Hội nhập yêu

Hội nhập yêu
TP - Câu chuyện của Lea Seibert, Mai Lan Thai đến từ Đức và Hương Ly ở Hà Nội cho thấy quan niệm về tình yêu, cuộc sống của các bạn trẻ đến từ nước phát triển hàng đầu châu Âu với một quốc gia ở châu Á như Việt Nam đang xích lại gần nhau.

> Lẩu tình yêu ở Việt Nam

Bạn trẻ Đức Ảnh từ Internet
Bạn trẻ Đức. Ảnh từ Internet.

Du lịch nằm trong máu của Lea Seibert. Bố cô là một nhà lâm sinh học, công tác trong tổ chức hỗ trợ phát triển. Lea sống ở Indonesia đến năm 6 tuổi, sau đó thường xuyên chuyển dời. "Không nơi nào mà tôi thực sự có thể gọi là quê hương mình" - cô gái 27 tuổi nói- "Có thể ở châu Á tôi thấy hợp hơn". Lea theo học đại học ngành Nghệ thuật sân khấu ở Hildesheim (Đức) sau đó đến Viện Goethe Hà Nội làm việc.

Bạn trai của cô, một người Anh, đã theo cô từ Berlin đến Hà Nội. Chính ở Hội An cô đã quen anh vào năm 2009. "Tôi đã bắt chuyện, nhưng không phải vì thấy anh bảnh bao, mà vì tôi muốn mượn chiếc ghế từ bàn anh. Chúng tôi bắt đầu trò chuyện và hiểu nhau".

Đối với Lea và bạn trai cô, điều hiển nhiên là họ cùng nhau đến Việt Nam - có thể sẽ cùng nhau dọn sang London (Anh) sau này. "Tôi thấy thật tuyệt khi anh ấy hiểu tôi", Lea nói, và đối với cô, quan trọng nhất ở người đàn ông là sự thông minh, giàu tính hài hước.

Bình đẳng là điều chủ yếu trong một mối quan hệ. "Nhưng mặt khác, tôi cũng rất xem trọng việc mỗi người nên là chính họ. Tôi thích nấu nướng, nên anh không được xen vào. Ngược lại, anh là nhà đầu tư ngân hàng nên anh lo về tài chính. Đây không phải là sự phân công về vai trò mà thể hiện sự quan tâm", Lea nói.

Lea Seibert Ảnh: Hoàng Đức Thịnh
Lea Seibert. Ảnh: Hoàng Đức Thịnh.

Đến nay, Lea vẫn không quan tâm đến kết hôn. "Tôi không biết điều đó có cần thiết không. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi là một đôi thật đẹp", Lea nói. Đối với Lea, con cái quan trọng hơn đám cưới. "Ba người sẽ vừa vặn tuyệt vời trong một chiếc xe hơi", cô nói và cười sảng khoái. Tuy nhiên, Lea không tưởng tượng được cảnh vì con mà phải nghỉ việc.

Ở tuổi 27 vẫn chưa kết hôn và chưa có con, Lea phù hợp với khuynh hướng được thống kê ở Đức: Tuổi kết hôn trung bình vào năm 2009 theo Sở Thống kê Liên bang nằm ở độ tuổi 33 (đàn ông) và 30 (phụ nữ). Và số trẻ sinh ra bị giảm: Vào năm 2009, con số này đạt kỷ lục thấp với mức 1,36 trẻ trên một phụ nữ - qua đó nước Đức đội sổ ở châu Âu.

Thêm vào đó, những người sinh con ngày càng lớn tuổi hơn: Con số trung bình của trẻ được sinh ở những phụ nữ trẻ giảm trong năm 2009, trong khi con số này lại tăng ở các phụ nữ tuổi cao. Không con đã trở thành một hiện tượng xã hội ở Đức. Trong vấn đề này, chuẩn mực giáo dục giữ một vai trò quyết định: Các chuyên gia nhìn thấy nguyên nhân của việc hiếm con nằm ở thời gian học hành mỗi ngày một dài.

Điều này dường như khác với ở Việt Nam. Chuyến tham quan Bảo tàng Phụ nữ ở Hà Nội giúp tôi hiểu phần nào về hình ảnh lý tưởng của người phụ nữ: Một bức tượng vàng to mang hình một người phụ nữ anh hùng với một đứa con trên tay. "Gia đình là một bộ phận quan trọng của xã hội. Mục tiêu của gần như mỗi người phụ nữ là được lập gia đình", Elena Hansen, chuyên gia trẻ của tổ chức DED, bây giờ là GIZ (Đức), làm việc từ một năm nay ở bảo tàng, giải thích. "Có con giữ một vai trò lớn hơn rất nhiều so với ở Đức".

Mai Lan Thai Ảnh: N.A
Mai Lan Thai. Ảnh: N.A.

