Hợp tác giữa Kho bạc Nhà nước và Quỹ Tiền tệ quốc tế

Hợp tác giữa Kho bạc Nhà nước và Quỹ Tiền tệ quốc tế
Với việc tổ chức thành công 03 Hội thảo quốc tế và 03 đợt làm việc với các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2019 có thể coi là một năm hợp tác thành công rực rỡ giữa KBNN và IMF đồng thời cũng tạo tiền đề, cơ sở vững chắc cho các hoạt động hợp tác trong tương lai.

Trong năm 2019, KBNN đã hợp tác với IMF tổ chức các hội thảo để trao đổi, thảo luận các nội dung về quản lý ngân quỹ, đổi mới chức năng quản lý của KBNN, định hướng Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 – 2030. Bên cạnh đó, KBNN đã phối hợp với IMF và Văn phòng Phát triển năng lực của IMF tại Thái Lan (CDOT) tổ chức các hoạt động đào tạo trực tuyến, đào tạo thông qua hình thức hội thảo, đào tạo tại nước ngoài (Thái Lan, Singapore, Ấn Độ..).

KBNN đã nhận được sự hỗ trợ của IMF trong việc đánh giá hiện trạng và xây dựng các định hướng cải cách, hiện đại hóa dài hạn của KBNN. Các chuyên gia IMF đã đánh giá đầy đủ, khách quan về mức độ phát triển của KBNN; đồng thời, đưa ra các khuyến nghị cải cách phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để KBNN hoàn thiện Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030 và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong lĩnh vực thực hiện ngân sách, các chuyên gia của IMF đã hỗ trợ cho KBNN, tư vấn các khuyến nghị về những nội dung bao gồm: Đề xuất định hướng đổi mới cơ chế kiểm soát cam kết chi cho phù hợp với thông lệ quốc tế, thực hiện quản lý cam kết chi trước khi đơn vị tổ chức đấu thầu, ký kết hợp đồng, phù hợp với ngân sách trung hạn và hàng năm; gắn kết dữ liệu thông tin điện tử và ghi nhận dữ liệu giữa các đơn vị đơn vị sử dụng ngân sách với hệ thống KBNN; thực hiện kiểm soát chi điện tử, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sử dụng ngân sách gắn với quản lý chi ngân sách theo rủi ro và hoàn thiện cơ chế kiểm toán nội bộ của các bộ, ngành, địa phương; chuyển dần từ kiểm soát chi theo kết quả đầu vào sang kết quả đầu ra.

Trong lĩnh vực quản lý ngân quỹ, chuyên gia IMF đã hỗ trợ các nội dung về: Tài khoản tập trung (TSA), dự báo dòng tiền; bộ đệm ngân quỹ và khoảng ngân quỹ mục tiêu, mối quan hệ giữa quản lý ngân quỹ và quản lý nợ và thiết kế về thể chế, xây dựng chiến lược đối với các hoạt động về huy động vốn và quản lý ngân quỹ, xây dựng thông tư hướng dẫn giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP của KBNN, xây dựng quy trình quản lý rủi ro trong quản lý ngân quỹ.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chương trình hỗ trợ kỹ thuật của IMF với các nội dung làm việc về rà soát dự thảo Chiến lược phát triển KBNN và xây dựng kế toán đồ cải tiến (COA) có ảnh hưởng lớn đến việc nâng cấp hệ thống TABMIS (xây dựng hệ thống ngân sách kế toán số (VDBAS)), là nội dung công việc quan trọng sắp tới của KBNN. Việc nắm bắt được các khuyến nghị của tư vấn IMF về chiến lược, COA cải tiến giúp cho cục KBNN có thể chuẩn bị các phương án nghiên cứu, tìm hiểu và tham khảo tư vấn quốc tế để thực hiện các bước nâng cấp hệ thống TABMIS, xây dựng hệ thống VDBAS. Các đánh giá, khuyến nghị của IMF về các nội dung Báo cáo Tài chính Nhà nước, kiểm soát chi, thu, chi ngân sách và thanh toán, quản lý ngân quỹ … cũng là những gợi ý quan trọng để KBNN tham khảo trong quá trình xây dựng, phát triển các hệ thống CNTT của KBNN trong giai đoạn sắp tới.

