Để thu hút tập hợp đoàn viên thanh niên tham gia vào tổ chức Đoàn, nâng cao chất lượng hoạt động đoàn ở cơ sở, Huyện đoàn Hữu Lũng luôn chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập trung thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế và đẩy mạnh phong trào thanh niên làm kinh tế giỏi.
Chị Nguyễn Tố Nga, Phó Bí thư Huyện đoàn Hữu Lũng cho biết: Hiện nay, huyện Hữu Lũng có trên 30 mô hình kinh tế hiệu quả của ĐVTN. Để hỗ trợ ĐVTN phát triển kinh tế, thời gian qua, Huyện đoàn đã phối hợp với các ban, ngành tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thanh niên; phối hợp tốt với Ngân hàng Chính sách Xã hội tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn ưu đãi. Đồng thời vận động ĐVTN chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp, tham gia xây dựng các mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ. Từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế của thanh niên với thu nhập ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động tại chỗ.
Từ năm 2016 đến hết quý I/2017, Huyện đoàn đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tập huấn được 3 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, 4 lớp khởi nghiệp, 2 lớp dạy nghề …thu hút gần 500 lượt ĐVTN tham gia. Ngoài ra, tổ chức Đoàn nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội cho thanh niên vay vốn… Đến nay, tổng dư nợ đạt trên 59,1 tỷ đồng, với 62 tổ tiết kiệm và vay vốn, 2.238 hộ vay. Ngoài ra, Huyện đoàn còn phối hợp tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động cho 16 ĐVTN nông thôn; tổ chức tư vấn nghề, lựa chọn trường thi cho các em học sinh khối 12 trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên với trên 1.000 ĐVTN tham gia.
Anh Lâm Quốc Nguyên, thôn Mới, xã Minh Hoà là đoàn viên tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế. Từ năm 2010, được tổ chức Đoàn tuyên truyền, vận động xây dựng mô hình kinh tế cũng như hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng, anh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn… Mỗi năm trừ chi phí, anh thu về gần 100 triệu đồng. Anh Nguyên cho biết: Nhờ sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn thanh niên, tôi được vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển kinh tế. Mô hình chăn nuôi lợn nái, lợn thịt của tôi đã tạo việc làm cho bản thân tôi, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, đồng thời tôi cũng giúp đỡ các bạn đoàn viên khác muốn học hỏi kinh nghiệm trong chăn nuôi. Trong thời gian tới, tôi sẽ mở rộng quy mô mô hình kinh tế của mình như: trồng thêm các loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao, mở rộng thêm chuồng, trại để nuôi gia cầm...
Có thể thấy, phong trào thi đua phát triển kinh tế của ĐVTN đang lan rộng trên toàn huyện Hữu Lũng. Các mô hình phát triển kinh tế thành công giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Qua đó góp phần tăng cường thu hút, đoàn kết tập hợp thanh niên, xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh; phát huy vai trò của ĐVTN trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.