60 năm đường Hồ Chí Minh trên biển: Những chuyến đi đặc biệt

0:00 / 0:00
0:00
Đoàn 125 xếp hàng lên tàu không số để vận chuyển, chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh: T.L
Đoàn 125 xếp hàng lên tàu không số để vận chuyển, chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh: T.L
TP - Sau khi có hướng đi mới, nhiều chuyến vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam được các tàu không số tiếp tục thực hiện. Khi chuyển sang một tàu khác, lái tàu Vũ Trung Tính đã có những chuyến giao hàng ở những thời điểm đáng nhớ trong đời.

Lập công dâng Bác

Cựu chiến binh (CCB) Vũ Trung Tính kể, đầu tháng 9/1969, sau khi vừa thực hiện nhiệm vụ trở về, ông và các đồng đội lặng người khi nghe tin Bác mất. Lúc này, Vũ Trung Tính đang ở cảng K20 (Thủy Nguyên, Hải Phòng) thì được lệnh trở về Lữ đoàn 125 gấp.

Tại đây, ông được lãnh đạo Lữ đoàn cho biết, thời điểm này rất quan trọng khi Bác vừa mất, Hội nghị Paris đang ở thế giằng co, trong khi chiến trường miền Nam thiếu vũ khí nghiêm trọng. Hiện Lữ đoàn quyết định điều tàu số hiệu 154 vận chuyển vũ khí đợt này và điều động ông Vũ Trung Tính sang đây để thực thi nhiệm vụ.

Trước đó, tàu 154 đã điều 2 cán bộ từng là thuyền trưởng, 2 người từng là thuyền phó ở những tàu khác, nay điều thêm ông Tính cũng là thuyền trưởng một tàu, còn những thành viên khác đều là những cán bộ, chiến sĩ có năng lực. Đợt này, ông Tính được bổ nhiệm là thuyền phó hàng hải tàu 154, hỗ trợ cho thuyền trưởng Nguyễn Văn Bé.

Tối 17/9/1969, xuất phát từ cảng Vạn Hoa (Vân Đồn, Quảng Ninh), tàu 154 đi tới đảo Hải Nam (Trung Quốc) thì gặp tàu khu trục thuộc Hạm đội 7 của Mỹ. Tàu 154 phải chuyển hướng, rồi dừng lại buông lưới đánh cá để che mắt địch. Nhưng tàu khu trục vẫn lượn lờ bên cạnh, trong khi trên trời máy bay trinh sát của hải quân địch thỉnh thoảng lại lượn trên đầu khiến các thành viên tàu 154 phải luôn bình tĩnh, bởi chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể bị lộ.

Trong tình thế bị theo dõi, tàu 154 dần đi ra vùng biển quốc tế, vòng qua các nước Philippines, Indonesia, Malaysia để đánh lạc hướng địch. Việc đi vòng này khiến các thành viên trên tàu có chút lo lắng, bởi trước khi lên đường, để tận dụng tối đa trọng tải chở vũ khí, tàu 154 đã bớt đi khá nhiều lượng nước ngọt và lương thực, thực phẩm dự trữ. Đơn cử lượng nước ngọt dành cho mỗi người chỉ khoảng 1 lít mỗi ngày, nên chủ yếu để uống, còn tắm bằng nước biển. Những ngày mưa, họ mới tranh thủ lên boong tàu để tắm.

Sau 5 ngày hành trình, thấy tình hình êm, tàu 154 chuyển hướng bắt tín hiệu vào Hòn Khoai để chuẩn bị giao hàng tại bến Bồ Đề (Cà Mau). Nhưng bất ngờ, tàu 154 nhận tín hiệu tại Bồ Đề đang có tàu địch đón lõng nên phải chuyển hướng vào bến Vàm Hố (Cà Mau). Tới gần nơi này, tàu 154 nhận tín hiệu ba lần nháy bằng đèn pin của bến, rồi một chiếc xuồng ba lá chạy ra đón tàu cập bến Vàm Hố an toàn.

Tại đây, toàn bộ thành viên tàu 154 và bến Vàm Hố ôm nhau, vui mừng trào nước mắt. Ngay trong đêm, toàn bộ 60 tấn vũ khí được bốc dỡ an toàn. “Chuyến đi này, chúng tôi cùng nén đau thương trước sự kiện Bác vừa đi xa để cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Đây là chuyến lập công để dâng lên Bác”- CCB Vũ Trung Tính xúc động nói.

Chuyến đi hy hữu

60 năm đường Hồ Chí Minh trên biển: Những chuyến đi đặc biệt ảnh 1

Một tàu không số vận chuyển vũ khí tại đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: T.L

Đầu năm 1970, nhân dịp tết Nguyên đán Canh Tuất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến thăm và chúc tết cán bộ, chiến sĩ đoàn tàu không số tại bến K20 (Thủy Nguyên, Hải Phòng). Hôm đó, Vũ Trung Tính là một trong hai người được phân công đứng trên boong tàu không số, để Đại tướng nắm tay khi bước lên tàu. “Đây là một kỷ niệm đẹp trong đời lính hải quân của tôi”- CCB Vũ Trung Tính cho biết.

