Dưới sự chủ trì của Thượng tá Trần Viết Năng, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Trưởng ban Thanh niên Quân đội (TNQĐ), hội thảo có sự tham dự của đại biểu các cơ quan thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn; lãnh đạo, chỉ huy Ban TNQĐ qua các thời kỳ.
Thượng tá Trần Viết Năng, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Trưởng ban Thanh niên Quân đội phát biểu khai mạc hội thảo |
Thượng tá Trần Hữu Dũng, Phó trưởng Ban TNQĐ cho biết, sau hơn một năm triển khai tích cực, công trình “Lịch sử công tác thanh niên Quân đội (1952-2022)” đã hoàn thành theo đúng kế hoạch.
Theo đó, bản thảo công trình có độ dài hơn 300 trang (khổ giấy A4), được kết cấu gồm: Lời nói đầu, Chương mở đầu, 4 chương nội dung và kết luận; các phụ lục, danh mục tài liệu tham khảo. Mỗi chương có 2 mục, gắn chặt với từng giai đoạn lịch sử của công tác thanh niên trong Quân đội.
Nội dung các chương nêu rõ đặc điểm tình hình của mỗi giai đoạn, khái quát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị và hướng dẫn của Trung ương Đoàn đối với công tác TNQĐ và công tác xây dựng Ban TNQĐ.
Đồng thời, công trình cũng khái quát những kết quả đã đạt được, những thành công, thành tích nổi bật và rút ra một số bài học kinh nghiệm quý báu trong suốt 70 năm ra đời, xây dựng và trưởng thành của công tác TNQĐ.
Đại tá Phan Văn Long, nguyên Trưởng ban Thanh niên Quân đội phát biểu ý kiến tại hội thảo |
“Tham gia tích cực vào việc biên soạn dự thảo công trình, đã có 116 lượt ý kiến của các cơ quan chức năng của Tổng cục Chính trị, Trung ương Đoàn, 60 đầu mối đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các nhân chứng lịch sử, cán bộ chuyên gia nghiên cứu; lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ đã công tác ở Ban TNQĐ và cán bộ đảm nhiệm công tác thanh niên qua các thời kỳ”, Thượng tá Trần Hữu Dũng nói.
Trao đổi với Tiền Phong, Thượng tá Trần Viết Năng, Trưởng ban TNQĐ, Chủ biên công trình “Lịch sử công tác thanh niên Quân đội (1952-2022)” cho biết, tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết và có giá trị lịch sử, thực tiễn sâu sắc. Qua đó, góp phần giúp Ban biên soạn hoàn chỉnh bản thảo, nâng cao hơn nữa chất lượng cuốn sách và nghiệm thu công trình.
Anh Nguyễn Hữu Ngọc, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn phát biểu ý kiến tại hội thảo |
Theo Thượng tá Trần Viết Năng, kể từ ngày Chi đoàn Thanh niên Cứu quốc đầu tiên được thành lập trong Quân đội, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng mà trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng cục Chính trị, công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong Quân đội từng bước được xây dựng, phát triển, trưởng thành, là một nội dung quan trọng của công tác Đảng, công tác chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam.
“Đây là công trình khoa học lịch sử, thể hiện rõ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức tiến hành toàn diện các mặt hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Đồng thời,công trình cũng làm rõ những thành công và rút ra những bài học kinh nghiệm để góp phần giáo dục, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc; tinh thần sẵn sàng chiến đấu, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm; nêu cao tinh thần xung kích, tình nguyện, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc bất cứ nhiệm vụ gì mà tổ chức phân công của TNQĐ qua các thời kỳ”, Thượng tá Trần Viết Năng nhấn mạnh.
Thượng tá Trần Hữu Dũng, Phó trưởng Ban Thanh niên Quân đội báo cáo kết quả biên soạn công trình |
Các đại biểu dự hội thảo, sáng 10/12 |