Huyền thoại Không quân Việt Nam qua lời kể của Tướng Võ Văn Tuấn

Thượng tướng Võ Văn Tuấn tặng hoa chúc mừng Anh hùng Nguyễn Văn Bảy và nhà văn Trúc Phương tại lễ ra mắt tập sách “Người Anh hùng chân đất”, tháng 4/2019
Thượng tướng Võ Văn Tuấn tặng hoa chúc mừng Anh hùng Nguyễn Văn Bảy và nhà văn Trúc Phương tại lễ ra mắt tập sách “Người Anh hùng chân đất”, tháng 4/2019
TP - Một ngày sau khi Đại tá phi công, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Bảy qua đời, Thượng tướng Võ Văn Tuấn (nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam) chia sẻ nhiều kỷ niệm về một trong những huyền thoại của Không quân Việt Nam. 

Xuyên suốt cuộc trò chuyện với PV Tiền Phong, ông Tuấn đều dùng hai từ “Cụ Bảy” khi nói về người Anh hùng phi công mà ông ngưỡng mộ, thần tượng từ nhỏ.

Bám thắt lưng địch mà đánh

Đầu năm 1967, sau nhiều cuộc không chiến hào hùng trên bầu trời Tổ quốc, quyết liệt đương đầu với chiến đấu cơ tân tiến bậc nhất của Mỹ, lực lượng Không quân non trẻ của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đánh dấu sự thiện chiến, trưởng thành vượt bậc với việc 3 phi công đầu tiên được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Đó là thiếu tá Trần Hanh, đại úy Lâm Văn Lích và thượng úy Nguyễn Văn Bảy…

“Tôi thần tượng cụ Bảy từ năm 12 tuổi (Thượng tướng Võ Văn Tuấn sinh năm 1955) và bắt đầu nuôi ước mơ trở thành phi công quân sự. Khi đó, tôi tìm hiểu mọi thông tin về anh hùng Nguyễn Văn Bảy qua báo chí, đài phát thanh, từ năm sinh, quê quán cho tới những chiến công. Cụ Bảy được phong anh hùng với chiến tích hạ 4 máy bay Mỹ, sau đó tiếp tục chiến đấu và bắn rơi thêm 3 chiếc nữa. Chiến tích này được giới phi công quân sự thế giới công nhận đạt cấp độ “Ách” (Aces), dành cho những phi công hạ được 5 máy bay địch trở lên”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, có thể nói Đại tá Nguyễn Văn Bảy là người duy nhất ở Việt Nam cũng như trên thế giới bắn rơi được 7 máy bay đối phương bằng Mig-17. Trước khi được trang bị một số dòng máy bay Sukhoi sau này, máy bay của ta hiện đại nhất là Mig-21 cũng chỉ tương đương F-4 của Không quân Mỹ, trong khi Mig-17 chỉ có pháo chứ không được trang bị tên lửa. Đây chính là điều độc đáo mà các thế hệ phi công quân sự sau này cần phải học tập từ thế hệ đi trước. Bởi rất hiếm lực lượng Không quân nào trên thế giới sử dụng Mig-17, Mig-19, Mig-21 để “so găng” và giành thắng lợi trước những loại máy bay chiến đấu hiện đại hàng đầu thế giới của Mỹ ở thời điểm đó.

“Cụ Bảy thường nói cách đánh của cụ chính là cách đánh du kích mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từng nói là “bám thắt lưng địch mà đánh”. Vì máy bay của mình tốc độ nhỏ, chỉ bắn được gần thì phải đánh theo kiểu quần thảo để làm sao bám chắc vào nó, nó không làm gì được mình thì mình sẽ đánh thắng nó. Đây là nghệ thuật không chiến cực kỳ sáng tạo và thông minh. Thế hệ người lính sau này như tôi luôn biết ơn những anh hùng liệt sĩ nói chung và anh hùng liệt sĩ phi công nói riêng, bởi vì có họ mới có đất nước độc lập, hòa bình. Nhiệm vụ của các thế hệ phi công tiếp theo là bảo vệ đất nước bằng những loại máy bay hiện đại hơn”, ông Tuấn nói.

Huyền thoại Không quân Việt Nam qua lời kể của Tướng Võ Văn Tuấn ảnh 1 Khoảnh khắc vui vẻ của lão nông Nguyễn Văn Bảy sau khi từ giã binh nghiệp tại lễ kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống Sư đoàn Không quân 372, tháng 10/2015

 Người anh hùng chân đất

Nhắc lại những kỷ niệm với thần tượng từ thuở niên thiếu cho đến khi cầu vai gắn sao cấp tướng, Thượng tướng Võ Văn Tuấn khẳng định: “Cụ Bảy là một trong những động lực lớn nhất để tôi trở thành phi công quân sự sau này”.

Lần đầu tiên được gặp thần tượng của ông Tuấn là quãng năm 1974-1975. Khi đó, vị Phó Tổng Tham mưu trưởng tương lai đang là học viên dự bị bay. Chỉ nhìn và được chào thần tượng từ xa tại Sở chỉ huy Quân chủng cũng khiến ông Tuấn lâng lâng niềm vui khó tả. Sau khi sang Liên Xô cũ học tập rồi về nước công tác, ông Tuấn mới có nhiều cơ hội gần gũi với huyền thoại mà mình hằng ngưỡng mộ.