Chuyến đi tiếp theo của ông Vũ Trung Tính vào ngày 24/8/1970, khi tàu 154 xuất phát từ cảng K20, khởi hành trong mùa mưa bão. Khi tàu tới đảo Long Châu thì gặp bão lớn nên buộc phải đi ngược về hướng bắc, vòng qua đảo Hải Nam (Trung Quốc). Do kế hoạch buộc phải thay đổi, nên khi tàu vòng qua địa phận Philippines thì gặp tàu khu trục của Mỹ và một số tàu buôn nước ngoài. Tàu 154 phải vờ thả lưới, đánh cá để che mắt địch, rồi đi vòng qua Indonesia, Malaysia mới tránh được sự theo dõi của tàu khu trục.

Tại hải phận Malaysia, thấy tình hình êm, tàu 154 chuyển hướng vào Nam, bắt tín hiệu với bến Vàm Hố để giao hàng theo kế hoạch. Nhưng khi vào gần đến nơi phát hiện một số tàu chiến của hải quân địch đang neo đậu nên tàu 154 buộc phải chuyển hướng đi Bạc Liêu. Lúc này đã 3 giờ sáng, nhưng tàu buộc phải đi lệch hành trình nên chưa thể vào đất liền. Ngay vị trí vào cũng chưa xác định được.

Trước tình huống này, thuyền trưởng La Minh Tốt và chính trị viên Phạm Văn Bát bàn nhau rồi hỏi thuyền phó phụ trách hàng hải Vũ Trung Tính: “Giờ còn đủ thời gian để tàu trở lại hải phận quốc tế không?”. Vũ Trung Tính trả lời: “Không còn đủ thời gian, giờ buộc phải vào bờ. Tại đó, nếu tình huống xấu nhất phải chiến đấu, phá tàu thì một số đồng chí vẫn có thể bơi vào bờ và được cứu”. Kế hoạch này được tán thành. Tàu 154 tiến sát vào đất liền, lúc đó là 4 giờ sáng.

Đứng trên tàu, một số thủy thủ thấy trước mặt là con sông lớn, nên đoán đó là sông Gành Hào của tỉnh Bạc Liêu. Đi sâu vào một con rạch tại đây, thấy hai bên cây cối rậm rạp nên thuyền trưởng ra hiệu cho tàu dừng lại. Bỗng nhiên, thủy thủ ở mũi tàu nhìn thấy một người mặc bộ quần áo bà ba đen, vai khoác súng AR15 đi tới. Mọi người lo rằng, nếu đây là lính tuần tra ven sông thì tàu rất dễ bị lộ. Một kế hoạch đặt ra là phải bắt người này. Thuyền phó Vũ Trung Tính yêu cầu bơm xuồng cao su, rồi chỉ đạo 3 thủy thủ lên bờ bắt người mặc áo bà ba đen.

Tuy nhiên khi bị bắt, qua “khai thác”, mọi người mới biết đó là du kích địa phương đang canh gác cho một cuộc họp tại đây. Mọi việc ngụy trang tàu diễn ra thuận lợi. Công việc vừa hoàn tất thì máy bay trinh sát của địch cũng vừa tới. Hóa ra nơi đây chỉ cách đồn địch khoảng một cây số.

Sau đó, nhờ du kích tại Gành Hào giúp sức, tàu 154 lại trở ra để vào bến Vàm Hố giao vũ khí an toàn. “Do bất khả kháng, tàu 154 phải vào địa phận biển miền Nam giữa ban ngày. Đây có lẽ là chuyến đi rất khó lặp lại của các thành viên tàu không số”- CCB Vũ Trung Tính cho biết.

Sau những chuyến đi đạt thành tích cao, hai con tàu số 42 và 154 mà CCB Vũ Trung Tính từng tham gia (17 trên tổng cộng 18 lần vận chuyển vũ khí của ông) đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. CCB Vũ Trung Tính hiện nghỉ hưu và sống tại quê nhà, là Chủ tịch Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển tỉnh Thanh Hóa.

MỚI - NÓNG
Cảnh tượng chưa từng có ở Hưng Yên
Cảnh tượng chưa từng có ở Hưng Yên
TPO - Concert Anh trai vượt ngàn chông gai tại Hưng Yên tối 14/12 hút hàng chục nghìn khán giả. Nhiều người cố săn vé ngay sát giờ diễn, bất chấp giá cao. Trong thời gian chờ đợi các nghệ sĩ xuất hiện, hàng chục nghìn khán giả hát vang Quốc ca.