Huệ cội nguồn và “bảo tàng lịch sử” trên đảo Phú Quốc

Huệ cội nguồn và “bảo tàng lịch sử” trên đảo Phú Quốc
TP- Tạp chí Southem Tourist Guide tháng 1-2/2005 có bài viết: “Nếu bạn đã đến Phú Quốc du lịch mà chưa từng ghé thăm Cội Nguồn thì thật là một điều đáng tiếc"

"Nếu nói đây là một mô hình của Phú Quốc thu nhỏ có lẽ cũng không có gì quá lời. Chủ nhân của khu tham quan, du lịch, nhà nghỉ là một người còn rất trẻ, anh đang đem tất cả  tâm huyết của người con đất đảo để tạo dựng nên một địa điểm có qui mô và chiếm được cảm tình tốt đẹp của nhiều du khách”.

Chàng trai tên là Huỳnh Phước Huệ, năm nay 36 tuổi.

Huệ cội nguồn và “bảo tàng lịch sử” trên đảo Phú Quốc ảnh 1

Từ phải qua, Huỳnh Phước Huệ, GS Vũ Khiêu, nhà sử học Dương Trung Quốc tại Cội Nguồn Ảnh: Hồng Lĩnh

Nhặt nhạnh những thứ bỏ đi

Người mảnh mai và hiền lành như tên vậy. Huỳnh Phước Huệ dẫn tôi đi một vòng quanh bộ sưu tầm “trên rừng dưới biển” trong các phòng trưng bày và khu vườn rộng trên 4 ha.

Hàng ngàn cổ vật được trình bày khá bài bản theo một dãy nhà dài từ thấp lên cao theo đồi núi, mỗi phòng có một cô gái mặc áo dài lịch sự chào đón và hướng dẫn khách tham quan.

Huệ chỉ vào bộ rìu đá đã được xác định niên đại vào khoảng thế kỷ 15 trước công nguyên nói: “Đây là một trong những phát hiện mới về khảo cổ học vừa được báo cáo vào đầu tháng 10/2008 tại Hà Nội.

Hàng chục hiện vật này tôi sưu tầm mấy năm trời trong nhà những người dân tại xã Cửa Cạn mạn Bắc đảo Phú Quốc. Nói là sưu tầm nhưng thực chất tôi đi năn nỉ mua lại của người ta.

Những mẫu vật này do người dân khi đào hố trồng tiêu ven rừng đã bắt gặp, họ gọi đây là “lưỡi tầm sét” hay “búa trời đánh” và họ đưa về bỏ trên đầu giường cho trẻ con khỏi giật mình, có người còn mài ra cho trẻ nóng sốt uống để mong bớt nóng”.

Trong các phòng trưng bày đủ loại ốc biển Phú Quốc, thân cây và đá có rêu hóa thạch, tiền cổ được tìm thấy trên đảo, mảnh vỡ của chiến thuyền tương truyền của nghĩa quân của người Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, lại có bình gốm sứ của thuyền buôn Trung Hoa bị chìm trên vùng biển đảo Phú Quốc khoảng thể kỷ 16, và các công cụ làm nước mắm của người dân trên đảo trăm năm nay.v.v.

Khu vườn nghệ thuật của Huệ còn có hàng trăm bộ rễ cây được anh sưu tầm từ khắp đảo. Những bộ rễ cây khô, qua bàn tay của Huệ hiện lên thấp thoáng hình ảnh những thiếu nữ kiều diễm, những cặp sừng hươu, nai, chim đại bàng vỗ cánh hay gương mặt một triết gia trầm ngâm…

Có bộ rễ cây đã được trả giá cả trăm triệu đồng nhưng Huệ không bán vì mục đích của anh là phục vụ du khách. Chỉ vào bộ bàn ghế bằng rễ cây, Huệ nói: “Tôi đã sưu tầm được 70 bộ bàn ghế bằng rễ cây, Phú Quốc có 99 ngọn núi, vì thế tôi sẽ sưu tầm cho được 99 bộ”.

Huỳnh Phước Huệ là người duy nhất trên đảo Phú Quốc nuôi đại bàng biển và ó biển, nay đã đến 60 con. Anh còn tuyển chọn gần 100 con chó Phú Quốc thuần chủng.

Huệ tâm sự: “Khi tôi vay tiền để lùng mua đại bàng do dân tình cờ bắt được, lúc đó nhiều người gọi tôi là “khùng khùng…hâm hâm”. Ai đời vợ con cơm không đủ ăn, áo đang thiếu mặc lại đi nuôi đại bàng biển, đi nhặt đá, nhặt rễ cây về dựng trong vườn nhà chơi”.

