu vắc-xin từ nước này. Nhưng bao lâu để có, câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ.
Trong khi các nguồn vắc-xin vẫn đang trong quá trình thương thảo, chương trình hỗ trợ vắc-xin COVAX Facility cho 190 quốc gia, trong đó có Việt Nam vẫn chưa về đến dù trước đó có thông tin tổ chức này sẽ hỗ trợ cho nước ta hơn 4,8 triệu liều vào quý 1 năm nay. Còn vắc-xin trong nước, đến nay, với nhiều nỗ lực chúng ta cũng mới thử nghiệm ở giai đoạn 2. Dù có lạc quan và nỗ lực đến đâu, giai đoạn 3 mới có thể đánh giá mức độ hoàn thiện, thời điểm đó sẽ phải tới năm 2022.
Những con số ấy cho thấy, nhu cầu cần có vắc-xin để tiêm cho dân đang nóng hơn bao giờ hết. Nhưng điều quan trọng nhất lúc này, khi vắc-xin chưa thể có đủ, hãy nâng cao ý thức phòng dịch. Và hãy kiên nhẫn “xếp hàng” chờ đợi và sẵn sàng ưu tiên cho 500 nghìn nhân viên y tế ở tuyến đầu, để họ có được “lá chắn” vắc-xin đợt này.