60 năm đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961-23/10/2021)

Tình người hậu cứ

0:00 / 0:00
0:00
Các cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ tàu C235 trong cuộc gặp tại nhà bà Hường năm 2017. Ảnh: Kiến Nghĩa
Các cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ tàu C235 trong cuộc gặp tại nhà bà Hường năm 2017. Ảnh: Kiến Nghĩa
TP - Trong số những người đã cứu chữa, chăm sóc cho các thành viên tàu C235 thoát khỏi sự truy kích của địch ngày ấy, có hai người khá đặc biệt. Sau khi kết hôn với nhau, nơi ở của họ trở thành điểm dừng chân của những đồng đội và thân nhân liệt sĩ mỗi khi đến thăm viếng các liệt sĩ tàu C235. Hằng năm, vào ngày các thủy thủ tàu C235 hy sinh, vợ chồng họ đều tổ chức cúng giỗ cho các liệt sĩ.

Ký ức tại Hòn Hèo

Trong những lần tiếp xúc với các cựu chiến binh tàu C235, tôi thường được các ông nhắc đến vợ chồng ông Nguyễn Bá Cường và bà Phạm Thị Hường. Năm xưa, bà Hường là người của bến Hòn Hèo (xã Ninh Vân, Ninh Hòa, Khánh Hòa), vào đơn vị ngày 1/3/1968 có nhiệm vụ nhận vũ khí do tàu C235 vận chuyển. Còn ông Cường khi đó là y tá Trạm xá Hòn Hèo. Ngày 1/3/1968, sau khi thả được vũ khí xuống nơi đã định tại khu vực Hòn Hèo, tàu C235 bị địch truy kích, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và 13 thành viên tàu hy sinh, còn 5 thành viên thoát khỏi vòng vây của địch. Sau 13 ngày đêm tránh sự truy kích, 5 thành viên tàu C235 gặp được người của bến Hòn Hèo, khi họ ở trong tình trạng kiệt sức vì bị thương và đói.

Bà Phạm Thị Hường cho biết, nhiều năm sau khi 5 thủy thủ tàu C235 rời khỏi bến Hòn Hèo lên đường ra Bắc, bà vẫn nhớ họ là các anh Nguyễn Hồng Phong, Lê Duy Mai, Hà Minh Thật, Lâm Quang Tuyến và Vũ Long An (nay đã mất-K.N). Bà kể, ngày ấy, sau khi đón được các thành viên tàu C235, căn cứ của bến Hòn Hèo tại xã Ninh Vân cũng bị địch tìm tới phá tan hoang. Khi đó, người của bến Hòn Hèo phải đưa các thành viên tàu C235 tránh địch. Là nữ, lại tháo vát, bà Hường đã đi đào khoai mài và tìm những thứ có thể ăn được để chăm sóc các thành viên tàu C235. “Ngày ấy, tôi chỉ có một bộ quần áo. Mỗi lần đào khoai mài về, mồ hôi ướt đẫm nhưng không có quần áo để thay. Sau khi nấu ăn xong, tôi phải nói thác với các anh là có việc ra ngoài một lúc, rồi ra suối tắm, xong mặc nguyên quần áo ngồi cho khô một chút rồi mới về”- bà Hường rưng rưng nhớ lại. Bà kể thêm, ngày ấy muỗi ở khu vực Ninh Vân-Hòn Hèo rất nhiều, nên bà thương các chiến sĩ C235 sức còn yếu, ăn chẳng có gì lại còn bị muỗi đốt. Thế là những lúc rỗi, bà đi lượm dù pháo sáng của địch mang về may cho mỗi chiến sĩ một cái bao để đến tối họ chui vào đó ngủ. “Sau này, khi chia tay các thành viên tàu C235 ra Bắc, các anh đã mang theo những cái bao này làm kỷ niệm. Các anh nói, Hường ơi, những vật này là kỷ niệm sâu sắc đối với đời lính các anh”- bà Hường cho biết.

Tình người hậu cứ ảnh 1

Bà Phạm Thị Hường (giữa) cùng các cựu chiến binh tàu C235 nói chuyện với tuổi trẻ Học viện Hải quân tại cuộc tri ân về chiến công của tàu C235 do báo Tiền Phong tổ chức năm 2017. Ảnh: Kiến Nghĩa

Ông Nguyễn Bá Cường, y tá của Trạm xá Hòn Hèo năm xưa cũng nhớ lại, sau khi được người của bến Hòn Hèo đón, hơn nửa số thành viên tàu C235 bị thương và đều trong tình trạng kiệt sức. Khi được đưa đến Trạm xá Hòn Hèo, các anh chỉ còn da bọc xương, hai hốc mắt trũng sâu vì nhịn đói, nhịn khát nhiều ngày. Khi đó, bằng mọi thứ có ở Trạm xá, mọi người cố gắng cứu chữa, tẩm bổ để các anh mau lại sức.

