Ngày 26/10, Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV) lần thứ 8 và Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyarwady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS) lần thứ 7 diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Tham dự CLMV 8 và ACMECS 7 có Tổng thống Myanmar Htin Kyaw, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc - Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương Shamshad Akhtar, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới và nhiều đối tác phát triển trong khu vực và thế giới.
Nghiên cứu mở tuyến đường kết nối Myanmar-Lào-Việt Nam
Tại CLMV 8 với chủ đề Nắm bắt cơ hội, định hình tương lai, các nhà lãnh đạo nhất trí vừa tiến hành cải cách kinh tế trong nước, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, vừa chủ động hội nhập sâu rộng hơn nữa vào kinh tế khu vực và toàn cầu. Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí triển khai các biện pháp cụ thể để tăng cường gắn kết nền kinh tế và thị trường của bốn nước, hướng tới một khu vực kết nối thông suốt.
Về kết nối giao thông, đẩy nhanh việc xây dựng các tuyến đường còn thiếu và nâng cấp các tuyến đường thuộc Hành lang Kinh tế Bắc - Nam, Hành lang Kinh tế Đông - Tây và Hành lang kinh tế phía Nam; xây dựng tuyến đường cao tốc kết nối Vientiane và Hà Nội; triển khai nghiên cứu khả thi mở tuyến đường kết nối Myanmar-Lào-Việt Nam. Về tạo thuận lợi thương mại và đầu tư, đẩy mạnh hơn nữa việc đơn giản hóa, hài hòa hóa thủ tục thông quan và tiếp tục phát triển các khu công nghiệp dọc các tuyến hành lang kinh tế; đẩy thương mại biên giới thông qua hài hòa hóa các quy định về thương mại biên giới và phát triển hệ thống chợ biên giới…
Về hợp tác công nghiệp, tăng cường hợp tác trong xây dựng, tiêu chuẩn hóa và hợp chuẩn hóa chính sách công nghiệp, xây dựng chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Về hợp tác du lịch, triển khai Kế hoạch hành động 2016 - 2018 về hợp tác du lịch, đặc biệt là các hình thức du lịch bền vững và có trách nhiệm… Về hợp tác phát triển nguồn nhân lực, tiếp tục triển khai Chương trình học bổng CLMV do Chính phủ Việt Nam tài trợ giai đoạn 2016-2020; thiết lập cơ sở dữ liệu về nhu cầu của thị trường lao động, về đào tạo nghề giữa các nước CLMV…
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, các nước CLMV không thể tiếp tục theo đuổi mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và công nghệ lạc hậu mà cần tạo động lực phát triển mới dựa vào công nghệ, nhân lực chất lượng cao và đổi mới sáng tạo. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của bốn nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất thúc đẩy kết nối giữa bốn nước về hạ tầng giao thông, thương mại và đầu tư, du lịch và phát triển nguồn nhân lực. Các đề xuất của Thủ tướng được các nước đánh giá cao và nhất trí phối hợp triển khai. Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo thông qua Tuyên bố chung của CLMV 8 và nhất trí Campuchia sẽ chủ trì tổ chức CLMV 9 trong năm 2018.
Đẩy mạnh hợp tác trong 5 lĩnh vực
Tại ACMECS 7 với chủ đề Hướng tới Tiểu vùng Mekong năng động và thịnh vượng, các nhà lãnh đạo thông qua Tuyên bố Hà Nội của Hội nghị Cấp cao với mục tiêu đưa khu vực Mekong trở thành trung tâm kinh tế năng động và phát triển bền vững. Theo đó, các nước ACMECS sẽ tập trung thúc đẩy 5 nội dung hợp tác.
Trong lĩnh vực giao thông, tăng cường hợp tác hoàn thiện kết nối vận tải đa phương thức, xây dựng các tuyến đường còn thiếu đi đôi với cải thiện chất lượng các tuyến đường bộ; phát triển các tuyến vận tải mới kết nối các nước thành viên... Trong lĩnh vực tạo thuận lợi cho thương mại - đầu tư và phát triển công nghiệp, hợp tác hài hòa hóa và đơn giản hóa các thủ tục thông quan; thúc đẩy thương mại biên giới… Trong lĩnh vực du lịch, thúc đẩy du lịch xanh và du lịch có trách nhiệm; phát triển sản phẩm du lịch, phát triển đa dạng các tuyến du lịch; thực hiện sáng kiến du lịch “Năm quốc gia, một điểm đến”…
Trong lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy thương mại hàng nông sản; khuyến khích thiết lập kênh thông tin về sản xuất và mua bán gạo; xây dựng các chương trình hợp tác về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, công nhận lẫn nhau về chứng nhận chất lượng sản phẩm hàng hóa… Trong lĩnh vực hợp tác về môi trường, phối hợp huy động nguồn lực và thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững 2030 phù hợp vào các dự án phát triển kinh tế; củng cố hợp tác giữa các nước thành viên về bảo vệ môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên của các dòng sông Ayeyarwady, Chao Phraya và Mekong; tăng cường phối hợp giữa ACMECS với Ủy hội sông Mekong và các cơ chế khu vực khác…
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các ưu tiên chính của hợp tác ACMECS trong thời gian tới là: Thúc đẩy kết nối các nền kinh tế ACMECS; tăng cường gắn kết giữa ACMECS với ASEAN và các cơ chế hợp tác trong khu vực; phối hợp gia tăng năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế; và hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Theo sáng kiến của Việt Nam, lần đầu tiên trong khuôn khổ các hội nghị cấp cao ACMECS và CLMV đã diễn ra Diễn đàn Kinh tế Thế giới về khu vực Mekong với sự tham gia của nhiều đối tác phát triển quan trọng. Các sáng kiến này giúp thúc đẩy kết nối giữa các doanh nghiệp khu vực Mekong với nhau và với các tập đoàn lớn trên thế giới, tăng cường đối thoại giữa khu vực doanh nghiệp với các nhà hoạch định chính sách, gia tăng tham gia của các đối tác phát triển vào các chương trình hợp tác CLMV và ACMECS. Các sáng kiến của Việt Nam được các nước thành viên đánh giá cao và nhiệt liệt ủng hộ.