Trong lĩnh vực kế toán nhà nước và kiểm toán nội bộ, các chương trình hỗ trợ kỹ thuật của IMF đã cung cấp các kinh nghiệm quốc tế hữu ích giúp  KBNN xây dựng Báo cáo tài chính nhà nước và kế toán đồ cải tiến, hoàn thiện chất lượng báo cáo quyết toán NSNN, cung cấp các thông tin tổng quan về kiểm toán nội bộ, dự kiến thời gian thiết lập và triển khai kiểm toán nội bộ; cấu trúc, quản trị, chính sách, các quy trình thủ tục, theo dõi, đo lường kết quả kiểm toán nội bộ và phân biệt chức năng thanh tra - kiểm tra với kiểm toán nội bộ.

Về nội dung hợp tác trong năm 2020, KBNN và IMF đã trao đổi và thống nhất chương trình hợp tác kỹ thuật năm 2020 theo các lĩnh vực bao gồm: Quản lý quỹ NSNN, kế toán đồ (COA),các quỹ tài chính nhà nước, quản lý ngân quỹ, kế toán và báo cáo, kiểm toán nội bộ.

Cụ thể, đối với hoạt động quản lý quỹ NSNN và các quỹ tài chính nhà nước, KBNN và IMF dự kiến làm việc về các nội dung: Nghiên cứu kiểm soát NSNN (từ khâu phân bổ, kiểm soát dự toán trước khi đấu thầu, ký kết và ghi nhận thông tin hợp đồng, tiếp nhận thông tin hợp đồng, tiếp nhận hàng hóa, dịch vụ, gửi đề nghị thanh toán, thực hiện thanh toán, kế toán và quyết toán tại đơn vị chi tiêu và KBNN) thông qua hệ thống thông tin tích hợp. Gắn với việc hoàn thiện quy định của pháp luật hiện hành; xây dựng các bước trong quy trình chi ngân sách và trách nhiệm của các đơn vị có liên quan; nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách để thực hiện phương thức kiểm soát theo mức độ rủi ro, kiểm soát theo kết quả thực hiện nhiệm vụ gắn với việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị và hoàn thiện chức năng kiểm toán nội bộ của các bộ, ngành, địa phương; xây dựng khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh bổ sung các quy định về kiểm soát chi cam kết chi theo thông lệ quốc tế vào Luật NSNN, Luật KTNN và các nghị định hướng dẫn; nghiên cứu hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện quản lý cam kết chi trung hạn, cam kết chi trước khi ký hợp đồng và đơn vị thực hiện theo dõi nhập dữ liệu về cam kết chi trên hệ thống CNTT.

Đối với nội dung cải thiện kế toán đồ (COA) và công tác báo cáo kế toán – tài chính, KBNN và IMF dự kiến làm việc về các nội dung: Đề cương sơ bộ về cấu trúc COA mới đáp ứng yêu cầu quản lý của Việt Nam và khuyến nghị các lộ trình cải thiện thông tin báo cáo tài chính Nhà nước, mối quan hệ giữa báo cáo tài chính Nhà nước và báo cáo thống kê tài chính Chính phủ (GFS).

Đối với nội dung về kiểm toán nội bộ và quản lý ngân quỹ, KBNN và IMF dự kiến làm việc về các nội dung: Khuyến nghị về mô hình kiểm toán nội bộ KBNN liên quan đến hoạt động quản lý quỹ NSNN phù hợp với thực tế tại Việt Nam; hỗ trợ dự báo dòng tiền, xây dựng bộ đệm ngân quỹ và khoảng ngân quỹ mục tiêu.

Ngoài ra, KBNN tiếp tục phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ (Vụ Ngân sách Nhà nước, Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán) làm việc với đoàn chuyên gia của IMF về các nội dung hỗ trợ: Thiết kế đổi mới kế toán đồ; rà soát chế độ kế toán tại Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp và các biểu mẫu, nội dung của báo cáo quyết toán NSNN) trong năm 2020 và các năm tiếp theo.

Về hình thức hợp tác, KBNN tiếp tục tăng cường đối thoại cấp kỹ thuật trực tiếp với IMF - CDOT hoặc thông qua các chương trình hợp tác trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Tài chính và IMF nhằm kết nối kịp thời nhu cầu của KBNN và khả năng hỗ trợ của IMF để chủ động hơn nữa trong việc xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, tiếp tục các hỗ trợ kỹ thuật thông qua các đợt công tác của các chuyên gia tư vấn, đồng thời, tăng cường năng lực cho cán bộ KBNN thông qua các chương trình hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ...

Với kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế trên nền tảng các lĩnh vực thế mạnh của IMF/ CDOT và sự phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị KBNN, KBNN với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan, tin tưởng các hoạt động hợp tác tiếp theo giữa KBNN và IMF sẽ thu được thành công, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu và Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030.

MỚI - NÓNG