Hơn 1.700 người đã nhập cảnh Việt Nam, quy định test nhanh gây bất cập

0:00 / 0:00
0:00
Trong 3 ngày đầu mở lại đường bay quốc tế thường lệ, đã có 17 chuyến bay chở 1.753 khách nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Cục Hàng không Việt Nam đã cho biết thông tin trên và nêu rõ trong báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về tình hình thực hiện các chuyến bay quốc tế chở khách vào Việt Nam, giai đoạn từ ngày 1-3/1/2022.

Tình hình khôi phục đường bay quốc tế

Cục Hàng không Việt Nam cho hay, trong 3 ngày đầu khôi phục các chuyến bay quốc tế chở khách vào Việt Nam, đã có 17 chuyến bay được thực hiện với 1.753 khách nhập cảnh thông qua 4 cảng hàng không quốc tế là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Các chuyến bay này được khai thác bởi 4 hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines và 7 hãng hàng không nước ngoài gồm: Thai Vietjet của Thái Lan, Singapore Airlines của Singapore, Turkish Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ, Starlux Airlines và China Airlines của Đài Loan, Emirates của UAE, Asiana Airlines của Hàn Quốc.

Trước đó, hôm 31/12/2021, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi nhà chức trách hàng không Đài Bắc (Trung Quốc) đồng ý với đề xuất của đối tác về việc mỗi bên được phép khai thác chuyến bay chở khách với tần suất 5 chuyến/tuần/chiều (bổ sung một chuyến/tuần).

Ngày 4/1, nhà chức trách hàng không Đài Bắc (Trung Quốc) đã có văn bản chỉ định 3 hãng hàng không khai thác chuyến bay giữa Đài Bắc và Hà Nội/TPHCM là China Airlines, Eva Air và Starlux Airlines.

Hơn 1.700 người đã nhập cảnh Việt Nam, quy định test nhanh gây bất cập ảnh 1

Tối 1/1, những hành khách hành trình từ Phnom Penh (Campuchia) đến TPHCM trên chuyến bay quốc tế thường lệ đầu tiên chính thức đến Việt Nam kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 (Ảnh: VNA).

Với Hàn Quốc, ngày 31/12/2021, Cục Hàng không nước này đã có văn bản đồng ý với đề nghị của Việt Nam về việc khai thác 4 chuyến/tuần cho mỗi bên để chở khách chiều từ Hàn Quốc vào Việt Nam. Tuy nhiên, Hàn Quốc mong muốn tăng lên thành 6 chuyến/tuần.

Đối với chiều từ Việt Nam đi Hàn Quốc, nước này thông báo theo quy định về phòng dịch. CDC Hàn Quốc đang hạn chế chuyến bay chở khách đến nên đề xuất chỉ cấp cho phía Việt Nam 2 chuyến/tuần nhưng phía Hàn Quốc 21 chuyến/tuần.

Bất cập quy định test nhanh

Theo Cục Hàng không Việt Nam, cơ quan này nhận được nhiều ý kiến chính thức của các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài liên quan đến các quy định về test nhanh trước khi lên máy bay và sau khi xuống máy bay, yêu cầu hãng hàng không thu phí test nhanh qua vé máy bay và hãng thực hiện thanh toán test nhanh với đơn vị y tế…

Cụ thể, Cathay Pacific, Turkish Airlines đề nghị Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thành lập điểm thu phí tại sân bay hoặc tìm bệnh viện có thể thiết lập kênh thu phí qua cổng thông tin điện tử trực tuyến như ở các sân bay khác do các hãng hàng không không thể hỗ trợ việc thu phí này.

Cũng khó khăn về việc thu hồi chi phí test nhanh, hãng Starlux cho biết đã phải ký xác nhận hóa đơn của bệnh viện yêu cầu thanh toán chi phí xét nghiệm nhanh cho hành khách vào ngày 1/1/2022, hóa đơn vẫn chưa được thanh toán do không có phê duyệt.

Hơn 1.700 người đã nhập cảnh Việt Nam, quy định test nhanh gây bất cập ảnh 2

Quy định test nhanh đang gây những bất cập với khách nhập cảnh (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Malaysia Airlines cũng đề xuất hành khách thanh toán qua link trực tiếp với bệnh viện, hãng sẽ không ký hợp đồng với bệnh viện do hãng sẽ không chi trả khoản phí này.

Trong khi đó, Qatar Airways cho rằng việc thu phí xét nghiệm nhanh này như một khoản phụ phí trong vé gây phức tạp. Chính phủ của các hãng hàng không cần quy định đây là loại thuế mà Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) có thể cấp mã riêng, sau đó các hãng hàng không mới có thể đưa mã này vào vé bán cho hành khách nhập cảnh vào Việt Nam. Việc này sẽ mất tới 2 tháng để được thực hiện đầy đủ.

Đại diện Qatar Airways thông tin thêm, hãng đang phải thực hiện trả chi phí test nhanh của khách của bệnh viện quận 1, hãng không thu được chi phí này từ khách. Hãng kiến nghị áp dụng cách thu phí của sân bay Nội Bài (hành khách sẽ tự chi trả chi phí này khi nhập cảnh).

Phía Singapore Airlines đề nghị bỏ quy định test nhanh trước khi khởi hành và sau khi đến bằng cách giảm yêu cầu PCR từ 72 giờ hiện tại xuống 48 giờ trước khi nhập cảnh, điều này kết quả sẽ chính xác hơn.

Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ thống nhất quy định về xét nghiệm SARS- CoV-2 trước chuyến bay theo thông lệ chung là chỉ sử dụng kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR như các quốc gia/vùng lãnh thổ cũng như Việt Nam đang áp dụng trong suốt thời gian qua, kể cả thời điểm xuất hiện chủng mới Delta.

Trong trường hợp vẫn duy trì test nhanh, Cục Hàng không kiến nghị thống nhất việc thu phí xét nghiệm nhanh tại sân bay, sẽ thu phí trực tiếp từ hành khách và chỉ xét nghiệm một lần đối với tổ bay nước ngoài khi nhập cảnh Việt Nam để chờ chuyến bay tiếp theo về nước.


Link gốc:

https://dantri.com.vn/xa-hoi/hon-1700-nguoi-da-nhap-canh-viet-nam-quy-dinh-test-nhanh-gay-bat-cap

Theo Châu Như Quỳnh/Dân trí
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.