60 năm đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961-23/10/2021)

Hòn Hèo hôm nay

0:00 / 0:00
0:00
Thế hệ trẻ Khánh Hòa thả hoa tưởng niệm các chiến sĩ tàu không số C235 tại bến Hòn Hèo. Ảnh: Công Hoan
Thế hệ trẻ Khánh Hòa thả hoa tưởng niệm các chiến sĩ tàu không số C235 tại bến Hòn Hèo. Ảnh: Công Hoan
TP - Một ngày giữa tháng 10, chúng tôi có dịp trở lại xã đảo Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), vùng đất khắc ghi sự hy sinh anh dũng của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cùng 13 chiến sĩ tàu không số C235 hàng chục năm về trước tại bến Hòn Hèo.

Ninh Vân ngày đó là căn cứ cách mạng của quân địa phương, bến tiếp nhận vũ khí và lương thực của các chuyến tàu không số tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Vùng đất khói lửa năm xưa nay đang đổi mới từng ngày. Người dân ở đây không lúc nào quên ơn các chiến sĩ hải quân đã ngã xuống vì ấm no, hạnh phúc của dân tộc.

Đổi mới từng ngày

Xã Ninh Vân nằm về phía cực Đông của thị xã Ninh Hòa, cách trung tâm thị xã khoảng 36km về phía Đông Bắc, có chiều dài bờ biển 25km. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Ninh Vân là vùng đất cách mạng ghi dấu nhiều chiến công trong sự nghiệp giải phóng đất nước.

Dẫn vào xã đảo Ninh Vân là cung đường đèo với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ. Một bên là rừng núi trập trùng, một bên là bãi biển xanh trong với bờ cát trắng uốn lượn. Trên đường đưa chúng tôi vào Ninh Vân, ông Nguyễn Văn Lương (phụ trách Nhà truyền thống thị xã Ninh Hòa) kể: “Sau giải phóng, Ninh Vân còn là một bán đảo nghèo, vùng xa. Dân ở đây chỉ có vài chục hộ chủ yếu làm nông và đánh bắt hải sản nên cuộc sống có nhiều khó khăn. Trước đây, con đường nối xã Ninh Vân với thị xã Ninh Hòa chưa có nên mỗi khi học sinh lên lớp 10 hoặc người trong xã có việc cần vào thị xã thì phải đi ghe vào Hòn Long Phú (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa - PV) rồi đi đường bộ ngược ra mới tới được thị xã Ninh Hòa. Việc đi lại như thế vô cùng bất tiện và mất nhiều thời gian. Đến năm 2007, con đường đèo nối Ninh Vân và thị xã Ninh Hòa được mở, người dân phấn khởi lắm”.

Hòn Hèo hôm nay  ảnh 1

Thế hệ trẻ Khánh Hòa nghe kể chuyện về các chiến sĩ tàu không số C235 tại bến Hòn Hèo. Ảnh: Công Hoan

Nhờ thiên nhiên ưu đãi, Ninh Vân sở hữu bãi biển rộng xanh biếc quanh năm với bờ cát mịn, sóng biển nhẹ nhàng và những ghềnh đá nối nhau nhô ra biển lớn. Từ phía dưới nhìn lên, các dãy núi cao bao phủ bởi một màu xanh cây lá. Tất cả tạo nên một vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ rất thích hợp cho du khách tham quan, nghỉ dưỡng. “Thời gian gần đây, du lịch sinh thái, giao lưu văn hóa và trải nghiệm đời sống của người dân miền biển đã trở thành thế mạnh tại xã Ninh Vân. Giờ đây, mảnh đất lịch sử với kỳ tích tàu C235 huyền thoại lại trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng”, ông Trà Văn Hải - Chủ tịch UBND xã Ninh Vân, tự hào nói.

“Địa chỉ đỏ” cho thế hệ trẻ!

