Phát triển khu vực Mekong: Đẩy mạnh hợp tác, phát triển bền vững

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về khu vực Mekong năm 2016. Ảnh: H.M.T
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về khu vực Mekong năm 2016. Ảnh: H.M.T
TP - Tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về khu vực Mekong năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra 4 đề xuất để khu vực hòa bình, ổn định về an ninh- chính trị, năng động và kết nối về kinh tế, bền vững về môi trường và hài hòa về xã hội. Lãnh đạo WEF cho rằng, Mekong vẫn còn là bức tranh lẫn lộn.

Hội nghị WEF về khu vực Mekong 2016 với chủ đề “Phát triển khu vực Mekong: đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và kết nối” diễn ra ngày 25/10 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Tổng thống Myanmar Htin Kyaw, Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak cùng khoảng 200 đại biểu gồm nhiều bộ trưởng phụ trách kinh tế của các nước Mekong, các doanh nghiệp, tập đoàn thành viên WEF và các nước Mekong cùng chuyên gia, học giả quốc tế tham dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vị trí và vai trò quan trọng của khu vực Mekong ở Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương, tiềm năng phát triển to lớn của khu vực Mekong. Thủ tướng nói rằng, việc hướng tới xây dựng một khu vực Mekong hoà bình, ổn định về an ninh - chính trị, năng động và kết nối về kinh tế, bền vững về môi trường và hài hoà về xã hội là lợi ích chung của các nước Mekong và khu vực, đóng góp thiết thực vào thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng ASEAN, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực...

Để đạt được mục tiêu đó, Thủ tướng đề nghị các nước Mekong cần nỗ lực đẩy mạnh kết nối kinh tế, phát triển, kết nối cơ sở hạ tầng, đặc biệt là phát triển và hoàn thiện các hành lang kinh tế tiểu vùng; tăng cường hợp tác tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và du lịch; ưu tiên thúc đẩy đổi mới, sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động, tranh thủ các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ 4; đẩy mạnh hợp tác thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có việc quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.

Bức tranh lẫn lộn

Giám đốc điều hành WEF Richard Samans cho rằng, việc hình thành Cộng đồng ASEAN có thể coi là một trong những bước phát triển rất quan trọng trong quá trình hội nhập liên kết các nền kinh tế trên thế giới. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực Mekong tăng hằng năm và đây là một minh chứng cho thấy các nhà đầu tư trong khu vực đang được hoan nghênh, đón tiếp nồng hậu.

Tuy nhiên, ông Samans cho rằng, không nên tự mãn, cải cách vẫn còn một chặng đường rất dài. Hằng năm, WEF công bố chỉ số cạnh tranh các nước, các khu vực, cho thấy một bức tranh rất lẫn lộn. Chỉ số cạnh tranh toàn cầu 2015 vừa được công bố cho thấy sự khác biệt rất lớn ở khu vực Mekong, như Thái Lan xếp thứ 34, còn Myanmar xếp thứ 130. Các nước Mekong còn cả một chặng đường dài để phát huy hết tiềm năng của mình.

Trả lời câu hỏi của ông Samans rằng sự phát triển của Việt Nam có thể mang lại lợi ích gì cho khu vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói các nền kinh tế ở khu vực Mekong vừa hợp tác, bổ sung cho nhau, vừa cạnh tranh với nhau. Các nước này đều có lợi thế sản xuất, xuất khẩu gạo, dệt may, da giày, thủy sản, nông lâm sản. Những điểm chung này là cơ sở để hợp tác nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm. Việt Nam và Thái Lan, sắp tới là Việt Nam và Campuchia bàn bạc với nhau về hợp tác xuất khẩu gạo… Đặc biệt, các nước này có tính liên vùng rất cao, nên việc xây dựng, khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng của hành lang kinh tế tiểu vùng như hành lang kinh tế Đông - Tây, hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế phía Nam… giúp cho chi phí vận chuyển, hậu cần… giảm, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hợp tác giữa các nước Mekong giúp phát huy lợi thế của mỗi nước, ví dụ  Việt Nam đang trồng cao su ở nhiều nước như Lào, Campuchia…; xuất khẩu mạng điện thoại di động… Tất cả cùng nhau tranh thủ lợi thế so sánh giữa các nước Mekong trên cơ sở cùng có lợi.

Việt Nam trở thành công xưởng mới của khu vực về sản xuất điện thoại di động, thiết bị điện tử, máy tính, đồng thời cùng hợp tác một số ngành như chăn nuôi, dệt may, giày dép… Sự dịch chuyển này có lợi cho các nước Mekong. Đặc biệt, các nước Mekong gần hai thị trường lớn là Trung Quốc và Ấn Độ. Trung Quốc có nhu cầu lớn về nông sản, thủy sản, gạo… Các nước trong khu vực cùng hình thành chuỗi cung ứng khu vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Ra mắt Hội đồng Kinh doanh khu vực ASEAN

Tại cuộc họp báo chiều 25/10, ông Samans công bố sự ra đời của Hội đồng Kinh doanh khu vực ASEAN với hơn 50 thành viên là lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn có tầm ảnh hưởng lớn nhất khu vực, trong đó có ông Don Lam - CEO của VinaCapital đến từ Việt Nam.

Ông Samans cho biết, Hội đồng sẽ tập trung vào nhiệm vụ giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những chính sách phù hợp, vì sự thay đổi ở khu vực đang diễn ra nhanh chóng khiến nhiều chính sách không theo kịp. Cần có một môi trường mà ở đó có những quy định rõ ràng, hợp lý để khu vực công và tư có thể làm việc cùng nhau để tạo ra những chính sách phù hợp. “Một điều đang diễn ra ở các khu vực khác trên thế giới mà chúng tôi muốn đưa tới ASEAN là xem xét mức độ phù hợp của chính sách. Nghĩa là các chính sách nên được đưa ra ở tầm quốc gia, khu vực hay toàn cầu. WEF có những nhóm làm việc để đưa ra các sáng kiến nhằm xác định xem những chính sách nào nên ở tầm quốc gia, những chính sách nào ở tầm khu vực hay toàn cầu”, ông Samans nói.

Trả lời câu hỏi rằng làm thế nào để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham gia vào các hoạt động này, ông Samans cho biết, Hội đồng có hai hình thức thành viên, gồm thành viên của Hội đồng Kinh doanh khu vực, được tham dự diễn đàn ở Davos cùng các doanh nghiệp của thế giới. Hình thức thứ hai là mạng lưới Câu lạc bộ Kinh doanh ASEAN để các doanh nghiệp nhỏ hơn tham gia.

Ngày 25/10, bên lề Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Giám đốc điều hành WEF Richard Samans. Chiều cùng ngày, Thủ tướng tiếp Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak.

Hội nghị gồm 5 phiên họp tập trung thảo luận nhiều vấn đề về phát triển và hội nhập của các nước Mekong như tầm nhìn, định hướng phát triển khu vực Mekong, huy động nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, du lịch, thúc đẩy công nghiệp hóa, phát triển bền vững trong khu vực Mekong…

MỚI - NÓNG