Huế: Đi nhậu “đặc sản” chim mùa dịch cúm

Huế: Đi nhậu “đặc sản” chim mùa dịch cúm
Lệnh cấm buôn bán gia cầm bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 15/11, chợ nội thành ở Huế “sạch bóng” gà, vịt, chim cút sống. Nhưng tại các quán nhậu đặc sản, sẻ nướng, bồ câu tiềm, rượu pha tiết chim... vẫn được “chào hàng”.

Nhà hàng C. nằm hút sâu trong một hẻm trên đường Bà Triệu là địa chỉ đầu tiên chúng tôi chọn để thưởng thức món chim sẻ và bồ câu.

Trời bắt đầu nhá nhem tối, có lẽ do bị tác động bởi thông tin dịch cúm đang có nguy cơ bùng phát nên khách nhậu đến quán C. đã có phần thưa hơn bình thường.

Đoán vẻ chần chừ của chúng tôi, bà chủ quán trạc 45 tuổi từ nhà trong vội chạy thoắt ra cổng đon đả mời chào: “Mời các chú vào, quán chị vẫn bán bình thường !”.

Chưa kịp để chúng tôi gọi món, bà chủ đã mau mắn chỉ tay ngay lên chiếc bảng gỗ treo trên tường để “tiếp thị”: “Các chú thích loại đặc sản gì, tiết chim sẻ pha rượu Sochu, sẻ nướng lá chanh, hon, rô ti... Hay là ta làm món bồ câu tiềm hạt sen...? Quán chị sẵn sàng đáp ứng tất tật”.   

Vẫn như mọi khi, quán C. luôn “đẩy” các món nhậu đặc sản về chim lên “đầu bảng” thực đơn treo tường. “Đầu bảng” bao giờ vẫn là món rượu pha tiết chim sẻ, sau đó là đồ nhắm làm từ chim sẻ, rồi bồ câu tiềm (tần), bồ câu rô ti, hon, nấu cháo, “cuối bảng” mới là các món “bình dân” như lươn xào chuối, xào miến, cá rô chiên xù, lóc um...

Liếc mắt sang bàn bên cạnh đang có 2 thực khách khề khà nhắm rượu Sochu pha tiết chim sẻ với món sẻ nướng lá chanh, chúng tôi ra vẻ mạnh bạo gọi ngay chủ quán cho 1 đĩa chim sẻ nướng 6 con, kèm theo 1 xị rượu pha tiết chim sẻ gọi là... cho có.

Thấy anh em chúng tôi đưa mắt nhìn nhau ái ngại, bà chủ quán vội trấn an: “Không việc gì các chú phải sợ, sống chết là có số cả. Mà lỡ có mệnh hệ gì, các chú cứ gọi đến số máy này (054.8212...), chị sẽ chịu trách nhiệm hết (?!!)”.

Sau khi gọi tiếp món bồ câu rô ti, chúng tôi vờ hỏi nguồn gốc loại thực phẩm này, bà chủ cho biết ngay: “Bồ câu chị lấy từ xã Thủy Dương, mà phải là loại béo tốt, khỏe mạnh. Cứ vô tư đi... Còn chim sẻ, người ta đem đến bỏ (bán) tận nhà”.

Nghe nhắc đến tên xã Thủy Dương (huyện Hương Thủy), tôi chợt giật bắn mình, bởi đây là địa phương từng xảy ra dịch cúm H5N1 hồi cuối năm ngoái, khiến cho hàng trăm nghìn con gia cầm (gà, vịt, bồ câu, chim cút) bị chết và tiêu hủy.

Gác qua món bồ câu rô ti, chúng tôi gọi thêm món lươn xào chuối rồi tính tiền ra về. Giá cả đặc sản chim mùa dịch cúm cũng chẳng hề rẻ hơn ngày thường: chim sẻ 3.000 đồng/con, mỗi bồ câu rô ti 25.000 đồng, mỗi xị rượu pha tiết chim giá 10.000 đồng...

Trước khi ra về, tôi vờ chạy xuống bếp để hỏi xin lửa châm thuốc lá. Tại đây, đập ngay vào mắt tôi là một chiếc vỉ lớn đang bó chặt gần 20 con chim sẻ chuẩn bị đưa lên giàn nướng. Những người chế biến món nhậu từ chim chẳng cần mang khẩu trang hay găng tay bảo vệ.

Còn quán T. ở gần cầu Tràng Tiền, tuy không chuyên bán đặc sản về chim, nhưng nếu khách có nhu cầu, chủ quán vẫn sẵn sàng phục vụ ngay món chim sẻ nướng lá chanh, nhưng với giá cao hơn: 5.000 đồng/1 con. Uống vội mấy chai nước, chúng tôi rời quán T., chạy xe dọc theo sông Đông Ba rồi trực chỉ theo hướng về cầu chợ Dinh.

Cạnh cầu chợ Dinh, quán nhậu không tên chuyên bán đặc sản về chim sẻ, kèm rượu pha tiết chim (được quảng cáo là “tráng dương, bổ thận”) trong những ngày này vẫn chẳng hề vắng khách. Chủ quán sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu về đặc sản chim của khách nhậu... 

MỚI - NÓNG