Huệ cội nguồn và “bảo tàng lịch sử” trên đảo Phú Quốc ảnh 2
Bảo tàng tư nhân đầu tiên trên đảo Phú Quốc của Huỳnh Phước Huệ đã gần hoàn thành

Bảo tàng lịch sử duy nhất trên đảo

Trong 6 năm (1991- 1997), khi học ở trường Tài chính Kế toán 4 và Khoa Quản trị Kinh doanh của Đại học mở bán công (TPHCM), Huệ đã dành thời gian rảnh rỗi vào các thư viện lục tìm tư liệu về Phú Quốc. Với trên 300 tư liệu tìm được, Huệ viết cuốn sách “Tiềm năng Phú Quốc, xưa và nay”.

Huệ kể: “Tôi sưu tầm được cả tư liệu bằng tiếng Pháp viết về thiên nhiên, con người Phú Quốc từ 1867, có tư liệu giải thích vì sao thị trấn Dương Đông nằm ở phía Tây đảo nhưng lại gọi là Dương Đông, về Gia Long, về nghĩa quân Nguyễn Trung Trực, về nhà tù Phú Quốc…

Lúc viết xong cuốn sách tôi không tìm được chỗ in. Sau đó tôi gặp một người ở TPHCM ra Phú Quốc chơi, anh này nói sẽ xuất bản được và tôi giao cả bản thảo viết tay cho anh ấy. Sau khi cuốn sách được phát hành tôi thấy anh ta viết thêm đúng 3 trang và ghi tên anh ta trước tên của tôi như một người biên soạn chính.

Cuốn sách sau đó được tái bản, nhiều người sử dụng tư liệu làm “cẩm nang du lịch”, “Phú Quốc 24 giờ”, cả cuốn “Nhà lao Cây Dừa”… nhưng tuyệt nhiên chẳng ai nhắc tới tôi cả. Tôi đang dự định viết một cuốn khác về Phú Quốc với những tư liệu đầy đủ hơn”.

Tốt nghiệp khoa Quản trị Kinh doanh, năm 1997 Huệ về Phú Quốc làm hướng dẫn viên cho các khách sạn nổi tiếng như: Hương Biển, Sài Gòn - Phú Quốc, Ngàn Sao. Với kiến thức sâu sắc, Huệ để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách tới Phú Quốc.  Năm 2002, Huệ chia tay với nghề hướng dẫn viên và quyết định “về với Cội Nguồn”.

Huệ cội nguồn và “bảo tàng lịch sử” trên đảo Phú Quốc ảnh 3
Bộ rìu đá thế kỷ 15 trước công nguyên Huệ sưu tầm được trong dân

Vay được 30 triệu đồng, 2 vợ chồng (vợ Huệ trước đó làm cho khách sạn Sài Gòn - Phú Quốc) quyết tâm xây dựng một điểm tham quan “không đụng hàng” với ai.

Do số vốn quá ít ỏi, nên những chiều vắng khách, 2 vợ chồng với chiếc xe đạp cọc cạch, đi lượm vỏ các loại nhuyễn thể ven biển về gia công lại bán cho du khách.

Gom góp, chắt chiu từ những vỏ sò, vỏ ốc, từ những rễ cây, cục đá… Giờ đây vợ chồng Huệ có vốn tài sản nhiều tỷ đồng. Từ một người làm thuê hiện anh đang sử dụng 16 nhân viên tại Cội Nguồn với kế hoạch thuê cử nhân chuyên ngành bảo tàng về đào tạo nhân viên, giúp cách bài trí hiện vật, thuyết trình. 

Khoảng 90% du khách đến đảo Phú Quốc ghé thăm khu du lịch của gia đình Huệ, điều này thể hiện sức hút của “Cội Nguồn”. Cái triết lý tìm về Cội Nguồn của vợ chồng Huệ xây dựng đó là một thế giới động thực vật của rừng, của biển Phú Quốc, từ những con ốc biển đến giống chó xoáy Phú Quốc; từ những công cụ bằng đá thô sơ  có niên đại ngàn năm đến những hiện vật, tư liệu đương đại.

Cội nguồn đó còn là những vật vốn vô tri được anh nâng niu, thổi vào đó hình ảnh, tâm hồn sống động mang nét văn hóa Phú Quốc. Huệ còn sưu tầm cho mình “một bụng” thơ, văn nói về Phú Quốc.

Tất cả được nhặt nhạnh, gom góp bằng niềm đam mê, bằng tình yêu máu thịt quê hương. Nên nhiều người gọi Huệ bằng biệt danh trìu mến: “Huệ Cội Nguồn”.

MỚI - NÓNG