Tri ân các liệt sĩ

Sau khi 5 thành viên tàu C235 ra Bắc vài năm, bà Phạm Thị Hường và ông Nguyễn Bá Cường kết hôn. Họ tiếp tục sát cánh cùng nhau trong những năm tháng chiến tranh, sau giải phóng đều phấn đấu và trưởng thành. Ông Nguyễn Bá Cường sau làm Bí thư Huyện ủy Ninh Hòa (nay là thị xã Ninh Hòa), còn bà Phạm Thị Hường làm Bí thư Chi bộ Xí nghiệp muối Diêm Hải (tỉnh Khánh Hòa).

“Hôm nay chúng ta lại được gặp nhau và con của các liệt sĩ tàu C235 cũng có mặt tại đây, chúng tôi mong rằng những cuộc hội tụ như thế này vẫn sẽ diễn ra, để cùng tưởng nhớ đến những người đã khuất”.

Vợ chồng bà Phạm Thị Hường chia sẻ trong lần gặp mặt nhân 70 năm ngày thương binh liệt sĩ

Cùng trải qua những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, khi được sống trong hòa bình, vợ chồng bà Hường vẫn luôn nhớ về những đồng đội, những liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất quê hương mình. Sau khi địa phương xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ tại phường Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa), vợ chồng bà Hường có ý tưởng xây thêm một nhà thờ bên trong để thắp hương cho các liệt sĩ. Được địa phương đồng ý, vợ chồng bà góp một số tiền không nhỏ ban đầu để xây nhà thờ. Sau đó, nhờ mọi người ủng hộ và đóng góp theo hình thức xã hội hóa, nhà thờ được xây dựng khang trang trong khuôn viên Đài tưởng niệm liệt sĩ của địa phương. Từ khi nhà thờ được xây dựng xong năm 2011, vào những ngày Rằm, mùng Một hàng tháng, ngày thương binh liệt sĩ 27/7- vợ chồng bà đều mua hương hoa đến lễ tại đây.

Tại nhà thờ trên, mỗi khi đến thắp hương, vợ chồng bà Hường đều tưởng nhớ đến các liệt sĩ tàu C235 đã hy sinh tại huyện nhà. Bên cạnh đó, vào ngày 1/3 hằng năm, ngày các thủy thủ tàu C235 ngã xuống, vợ chồng bà đều đến khu vực Hòn Hèo để cúng lễ, tưởng nhớ các anh. “Sau này khi vợ chồng tôi mất đi, con chúng tôi sẽ tiếp tục làm những việc đó”- bà Hường cho biết.

Ngoài việc làm trên, nhiều năm qua, ngôi nhà của vợ chồng bà Phạm Thị Hường cũng luôn là điểm dừng chân, nghỉ lại của các cựu binh tàu không số, thân nhân các liệt sĩ tàu C235 mỗi khi họ tới thăm Hòn Hèo. Nhớ lại cách đây hơn 4 năm, nhân kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ 27/7, khi báo Tiền Phong tổ chức các hoạt động tri ân về chiến công của tàu C235 tại Hòn Hèo, người viết bài này có dịp cùng các các thành viên tàu C235 và thân nhân các liệt sĩ của tàu đã đến chơi nhà bà Phạm Thị Hường. Tại đây, trong căn nhà rộng rãi của gia chủ mến khách, chúng tôi thấy có một số tủ đựng chăn màn, bát đĩa… Hỏi chuyện mới biết, những ai đến thăm viếng liệt sĩ tàu C235 tại Hòn Hèo, nếu cần dừng chân tại đây thì gia chủ luôn sẵn lòng mời cơm, mời nghỉ lại.

Cũng tại nhà bà Phạm Thị Hường hôm đó, bốn cựu thành viên tàu C235 Lê Duy Mai, Nguyễn Hồng Phong, Hà Minh Thật, Lâm Quang Tuyến cũng có dịp ôn lại những chuyện năm xưa. Họ cho biết, sau khi rời Hòn Hèo để lên đường ra Bắc, mãi tới năm 2011, đầy đủ 4 thành viên tàu C235 nói trên mới có dịp gặp lại bà Hường, ông Cường. Tất cả đều rưng rưng sau 43 năm gặp lại. Họ đã chia sẻ với nhau rằng, chiến tranh đã qua đi, dù thời gian gặp nhau bị gián đoạn khá lâu, nhưng trong tâm khảm mỗi người luôn coi nhau là đồng đội.

MỚI - NÓNG