Hồn cốt làng Lại Đà

0:00 / 0:00
0:00
TP - Làng Lại Đà, xã Đông Hội (huyện Đông Anh, Hà Nội), quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nằm bên bờ sông Đuống, đoạn vừa tiếp nhận nguồn nước từ sông Hồng. Đó là một vùng sông nước hữu tình, người dân cần cù, chịu khó, đoàn kết, mang nét đặc trưng của làng quê Bắc bộ…

Dải đất cao giữa vùng trũng

“Làng ta trên dải đất cao/Giữa vùng đất trũng, cói lau ngút ngàn/Khởi đầu có một ít dân/Dựng lều kiếm cá, nuôi thân tháng ngày/Vương, Lường, Ngô, Nguyễn chung tay/Bốn dòng họ ấy dựng xây thành làng/Xa xưa là Cối Giang Trang/Huyện là Đông Ngàn của lộ Bắc Giang”, cụ Vương Khắc Tăng (82 tuổi, bậc cao niên trong làng Lại Đà) bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng một đoạn thơ như thế để giới thiệu về làng Lại Đà.

Hồn cốt làng Lại Đà ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh tại đình làng Lại Đà

Lại Đà là một trong bốn làng của xã Đông Hội, huyện Đông Anh ngoại thành Hà Nội, xưa thuộc xứ Kinh Bắc, phủ Từ Sơn. Cụ Tăng nói rằng, cụ đã đi nhiều vùng và Lại Đà là làng cổ, mang đầy đủ dáng dấp của một làng quê Bắc bộ. Lại Đà nằm cạnh sông Đuống (Thiên Đức). Chạy qua làng có lạch Chiêm Đức (Cối Giang) là phụ lưu sông Đuống. Nhìn trên bản đồ vệ tinh, từ làng Lại Đà ra đến ngã ba sông Hồng, sông Đuống chỉ hơn 1 km.

“Khi khai hoang mở đất, vùng đất này là vùng lầy hoang sơ, lau lách rậm rạp. Khi đó một số gia đình thuộc 4 họ Vương, Lường (Lương), Ngô, Nguyễn đến trấn ngự một khoảnh đất cao (gọi là Vườn Cũ). Bằng bàn tay và ý chí, dân làng đã chinh phục thiên nhiên, vượt thổ, đổ nền, làm nhà dựng cửa, lấy chỗ trú thân.

Cối Giang Trang là tên gọi xưa của làng Lại Đà, có từ trước khi Trạng nguyên Nguyễn Hiền mất (Trạng nguyên Nguyễn Hiền là trạng nguyên đầu tiên của triều Trần và là trạng nguyên trẻ nhất lịch sử khoa bảng ở nước ta, quê ở Nam Định, mất khoảng giữa thế kỷ XIII). Cối Giang (gọi nôm là Cói) là tên chung của cả tổng Cối Giang (tổng Cói). Tên gọi này cũng gắn liền với nghề nghiệp và đặc sản của làng là nghề làm bỏng và nghề trồng rau cần để bán”, cụ Tăng lý giải.

Hồn cốt làng Lại Đà ảnh 2

Cổng làng Lại Đà ngày nay

Trong Thần phả của làng Lại Đà xưa để lại có ghi: “Sau khi Trạng nguyên Nguyễn Hiền từ trần, vua nhà Trần cho quan Giám Quốc Sư đi tìm nơi lập đền thờ. Khi quan Giám Quốc Sư đến trang Cối Giang thấy ở đây có hai ngôi đất cao, có núi giăng hàng, sông nước hội tụ bao quanh, thật là thế đất quý lạ.

Lại có Long Mã chầu về theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, kiêm sao Văn chiếu tụ. Phía trước có ấn đường làm án che, có Quy Thổ lai chầu, phía sau có quần sơn bao bọc, sông nước hội tụ. Biết ngôi đất này sẽ phát nhiều văn nhân hào phú, thanh tú lương gia, quan Giám Quốc Sư đã ban cho các bậc phụ lão trong làng tiền để xây dựng hai ngôi đền”. Đó là đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền và đền thờ Thánh mẫu Tiên Dung và giao cho khu Lại Đà thờ phụng.

Hồn cốt làng Lại Đà ảnh 3

Một góc đình làng Lại Đà

Tiếp tục hỏi về truyền thống vùng đất Lại Đà xưa, chúng tôi được cụ Tăng đưa đến gặp bà Vương Thị Xuyến, là dâu trong dòng họ Nguyễn Phú, người được tặng nhiều sách viết về vùng đất này. Dù bà tay run, chân bước chậm nhưng khi thấy chúng tôi, bà tươi cười đón tiếp, tự tay rót nước mời từng người.

Thấy chúng tôi hỏi, bà lục tìm trong tủ và đưa cho chúng tôi 4 cuốn sách, tập thơ nói về làng Lại Đà, rồi chậm rãi nói: “Cái này tôi được tặng, đã đọc hết rồi, các anh cứ xem”. Trong đó, cuốn “Lại Đà xưa và nay” của tác giả Nguyễn Phú Sơn và chi bộ, lãnh đạo thôn Lại Đà biên soạn chi tiết hơn cả.

