Sáng 1/9, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, mưa lũ đã làm 4 người chết ở Sơn La (1 người), Hòa Bình và Yên Bái và 3 người mất tích ở Thanh Hóa.
Đến hôm nay, mưa lũ làm sập gần 180 ngôi (chủ yếu ở Thanh Hóa, Điện Biên, Sơn La), gần 730 nhà dân phải di dời khẩn cấp (Sơn La 618 nhà, Hòa Bình 18 nhà, Yên Bái 75 nhà…) và trên 1.100 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại.
Báo cáo nhanh từ các địa phương cũng cho thấy, các tuyến quốc lộ qua địa bàn Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Điện Biên, Thanh Hóa về cơ bản đã được thông xe. Tuy nhiên, nhiều tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, liên thôn, xã vẫn còn nhiều điểm bị ngập, ách tắc, chưa khắc phục được.
Các tỉnh đã cử nhiều đoàn xuống các khu vực bị ảnh hưởng để cập nhật thiệt hại, chỉ đạo các ban ngành tổ chức di dời tài sản, giúp đỡ người dân khắc phục sự cố ổn định cuộc sống.
Theo trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 1/9, mưa lớn diện rộng chấm dứt trên khu vực Bắc bộ. Trong 2-3 ngày tới, ở vùng núi phía Bắc có khả năng xảy ra mưa dông rải rác, cục bộ có nơi mưa vừa, mưa to.
Tuy nhiên, tình trạng sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt vũng trũng tiếp tục diễn ra ở vùng núi Bắc bộ và Bắc Trung bộ, đặc biệt tại các tỉnh như: Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa và Nghệ An; ngập úng tại các vùng trũng thấp, đặc biệt tại tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An.
Do vậy, Ban chỉ đạo Trung ương yêu cầu các địa phương huy động lực lượng và phương tiện để khắc phục, thông tuyến các tuyến đường bị ách tắc, chia cắt do mưa lũ, sạt lở đất.
Riêng các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác hệ thống đê điều để kịp thời phát hiện sự cố, xử lý giờ đầu theo phương châmʻʻbốn tại chỗʼʼ, đảm bảo an toàn; tổ chức lực lượng kiểm tra, kịp thời sơ tán người dân tại các khu vực trũng thấp có nguy cơ ngập lụt.
Ngoài ra, do lũ trên sông Đà đang lên cao, nên hôm nay (1/9), hồ thủy điện Hòa Bình có thể mở cửa xả đáy. Trước tình trên, Ban chỉ đạo Trung ương yêu cầu các địa phương như Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội và các địa phương hạ du chủ động sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn khi xả lũ.
Đặc biệt, các địa phương lưu lưu ý các công trình đang thi công, lồng bè nuôi trồng thủy sản trên sông, ven sông, phương tiện vận tải thủy, các bến đò, hoạt động khai thác khoáng sản, sản xuất kinh doanh, canh tác nông nghiệp trên bãi sông.