Kiểm soát quyền lực thế nào?
Ngày 30/12, Hội đồng khoa học, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội thảo thí điểm hợp nhất cơ quan thanh tra nhà nước và cơ quan kiểm tra của Đảng. TS. Phạm Thị Huệ, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) cho biết, cơ quan này đã thực hiện nghiên cứu khảo sát việc thí điểm hợp nhất hai cơ quan tại 13 tỉnh, thành trong cả nước.
Theo bà Huệ, vấn đề hợp nhất hai cơ quan này đã được đặt ra từ cách đây 10 năm. Đến nay đã có tổng cộng 11 địa phương thực hiện thí điểm, trong đó có Hà Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Hải Phòng… Các địa phương khác chỉ thí điểm ở cấp huyện, riêng Hà Giang đã thí điểm hợp nhất hai cơ quan cấp tỉnh.
Kết quả khảo sát cho thấy, việc thí điểm hợp nhất hai cơ quan giúp thu gọn bộ máy, giảm số lượng, chức danh lãnh đạo, như Hà Giang sau hợp nhất đã giảm số lượng phòng chuyên môn từ 11 xuống 6 phòng, số lượng công chức giữ chức danh trưởng phòng giảm từ 10 người xuống 6 người, cấp phó giảm từ 14 xuống 12 người. Hay tại Quảng Ninh, sau khi hợp nhất 14/14 huyện thị đối với cơ quan tổ chức với phòng nội vụ, uỷ ban kiểm tra với thanh tra cấp huyện đã giảm 28 đầu mối. Đồng thời chủ trương này cũng đảm bảo tính đồng bộ, giảm chồng chéo, trùng lắp, tránh bỏ sót, tạo sự gắn kết và phân công rõ trách nhiệm.
Tuy nhiên, theo đoàn giám sát, việc thí điểm hợp nhất cũng gặp phải những khó khăn, vướng mắc, điển hình sau hợp nhất không còn cơ quan thanh tra trong bộ máy nhà nước, còn bên Đảng, cơ quan ủy ban kiểm tra vẫn tồn tại và có phạm vi, quy mô tổ chức bộ máy lớn hơn, nhiệm vụ quyền hạn rộng hơn.
“Một câu hỏi lớn là tới đây, khi thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng 2018 và Nghị định số 59 của Chính phủ về kiểm soát thu nhập, tài sản thì chức năng kiểm soát được quy định cho cơ quan thanh tra sẽ do chủ thể nào thực hiện ở những địa phương đã hợp nhất? Nếu do bộ phận thực hiện chức năng thanh tra trong cơ quan ủy ban kiểm tra – thanh tra thực hiện thì vẫn do Đảng thực hiện. Thực tế này đặt ra câu hỏi lớn về kiểm soát quyền lực nhà nước”, bà Huệ nêu băn khoăn.
Cùng với đó, quá trình thực hiện chức năng thanh tra của cơ quan sau hợp nhất sẽ chịu sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND hay Bí thư? Ai là người có thẩm quyền ban hành chương trình, kế hoạch thanh tra, quyết định thành lập đoàn, ban hành kết luận thanh tra? Nếu bí thư và chủ tịch UBND bất đồng ý kiến chỉ đạo, thì ý kiến của ai sẽ đóng vai trò quyết định? Khi có khiếu kiện hành chính, người đại diện sau hợp nhất là Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra có phải tham dự phiên tòa hay không?
“Từ góc độ kiểm soát quyền lực, khi quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước sau hợp nhất sẽ gộp vào một chủ thể thì cơ chế kiểm soát nào để cá nhân người đứng đầu cơ quan sau hợp nhất sẽ không độc đoán, chuyên quyền?”, đại diện đoàn khảo sát nêu. Bên cạnh đó, việc hợp nhất cũng tác động nhiều đến tâm tư tình cảm của cán bộ công chức, gây hoang mang lo lắng và làm việc cầm chừng.
Từ thực tế khảo sát, theo bà Huệ, cần tạm dừng việc thí điểm hợp nhất để tổng kết, đánh giá, định hướng cho công tác thanh tra, kiểm tra trong giai đoạn tiếp theo. Đồng thời cần xác định rõ, cụ thể sự giống và khác nhau giữa hợp nhất giữa hai cơ quan và việc nhất thể hóa chức danh người đứng đầu. Đặc biệt cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện để thống nhất về nhận thức và cách thức thực hiện.
Hợp nhất như “nhập đường sắt với đường bộ”
Tại hội thảo, Uỷ viên Uỷ ban kiểm tra Trung ương Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, trên thực tế đến nay vẫn chưa có ý kiến chính thức nào của trung ương bàn về việc hợp nhất này. Câu hỏi đặt ra là có cần thiết không và nếu hợp nhất hai cơ quan như vậy thì có hoạt động được không? Có tinh giản được biên chế, tiết kiệm được ngân sách không?
Theo ông Hiệp, Đảng lãnh đạo và hóa thân vào nhà nước nhưng không có nghĩa là hóa thân hết, một số cơ quan như kiểm tra, tổ chức, dân vận thì không thể hóa thân được. “Môi trường hoạt động của cơ quan kiểm tra với cơ quan thanh tra cũng giống như ông đường sắt với đường bộ thì có nhập vào được không?”, ông Hiệp nhấn mạnh rằng, hoạt động của cơ quan kiểm tra và thanh tra rất khác nhau, một bên làm theo nghị quyết, quy định của Đảng, còn một bên theo pháp luật nhà nước. Việc xử lý cũng khác nhau, một bên là hành chính và một bên là kỷ luật Đảng.
Một bất cập khác theo ông Hiệp là cơ chế hoạt động, nguyên tắc và nguyên lý hoạt động giữa hai bên. Bên thanh tra hoạt động chế độ thủ trưởng, chịu trách nhiệm cá nhân, nhưng kết luận của ủy ban kiểm tra là nghị quyết của Đảng, cả ủy ban họp, bỏ phiếu và đó là nghị quyết xử lý, không có cá nhân chủ nhiệm, hay phó chủ nhiệm ký và chịu trách nhiệm. “Vậy sau khi hợp nhất, giữa ông Phó Tổng thanh tra với phó chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra sẽ như thế nào? Điều này tôi cũng chưa hình dung được”, ông Hiệp nói.
Ông Hiệp cho rằng, nếu cơ quan kiểm toán và thanh tra hợp nhất, sáp nhập thì sẽ phù hợp hơn. Còn bộ máy của Đảng với nhà nước hoàn toàn chạy trên hai miền khác nhau, nếu hợp nhất thì cũng giống như nhập đường sắt với đường bộ rồi cho ô tô với tàu hỏa đi chung. “Cứ sáp nhập cơ học rồi chạy một lúc lao lung tung thì không được", ông Hiệp lưu ý.