“Sau giải phóng miền Nam, cụ Bảy từng làm Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn Không quân 937 trực thuộc Sư đoàn 372, hiện nay thuộc Sư đoàn 370 (đơn vị này ban đầu được biên chế loại máy bay A-37 chiến lợi phẩm). Anh hùng Lê Hải là Trung đoàn trưởng thứ 2, tôi vinh dự trở thành Trung đoàn trưởng thứ 6 của trung đoàn. Những dịp kỷ niệm của đơn vị, tôi thường xuyên được gặp và học hỏi nhiều điều từ cụ Bảy”, ông Tuấn chia sẻ.

Ông Tuấn kể, điều ấn tượng nhất của ông về Đại tá Nguyễn Văn Bảy là sự giản dị, gần gũi: “Cụ rất thông minh, ăn nói không có từ hoa mỹ, gần gũi đến mức chỉ xưng “mày - tao”, ít khi xưng “tôi - anh”. Những thông tin mà cụ truyền đạt cho mình dễ chịu, đơn giản, dễ hiểu, dễ nắm bắt được”.

Cuộc gặp mặt cuối cùng giữa Anh hùng Nguyễn Văn Bảy và Thượng tướng Võ Văn Tuấn diễn ra đầu tháng 4 năm nay tại TPHCM, khi Ban liên lạc Câu lạc bộ truyền thống Không quân phía Nam tổ chức lễ ra mắt tập sách “Người Anh hùng chân đất”. Đây là tác phẩm của nhà văn Trúc Phương viết về Anh hùng Nguyễn Văn Bảy do Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TPHCM phát hành.

“Sau buổi lễ, tôi và một số anh em theo cụ về quê nhà Lai Vung, Đồng Tháp. Lúc đó con đường dẫn vào nhà cụ vẫn đang làm dang dở, phải đi bằng xuồng máy. Ở tuổi 84 mà cụ vẫn còn khoẻ khoắn chống sào đẩy xuồng khi cập bờ. Bữa đó, cụ rủ anh em chúng tôi đi câu cá rồi về nhậu lai rai theo phong cách miền Tây. Tối qua, nhận tin cụ mất, vẫn biết đó là quy luật nhân sinh nhưng trong tim tôi là một khoảng trống nghẹn ngào bởi thần tượng mình vẫn tôn thờ đã ra đi”, Thượng tướng Võ Văn Tuấn nói.

Đại tá Nguyễn Văn Bảy sinh ngày 2/2/1936 tại ấp Hậu Thành, xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp). Ông tham gia cách mạng từ năm 1953 đến năm 1954 thì tập kết ra Bắc. Năm 1960, ông được chuyển từ bộ binh sang không quân và cấp trên cử đi học lái máy bay ở nước ngoài, đến năm 1965  về nước. Từ năm 1965 đến 1968, ông lái máy bay Mig-17, thường xuyên có mặt trong đội hình tham gia trực, chiến đấu của Không quân đánh máy bay Mỹ. Với 94 lần xuất kích, trực tiếp quần thảo với máy bay Mỹ 13 lần, ông đã tiêu diệt 7 máy bay địch. 
Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân vào ngày 1/1/1967. Trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, chức vụ cuối cùng trước khi nghỉ hưu của ông là Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân. 
Tối 22/9, ông mất tại Bệnh viện Quân y 175, sau khi bị đột quỵ ít ngày trước đó.

Đại tá Nguyễn Văn Bảy từng kể với ông Tuấn rằng: Sau khi tiêu diệt được 7 máy bay địch, lẽ ra ông vẫn đánh tiếp nhưng Bác Hồ không cho ông đi nữa mà rút về hậu cứ để làm công tác đào tạo, huấn luyện phi công. Vì sợ đánh tiếp thì phi công Bảy có thể hy sinh, Bác sẽ có lỗi với đồng bào miền Nam. “Thời đó, hàng ngày tỷ lệ hy sinh của phi công ta nhiều lắm, cứ xác định bay là hy sinh. Đó cũng chính là lý do vì sao cụ Bảy để chòm râu như Bác Hồ. Cụ tâm sự là để tưởng nhớ Bác Hồ vì Bác lo cho cụ”, ông Tuấn nói.

Sáng nay, bắt đầu lễ tang Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy
Tối 23/9, thông tin từ Quân chủng Phòng không - Không quân cho biết, lễ viếng Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy sẽ được tổ chức vào sáng 24/9, tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TPHCM). Theo đó, lễ viếng được bắt đầu từ 9 giờ sáng 24/9. Lễ truy điệu Anh hùng Nguyễn Văn Bảy được tổ chức vào sáng 26/9, sau đó Ban tổ chức lễ tang và gia đình đưa linh cữu ông về quê nhà tại huyện Lai Vung (Đồng Tháp). Trong hai ngày 26 và 27/9, lễ viếng và lễ an táng ông được tổ chức tại quê nhà. NGUYỄN MINH

MỚI - NÓNG