Từ ngày được đặc xá, “cựu tử tù” vẫn canh cánh trách nhiệm phải hoàn thành nghĩa vụ thi hành án và làm rõ cái chết đầy uẩn khúc của người em ruột.
Nhân trả oán
Ở tuổi xế chiều, vị đại gia từng được suy tôn là “ông vua bất động sản” vẫn ở nhà thuê, tự đi chợ nấu ăn thui thủi một mình. Ngày bị dẫn giải vào khu biệt giam của tử tù, Liên Khui Thìn xin ly hôn để khỏi vướng bận, làm khổ vợ con. Sau nhiều biến cố, niềm an ủi lớn nhất với ông là thuyền xưa đã tìm được bến đỗ. Đứa con duy nhất ngày ông vướng vào lao lý vẫn còn trong bụng mẹ, bây giờ đã là một người đàn ông thành đạt. Và, bên cạnh ông vẫn còn những người bạn tử tế. Họ hỗ trợ ông khởi nghiệp lại từ hai bàn tay trắng và đồng hành với ông trong hành trình đi tìm công lý.
Những ngày Sài Gòn giãn cách xã hội, Liên Khui Thìn giam mình trong căn hộ 70 m2 củng cố thêm hồ sơ, chứng cứ để cung cấp cho cơ quan điều tra. Ông tin các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ sớm làm rõ, thu hồi tài sản thất thoát để ông tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thi hành án cho Nhà nước.
“Sau khi bị bắt, em tôi bị giam giữ tại TPHCM hơn một năm mà không đưa ra xét xử. Đến lúc em tôi bị suy kiệt thì được thả ra và sau khoảng một năm em tôi mất. Vụ nó tố cáo bị chìm xuồng”. Ông Liên Khui Thìn
Nói về những người liên quan đến vụ án, Liên Khui Thìn lại tự trách mình. Họ một thời từng là đồng đội. Có người cùng ông xuống đường trong những năm tháng hào hùng của phong trào sinh viên tại Sài Gòn. Có người là đồng nghiệp cũ, từng có quan hệ gia đình ruột thịt. Liên Khui Thìn nhớ lại: “Tôi bắt đầu làm kinh tế năm 1982. Từ một tổ hợp nhỏ, sau 15 năm, công ty Epco do tôi điều hành có doanh số mỗi năm hàng trăm triệu đô la. Lực lượng lao động lên tới 15.000 người. Thương hiệu Epco được các nước Mỹ, Úc, Châu Âu công nhận. Năm 1996, hải sản Epco còn được Mỹ trao cúp vàng chất lượng”.
|
Đại gia Liên Khui Thìn tiếp tục bỏ vốn thành lập một số công ty trong hệ sinh thái của Epco và phát triển rất nhanh như Công ty TNHH Hồng Long, Công ty TNHH An Khánh, Công ty TNHH Hồng Long – Nha Trang. Đồng đội, đồng nghiệp cũ đến tìm ông. Người thì suýt ngồi tù vì "dính" đến buôn lậu, kẻ vừa bị cơ quan kỷ luật… Thương bạn, ông tiếp nhận và bổ nhiệm họ vào các vị trí quan trọng trong công ty Epco và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái. Ông còn cho bạn đứng tên cổ phần công ty và chu cấp tiền cho con bạn du học.
Vụ án EPCO – Minh Phụng bùng ra. Liên Khui Thìn bị bắt. Ông thổ lộ rằng, tại cơ quan điều tra, khi đặt bút ký giấy ủy quyền điều hành công ty, có ác mộng Liên Khui Thìn cũng không tin có ngày những người ông cưu mang, tin tưởng lại sẽ đẩy ông xuống vực thẳm. Theo ông thì, thay vì tìm cách xử lý công nợ, nhiều người lợi dụng mặt bằng, nhà đất… chưa hoàn thiện về pháp lý để chiếm đoạt.
Giao trứng cho ác
Ông Thìn kể rằng, nhiều tài sản của ông đã được Nhà nước kê biên để đảm bảo thi hành án cũng bị những người điều hành các công ty tẩu tán. Có người khai man với cơ quan đăng ký kinh doanh để chiếm đoạt công ty. Vì chậm khắc phục hậu quả, Liên Khui Thìn không được hưởng các tình tiết giảm nhẹ. May mà số của ông chưa tận. Ông Thìn được Chủ tịch nước tha tội chết. Trong tù, ông cố gắng cải tạo. Ông tình nguyện hỗ trợ trại giam xử lý ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho trại nên được giảm án. Ngày 2/9/2009, ông Liên Khui Thìn được đặc xá.
Ngày 16/4/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 25/QĐ-CSKT-P10 về “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại công ty TNHH Epco (TPHCM) và một số đơn vị có liên quan".
Có lần, tôi hỏi cựu tử tù lý do không chịu buông bỏ cuộc chiến pháp lý đầy cam go để sống thanh thản nốt phần đời còn lại. Liên Khui Thìn nói ông còn nghĩa vụ thi hành trách nhiệm dân sự theo bản án.Trong quá trình tố tụng, ông khai báo phần tài sản và cổ phần trong các công ty nhưng vì nhiều lý do, các cơ quan có trách nhiệm đã bỏ sót hoặc áp dụng cách tính toán không thực tế làm một khối lượng tài sản có giá trị rất lớn bị thất thoát. Liên Khui Thìn tin, chỉ cần thu hồi một số mặt bằng, khu đất bán đấu giá sẽ thừa khả năng thực hiện nghĩa vụ cho Nhà nước vì đến thời điểm này, ông chỉ còn liên đới bồi thường 481 tỷ đồng.
Cựu tử tù cho biết chỉ cần bán một số biệt thự, khu đất ở các vị trí đắc địa, các ngân hàng cho ông vay tiền đã thu hồi đủ số nợ. Đó là chưa nói các tài sản thế chấp đã bị một số ngân hàng bán chỉ định cho một số người với giá rẻ mà không bán đấu giá theo quy định. Người mua sau đó đã chuyển nhượng tài sản trên theo giá thị trường cao gấp hàng chục lần để thu lợi. Đơn cử như Cụm nhà kho A375-A376 đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức) rộng hàng nghìn mét vuông được ngân hàng bán 60 tỷ đồng, trong khi giá thị trường thời điểm đó cao gấp nhiều lần.
Liên Khui Thìn muốn đi đến cùng để làm rõ sự thật về cái chết đầy uẩn khúc của Liên Khôi Dương, em ruột ông. Khi biết đã trót giao trứng cho ác, trong tù, ông Thìn đã nhờ em trai cũng là một doanh nhân ở Khánh Hòa thu thập tài liệu chứng cứ tố cáo nhằm ngăn chặn các hành vi chiếm đoạt và tẩu tán tài sản thi hành án. Tháng 11/2006, ông Liên Khôi Dương bất ngờ bị Công an TPHCM bắt giam để điều tra về tội “lưu hành các loại giấy tờ có giá giả” xảy ra ở TP Nha Trang tỉnh Khánh Hòa.