Năm 1993, người dân xã Ninh Vân đã lập bia tưởng niệm 14 cán bộ, chiến sĩ tàu C235 hy sinh tại bến Hòn Hèo. Sau đó, UBND thị xã Ninh Hòa đã xây dựng di tích địa điểm lưu niệm tàu C235 tại đây. Đến năm 2014, di tích tàu không số C235 được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Di tích tàu không số C235 tại Hòn Hèo đang được người dân bảo tồn, tôn tạo và “huyền thoại C235” luôn được họ nhắc lại cho con cháu mai sau.

Ngày 1/10/2021, Tỉnh Đoàn Khánh Hòa đã tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ tàu C235; cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã hy sinh tại bến Hòn Hèo. Tại đây, thế hệ trẻ Khánh Hòa đã dâng hương tưởng niệm và thả hoa trên biển tri ân các anh hùng liệt sĩ tàu C235 và các anh hùng, liệt sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tại bến Hòn Hèo, thế hệ trẻ được nghe về truyền thống hào hùng bất khuất của cha anh.

Ông Nguyễn Văn Lương (phụ trách Nhà truyền thống thị xã Ninh Hòa) tự hào cho biết: “Nhiều hiện vật và tư liệu liên quan đến tàu không số C235 cùng những đơn vị kháng chiến tại Hòn Hèo đã được người dân lưu giữ và sau này còn được đem về trưng bày tại Nhà truyền thống của thị xã Ninh Hòa. Ngoài ra, nhiều hình ảnh hiếm hoi chụp tại thời điểm ấy cũng đã được sưu tầm và treo trong bảo tàng của thị xã”. Dẫn lối cho chúng tôi, ông giới thiệu địa điểm và kể nhiều câu chuyện về di tích Hòn Hèo như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp.

Di tích Hòn Hèo nằm trên một gộp đá lớn với một bên là biển. Lối vào khu tưởng niệm là một bia đá ghi tóm tắt lại sự kiện năm 1968 của các chiến sĩ trên tàu C235. Bên trong là nơi người dân thường lui tới dâng hương, ở đây có tấm bia lớn khắc tên 14 anh hùng đã hy sinh anh dũng trong trận chiến tại Hòn Hèo ngày 1/3/1968. Khi thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cho kích nổ tàu, một mảnh vỏ tàu bị văng lên đất liền. Mảnh vỡ ấy được người dân trưng bày trong một tủ kính bên cạnh tấm bia. Trên bức tường nhà tưởng niệm còn được treo những bức ảnh về trận chiến năm nào.

Ông Trà Văn Hải - Chủ tịch UBND xã Ninh Vân, cho biết: Từ khi xây dựng di tích tàu C235 tại xã Ninh Vân, người dân tại đây thường xuyên lui tới quét dọn và thắp hương cho các liệt sĩ. Vào ngày 1/3 hằng năm, Đoàn thanh niên xã Ninh Vân tổ chức cho thanh thiếu niên trong xã đến đây dâng hương, tưởng niệm các thủy thủ tàu không số C235.

“Mỗi khi thị xã Ninh Hòa có những hoạt động về nguồn đều chọn di tích này để làm nơi tổ chức. Đặc biệt nhất là triển lãm ảnh “những sự kiện lịch sử tiêu biểu tại thị xã Ninh Hòa” năm 2017 và chương trình “Chuyến hành trình về địa chỉ đỏ - tàu không số C235” năm 2019. Hai hoạt động này giúp thế hệ trẻ tìm hiểu lịch sử quê hương với cách thức sinh động hơn, giáo dục truyền thống lịch sử đấu tranh, lòng yêu nước của nhân dân ta và truyền thống của Hải quân Nhân dân Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ đó, bồi đắp lòng tự hào dân tộc giúp các đoàn viên, thanh niên thêm yêu quê hương, đất nước”, ông Hải chia sẻ.

Thời gian cứ trôi, nhưng câu chuyện các chiến sĩ tàu không số C235 vẫn mãi hằn sâu trong muôn thế hệ. Nhân kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, ngày 23/10 năm nay, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ tổ chức chương trình “Tuyên truyền kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển” để ôn lại những sự kiện hào hùng gắn liền với con đường huyền thoại này.

MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.