Tuyên bố trên được Thủ tướng nước chủ nhà Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đưa ra trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) lần thứ 7, Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV) lần thứ 8 diễn ra ngày 26/10 tại Hà Nội.
Hợp tác CLMV, ACMECS- cơ hội thúc đẩy kết nối khu vực
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sau hơn một thập kỷ hoạt động, hợp tác CLMV và ACMECS đã đạt được kết quả quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia, đóng góp vào tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, củng cố quan hệ láng giềng tốt đẹp, hoà bình, ổn định trong khu vực.
Các nước Mekong đã trở thành động lực quan trọng của kinh tế Đông Nam Á, và được đánh giá là một trong những khu vực năng động, tăng trưởng hàng đầu trên thế giới. Kết quả đạt được nêu trên thể hiện quyết tâm và nỗ lực của 5 quốc gia trong khu vực và cũng là kết quả của sự hỗ trợ to lớn và hợp tác hiệu quả với các đối tác phát triển, các nhà tài trợ quốc tế, đặc biệt là ASEAN.
Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khu vực Mekong đang đứng trước cơ hội phát triển thuận lợi. Trong các Hội nghị ACMECS và CLMV hôm nay (26/10) các đại biểu sẽ cùng thảo luận về môi trường phát triển mới, thống nhất các nội dung và biện pháp hợp tác để xây dựng một khu vực kinh tế năng động, cạnh tranh, phát triển bền vững và thịnh vượng.
Chính phủ Việt Nam rất coi trọng hợp tác CLMV và ACMECS, sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên cũng như các đối tác phát triển vì hoà bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng chung của khu vực.
Trong khi đó, Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định, Hội nghị ACMECS 7 và CLMV 8 mang đến cơ hội để các nước trong khu vực tái khẳng định cam kết tăng cường mối quan hệ tốt đẹp truyền thống giữa các quốc gia.
Cũng theo Thủ tướng Campuchia Hunsen, 2 cơ chế hợp tác ACMECS và CLMV mang đến cơ hội thúc đẩy hợp tác và kết nối trong khu vực cũng như thúc đẩy tình đoàn kết trong cộng đồng chung ASEAN đặc biệt là trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia, cải thiện an sinh xã hội và tạo ra sinh kế cho người dân trong khu vực.
Về phần mình, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith khẳng định vai trò tiên phong của nước chủ nhà Việt Nam trong việc đề xuất rất nhiều chương trình nghị sự quan trọng trong khuôn khổ 2 Hội nghị lần này.
Thủ tướng Thongloun Sisoulith cũng bày tỏ cảm ơn các đối tác, các tổ chức tài chính quốc tế và Ban Thư ký ASEAN vì đã hỗ trợ nhiệt tình cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực trong nhiều năm qua.
Trong khi đó, Tổng thống Myanmar U Htin Kyaw nhấn mạnh, các nước khu vực Mekong từ lâu đã có truyền thống hợp tác chặt chẽ, cùng chia sẻ với nhau giấc mơ về phát triển kinh tế- xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, các nước trong khu vực cũng phải đối mặt với những thách thức trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đối phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và tình trạng bất ổn kinh tế toàn cầu.
Dù vậy Tổng thống Myanmar U Htin Kyaw bày tỏ tin tưởng, bằng việc hợp tác chặt chẽ với nhau, các quốc gia trong khu vực có thể vượt qua những thách thức lớn lao mà từng quốc gia riêng rẽ có thể không giải quyết nổi.
Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh nêu bật tầm quan trọng của các cơ chế hợp tác CLMV và ACMECS đối với hội nhập khu vực.
Con người- nhân tố quyết định tương lai khu vực
Về phần mình, Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak cho rằng, con người là nhân tố quan trọng nhất góp phần định hình tương lai phát triển kinh tế, xã hội và môi trường trong khu vực.
Mục tiêu phát triển của khu vực cần phải đáp ứng được nhu cầu của nhân dân và mang lại lợi ích cho nhân dân của tất cả các quốc gia trong khu vực. Việc cải thiện điều kiện sống cho người dân phải được coi là ưu tiên hàng đầu trong phát triển khu vực một cách bền vững.
Cùng chung quan điểm với lãnh đạo các quốc gia trong khu vực, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh nhấn mạnh, các cơ chế hợp tác trong khu vực như CLMV và ACMECS đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hội nhập khu vực của các quốc gia ASEAN.
Trong khi đó, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Tổng Thư ký Ủy ban Kinh tế-Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương Shamshad Akhtar khẳng định, cơ chế hợp tác CLMV là “một ví dụ tiêu biểu” về việc các nước trong khu vực có thể đạt được những mục tiêu chung trong quá trình hợp tác. CLMV cũng đóng góp rất lớn vào sự năng động của ASEAN thông qua việc thúc đẩy tinh thần sáng tạo của người dân và doanh nghiệp trong khu vực.
Doanh nghiệp- động lực thúc đẩy phát triển khu vực trong tương lai
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá cao sáng kiến của Chính phủ các nước trong khu vực trong việc lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới bàn về tiểu vùng sông Mekong cũng như tăng cường đối thoại với cộng đồng doanh nhân ở các nước phát triển tại Hội nghị cấp cao của các nhà lãnh đạo CLMV và ACMECS.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, việc tăng cường đối thoại sẽ giúp Chính phủ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, sáng kiến và kế hoạch hành động của cộng đồng doanh nghiệp để mở đường cho việc hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp tạo nên động lực phát triển mạnh mẽ của các nền kinh tế CLMV, ACMECS và ASEAN trong thời gian tới.
Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, dù vui mừng trước tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất trên thế giới, các nước trong khu vực cũng hiểu sâu sắc rằng, lợi thế về nhân công giá rẻ sẽ giảm mạnh trong thời gian tới dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Chính vì thế, ông Vũ Tiến Lộc kêu gọi các nước trong khu vực cần nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu, thay đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, khu vực Mekong có nhiều lợi thế đặc sắc về nông nghiệp và du lịch, có tiềm năng trở thành bếp ăn, nơi nghỉ dưỡng và trải nghiệm của thế giới với nền văn minh lúa nước, tín ngưỡng tâm linh Phật giáo, thiên nhiên hoang sơ, bãi biển đầy nắng và gió.
Ông Vũ Tiến Lộc cũng đề nghị các tập đoàn xuyên quốc gia, các đối tác phát triển hợp tác với Chính phủ trong khu vực, dành nhiều nguồn lực hơn cho chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực và khả năng kết nối của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để các doanh nghiệp này không bị tụt lại đằng sau mà trở thành động lực dẫn dắt khu vực phát triển trong thời gian tới.
Cuối cùng, ông James Nugent, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các cơ chế hợp tác như CLMV và ACMECS tạo ra cơ hội đối thoại về chính trị và hợp tác và trở thành khuôn khổ về đầu tư và phát triển trong khu vực.
CLMV và ACMECS cũng chính là động lực thúc đẩy các quốc gia trong khu vực hợp tác để thực hiện các chương trình phát triển với các mục tiêu ngày càng sát với thực tế hơn và cũng là cơ chế hiệu quả giúp tăng cường hợp tác xuyên biên giới trong khu vực.
Ông James Nugent cũng đề cập đến 3 lĩnh vực chính mà CLMV và ACMECS cần tập trung tiếp tục giải quyết. Đó là thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng giữa các quốc gia trong khu vực; tăng cường kết nối xuyên biên giới nhất là trong lĩnh vực giao thông và thương mại và cuối cùng là đối phó với nguy cơ lây truyền bệnh dịch trong khu vực.