Cuốn sách giới thiệu hàng chục hiền tài. Trong đó có đoạn: “Là vùng đất có truyền thống lịch sử - văn hóa, từ thế kỷ 15 có cụ Vương Khắc Thuật đậu hàng Tam khôi, vào cuối thời nhà Lê, đầu thời Nguyễn có cụ Ngô Tuấn được xếp vào bậc danh thần trấn Kinh Bắc. Sau này, làng có rất nhiều người đỗ cử nhân, tú tài, góp phần làm cho Lại Đà thành đất văn hiến trong xứ Đông Ngàn hay chữ”.

Mạch nguồn văn hóa

Cụ Tăng tiếp chuyện, từ xa xưa, làng Lại Đà đã tổ chức chặt chẽ, quy củ với việc lập hệ thống thủy lợi, kênh mương tưới tiêu, kết hợp vận tải thủy từ làng ra đồng rất hiệu quả. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp đạt năng suất cao, thu nhập của người dân trong làng luôn cao hơn các vùng xung quanh.

Từ một vùng đất đồng chiêm trũng, từ xa xưa, người dân đã tổ chức đào luồng Lại Đà. Đây là công trình thủy nông và giao thông vận chuyển dài hơn 2km. Luồng này chạy từ phía Bắc vòng về phía Nam và đi vào giữa làng. Đó là một hệ thống đường giao thông thủy liên hoàn, mùa cấy phục vụ chở mạ, chở phân; mùa gặt phục vụ chở lúa về bến để đưa về làng. Vào mùa mưa, con luồng này trở thành công trình thoát nước, còn vào mùa cạn lại thành nơi cấp nước để phục vụ sản xuất vụ chiêm.

Trong làng Lại Đà ngày nay còn giữ ngôi đình thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền (dân làng coi Trạng nguyên Nguyễn Hiền là thành hoàng làng nên thờ trong đình làng), chùa Cảnh Phúc và Miếu thờ Thánh mẫu Tiên Dung. Cụm di tích này được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích Quốc gia vào ngày 5/9/1989. Đình thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền (trạng nguyên đầu thế kỷ XIII đời nhà Trần) được lập nên ngay sau khi Trạng nguyên Nguyễn Hiền mất, tính đến nay đã được hơn 700 năm.

Cụ Tăng kể, vì nằm cạnh sông Đuống, nên lũy tre làng được các cụ trồng, trở thành bức thành kiên cố của làng Lại Đà xưa.

“Từ xa xưa, để phòng trộm, cướp, cha ông chúng tôi đã đắp hệ thống lũy đất, có hào sâu phía ngoài, vừa an toàn phòng thủ, vừa thuận lợi khi tấn công.

Ở các đường vào làng, xóm đều xây cổng… Trong kháng chiến chống Pháp, nhiều lần giặc không thể tấn công vào làng. Vì thế, Lại Đà trở thành nơi nuôi giấu cán bộ thời kỳ tiền khởi nghĩa.

Ngoài ra, hệ thống hào chiến đấu chui qua các ngõ xóm, sân vườn tạo thành lối liên thông an toàn để du kích có thể di chuyển, chiến đấu linh hoạt. Trong 9 năm chống Pháp, Lại Đà thuộc khu Độc Lập (là một trong 5 khu của phủ Từ Sơn) tự chủ, kiên cường chiến đấu chống Pháp.

Theo cụ Tăng, người làng Lại Đà từ xưa ăn nói lễ phép, có nền nếp, trải qua mấy trăm năm, qua bao thế hệ đều tiếp thu được điều đó. Ngày nay, trong thời kỳ đổi mới, bộ mặt làng xóm thay đổi nhanh chóng, đời sống người dân nâng lên rõ rệt nhưng những nếp văn hóa trong làng vẫn được giữ gìn và phát huy.

“Nếp đó thể hiện vào ngày mồng 1 hằng tháng, mọi người đều đến thắp hương trong đình. Hay những khi hội làng, người dân Lại Đà từ khắp tứ xứ lại trở về làng để tham dự vào lễ hội lớn nhất trong năm của làng.

Từ sáng tinh mơ, những người cao tuổi đại diện cho làng có mặt tại đình để làm lễ cúng Thành hoàng làng và thực hiện những nghi thức đã được truyền lại từ nhiều đời nay. Không chỉ mang ý nghĩa giáo dục, gắn kết cộng đồng, về với hội làng, mỗi người dân Lại Đà đều cảm nhận được rất rõ nét đẹp của hồn làng, hồn quê được nuôi dưỡng, gìn giữ qua các thế hệ”, cụ Tăng cho biết.

Cụ Vương Khắc Tăng là bạn cùng học với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. “Mỗi khi về quê, đến đầu cổng làng, Tổng Bí thư đều xuống xe và đi bộ, ghé qua nhà các cụ cao niên trong làng hỏi thăm sức khỏe. Chúng tôi rất tự hào vì quê hương có một con người mà cả cuộc đời vì dân vì nước, góp công xây dựng đất nước, mà như Tổng Bí thư nói, là chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, cụ Tăng nói.

MỚI - NÓNG