Nghĩ kiểu Đức, yêu rất Việt Nam

Mai Lan, 29 tuổi, mang trong người một phần của cả hai nền văn hóa: Bố mẹ cô là người Việt Nam, nhưng cô trưởng thành ở Munich (Đức). Do vậy, cô không có cú sốc văn hóa khi bắt đầu công việc ở bộ phận trao đổi văn hóa tại Viện Goethe Hà Nội vào tháng 1-2010, một sự thay đổi về địa lý, cùng với sự đồng hành của bạn trai cô. "Điều đó đối với tôi rất quan trọng. Nhưng chỉ bởi anh ấy cũng đồng tình. Tôi không hề ép buộc điều đó. Và tôi cũng sẽ đi cùng với anh ấy đến bất cứ nơi nào mà anh ấy muốn đi".

Sau khi theo học ĐH ngành Trung Quốc học, Triết học và Quản trị kinh doanh, cô sang Anh để làm Thạc sỹ ngành Kiến thiết và Phát triển đô thị. Tại Hà Nội, cô từng làm việc với những hợp đồng ngắn hạn. "Tôi thích được đi đây đó, nhưng dĩ nhiên điều này cũng có thể thay đổi". Vì Mai Lan mong muốn có một gia đình cho riêng mình trong tương lai. Cô cũng nghĩ có thể kết hôn, "nhưng đó không phải là điều chủ yếu", cô nói.

Cô càng thấy lạ lẫm hơn với áp lực xã hội đè nặng lên những người phụ nữ trẻ ở Việt Nam: "Tôi cố gắng giải thích cho những người bạn gái của mình rằng ở nơi khác không quan trọng chuyện kết hôn. Thật là điều không hay, đã qua đò khi mới 28 tuổi". Cô cũng thấy lạ lẫm khi trong nhà hàng, cô được hỏi về tình trạng gia đình.

Tuy nhiên, Mai Lan lại cảm thấy mình rất Việt Nam trong cách chăm lo bạn trai: "Tôi rất thích được chăm sóc anh ấy". Cô đánh giá cao tính hài hước và những cuộc đối thoại thú vị trong quan hệ và xem trọng tính bình đẳng - và điều đó không chỉ trong việc nhà mà cả trong công việc "Đây là tâm điểm trong cuộc sống của tôi. Tôi tự đánh giá mình rất nghiêm qua công việc".

Không cần biết phải ngồi trong văn phòng bao lâu - gia đình chiếm một vị trí quan trọng đến mức cô gọi điện cho mẹ mỗi ngày. "Tôi nhận thấy rằng, tôi suy nghĩ kiểu Đức - nhưng thường có cách cảm nhận rất Việt Nam".

Đối với cô gái thuần Việt - Hương Ly, được làm mẹ là điều quan trọng. Cô có phong cách của một phụ nữ hiện đại, mặc quần áo kiểu mới nhất, để tóc hợp thời, nói tiếng Anh rất lưu loát và ứng xử một cách tự tin. Cô gái 31 tuổi này sống với họ hàng tại Hà Nội và cảm thấy rất gắn bó với họ - trong khi ở Đức có rất nhiều phụ nữ trẻ dọn ra khỏi nhà bố mẹ để được tự lập. Tuy nhiên, vợ chồng Hương Ly cũng có kế hoạch mở doanh nghiệp riêng.

Đối với Hương Ly, gia đình cũng là một cộng đồng, ủng hộ và bao bọc cô. Cô không bao giờ có chuyện nghỉ làm việc sau khi sinh con trai. Vì thế bà của cô đã giúp đỡ trong việc chăm sóc đứa nhỏ - và hiện nay đứa bé ba tuổi đã đi nhà trẻ.

Vì Hương Ly mang nhiều trọng trách và có một ngày làm việc rất nặng nề. Từ 7 năm nay cô là quản lý khách sạn của gia đình. Dù có những quan hệ gia đình, Hương Ly điều hành khách sạn rất chuyên nghiệp. Hương Ly đã kết hôn được 5 năm. Cô đánh giá chồng mình là người rất cứng rắn, có thể tin tưởng anh, cũng như anh yêu cô và chăm sóc cô.

Quan hệ bình đẳng giữa vợ chồng cô là điều tự nhiên, có thể khác với thời ông bà. "Trong các quyết định quan trọng, chúng tôi luôn hỏi ý kiến của nhau", Hương Ly nói. Cô thuê người giúp việc nhà nên không phải tự làm tất cả mọi việc, nhưng cô cần tổ chức được công việc trong nhà và chăm sóc con cái, người chồng mới kiếm được nhiều tiền hơn.

Nữ nhà báo Nadine Albach từ nhật báo Westfailsche Rundschau (Đức) tới Hà Nội trong khuôn khổ chương trình trao đổi phóng viên quốc tế của Viện Goethe (www.goethe.de/closeup). 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG